Dầu thô giảm mạnh, cà phê Arabica xuống mức thấp nhất 15 tháng
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), thị trường hàng hoá đóng cửa hôm qua (08/11) với sự suy yếu ngày thứ 2 liên tiếp. Lực bán mạnh của nhiều mặt hàng quan trọng đã kéo chỉ số MXV- Index giảm 1,3% xuống mức 2.529 điểm.
Đóng góp mạnh nhất vào đà giảm của toàn thị trường ngày hôm qua là mức giảm sâu của tất cả các mặt hàng nhóm năng lượng. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, toàn bộ các mặt hàng kim loại đồng loạt đón nhận lực mua rất tích cực. Trong ngày thị trường biến động mạnh, giá trị giao dịch toàn Sở cũng tăng hơn 12%, đạt mức trên 4.000 tỷ đồng.
Giá dầu giảm mạnh trước các bất ổn tại thị trường Mỹ và Trung Quốc
Giá dầu giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm qua, khi thị trường lo ngại về nhu cầu suy giảm tại Trung Quốc cũng như các bất ổn trong lần bầu cử giữa kỳ tại Mỹ. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 3,14% xuống 88,91 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 2,61% xuống 95,36 USD/thùng.
Dầu thô chịu áp lực trở lại trong phiên giao dịch hôm qua, khi thị trường chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt tại Quảng Đông, khiến cho thị trường lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu tại nước này sẽ còn phải giảm. Đặc biệt là khi chính phủ nước này gần như chắc chắn sẽ phải sử dụng lại biện pháp phong tỏa mạnh tay để dập dịch lây lan. Bên cạnh đó, thị trường cũng đang chờ đợi kết quả bầu cử giữa kỳ tại Mỹ. Đảng Dân chủ nếu giành được thắng lợi, nhiều khả năng sẽ tiếp tục chính sách hạn chế khai thác, mở rộng giàn khoan tại Mỹ. Ngành dầu khí tại quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới bị kiềm chế sẽ là yếu tố hỗ trợ giá dầu. Ngược lại, nếu Đảng Cộng hòa giành được đa số ghế, thị trường kỳ vọng các công ty năng lượng sẽ được nhiều sự trợ giúp hơn. Hiện tại, Đảng Cộng hòa được cho là chiếm ưu thế hơn, do đó giá đang phản ứng tiêu cực với thông tin từ kỳ bầu cử.
Tâm lý tiêu cực lan rộng bất chấp các số liệu tích cực từ báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA. Cơ quan này nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ trong năm 2022 từ 99,55 triệu thùng/ngày lên 99,82 triệu thùng/ngày. EIA lần thứ 5 liên tiếp hạ dự báo sản lượng dầu của Mỹ, từ 12.36 triệu thùng/ngày xuống 12,31 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thế giới được điều chỉnh giảm tương ứng, từ 100,73 xuống 100,67 triệu thùng/ngày.
Rạng sáng nay, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ API cho thấy tồn kho dầu tăng mạnh 5,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 04/11, cao hơn dự đoán tăng 1,4 triệu thùng của giới phân tích, có thể là yếu tố gây sức ép lên giá.
Cà phê Arabica chạm mức thấp nhất trong 15 tháng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 08/11, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Hai mặt hàng cà phê nối tiếp lực giảm từ đầu tuần, đẩy giá về mức thấp kỷ lục trong hơn 1 năm trở lại đây.
Arabica có phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp với mức giảm 2,40%, đẩy giá về mức 166,65 cents/pound, thấp nhất kể từ 07/2021. Tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US có ngày tăng thứ 3 với mức tăng 20.079 bao loại 60kg và vẫn còn tín hiệu cho việc tiếp tục tăng nhờ nguồn cung dồi dào từ Colombia và Trung Mỹ khi bước vào thời điểm thu hoạch. Bên cạnh đó, những cơn mưa thường xuyên trong thời gian gần đây vẫn đưa lại hỗ trợ tích cực cho triển vọng nguồn cung cà phê tại Brazil trong niên vụ tới. Chính 2 yếu tố này đã gây áp lực lên giá Arabica trong phiên hôm qua.
Đối với Robusta, thị trường đang chờ đợi nguồn cung từ Việt Nam với mùa vụ được đánh giá ở mức tốt và yếu tố thời tiết thuận lợi phục vụ cho quá trình thu hoạch thuận lợi, dự kiến sẽ cung cấp nguồn cung đáng kể trong thời gian tới. Đây là yếu tố sức ép lên giá, khiến mặt hàng này giảm hơn 1%
Theo sau cà phê, dầu cọ thô cũng có phiên suy yếu với mức giảm 1,62% trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trở nên nghiêm trong hơn tại Trung Quốc. Theo Uỷ ban Sức khỏe Quốc gia, nước này đã ghi nhận 7.691 ca nhiễm mới trong ngày hôm qua. Điều này không chỉ củng cố thêm cho lập trường rắn chắc về việc thắt chặt các biện pháp chống dịch mà còn đe dọa đến nhu cầu tiêu thụ dầu thực vật trên toàn cầu, trong đó có dầu cọ.
Ở chiều ngược lại, 2 mặt hàng đường đều có phiên tăng mạnh, trong đó đường 11 tăng 1,71% và đường trắng tăng 1,22% trong bối cảnh nguồn cung chịu áp lực thu hẹp. Pháp, quốc gia sản xuất đường từ củ cải hàng đầu thế giới đã điều chỉnh cắt giảm sản lượng từ mức hơn 32,69 triệu tấn trong dự báo tháng trước xuống còn 31,94 triệu tấn. Theo đó, triển vọng sản xuất sẽ giảm 7,1% so với năm ngoái và 13,6% so với trung bình 05 năm, làm dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung đường. Thông tin này đã gây áp lực khiến giá đường tăng trở lại.
Xuất khẩu cà phê nội địa giảm trong tháng 10 nhưng luỹ kế tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục giảm 400 đồng/kg so với ngày hôm qua. Theo đó, giá cà phê trong nước được chào bán trong khoảng 39.900 – 40.500 đồng/kg.
Theo số liệu chính thức của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 10 vừa qua, nước ta xuất khẩu 79,8 nghìn tấn cà phê với kim ngạch đạt hơn 207,8 triệu USD. So với tháng 9, xuất khẩu cà phê giảm mạnh 13,7% về lượng nhưng chỉ giảm 8,5% về giá trị do chưa chính thức vào mùa vụ và lượng hàng tồn kho không còn nhiều.
Tuy nhiên, luỹ kế trong 10 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu cà phê vẫn tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tăng rất mạnh 33,7% giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, có thể nói, trong năm nay, nước ta đã có mùa vụ cà phê được mùa, được giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận