Đấu thầu vào Long Thành, REE ghi nhận backlog kỷ lục
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ Điện Lạnh (Mã chứng khoán: REE) Nguyễn Thị Mai Thanh tiết lộ có tin vui về việc ký hợp đồng tham gia vào xây dựng sân bay Long Thành sau thời gian dài đàm phán, nhưng chưa công bố chi tiết.
Trước đó, REE tham gia nộp hồ sơ Gói thầu TB01 Cung cấp, lắp đặt thiết bị công trình của Dự án thành phần 2 Các công trình phục vụ quản lý bay thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Theo báo cáo mới nhất của Vietcombank Securities (VCBS), mảng kinh doanh truyền thống thầu cơ điện (M&E) của REE đang có sự phục hồi mạnh nhờ vào lượng công việc bổ sung từ dự án sân bay Long Thành.
"Lượng backlog lũy kế đến hết quý III/2024 đạt 3.902 tỷ đồng (gấp 4 lần cùng kỳ), dự kiến giúp doanh thu mảng M&E phục hồi trong năm 2025", báo cáo viết.
REE có kinh nghiệm thi công trong các công trình như nhà ga hàng không, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, resort, khách sạn và chung cư cao cấp. VCBS cho rằng lượng backlog trong giai đoạn 2024-2025 dự kiến được đóng góp chủ yếu từ các dự án đầu tư công trong khi các dự án thuộc nhóm tư nhân dần phục hồi.
Sau khi trích lập nợ xấu và ghi nhận lỗ trong năm 2023, REE đặt kế hoạch sẽ có lợi nhuận ròng trong năm 2024 mảng M&E. Bên cạnh đó, REE cho biết sẽ thận trọng tham gia đấu thầu đối với các dự án sắp tới đồng thời áp dụng biện pháp tạm ngừng thi công khi chủ đầu tư vi phạm thanh toán.
Thực tế, kết quả kinh doanh quý III của mảng M&E kém khả quan với doanh thu giảm 8% và lãi ròng giảm 14% so với cùng kỳ. VCBS tin rằng do thực hiện trích lập dự phòng bổ sung cho các khoản phải thu khó đòi và bắt đầu triển khai các dự án mới ký hợp đồng.
Phân tích từ Shinhan Securities (SSV) cũng ghi nhận tổng giá trị hợp đồng ký mới lũy kế của REE đã lên gần 4.000 tỷ đồng. Doanh thu kỳ vọng mảng M&E năm nay có thể đạt 3.053 tỷ đồng, tăng trưởng 15% nhờ REE trúng thầu dự án sân bay Long Thành.
Không chỉ mảng M&E có bước tiến quan trọng mà mảng năng lượng của REE cũng có thay đổi lớn, nhất là ở phân khúc năng lượng điện gió.
Công ty đặt mục tiêu gia tăng 100MW danh mục năng lượng từ các dự án tái tạo phù hợp với quy hoạch điện VIII. Trong quý II, REE mua lại 70% của CTCP Điện gió Duyên Hải - đơn vị sở hữu dự án điện gió cùng tên tại tỉnh Trà Vinh.
Dự án này có công suất dự kiến 48MW, tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng và cho ra sản lượng khoảng 150 triệu kWh mỗi năm. Tiến độ chuẩn bị đầu tư giai đoạn cuối 2024, lựa chọn nhà thầu trong quý I/2025, xây dựng từ quý II/2025 và dự kiến vận hành thương mại vào quý I/2026.
Dựa trên khung pháp lý hiện hành, VCBS cho rằng các bên sẽ đàm phán theo thông tư 19/2023/TT-BCT. Giá bán điện của các dự án điện gió trong thời gian tới có khả năng cao sẽ không cao hơn so với giá bán điện của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, do chi phí xây dựng và vận hành có xu hướng giảm trong dài hạn.
Việc triển khai điện gió Duyên Hải sẽ giúp REE tăng trưởng công suất nhưng không quá đột biến (hiện hơn 1.000 MW). Tuy nhiên, VCBS đánh giá việc thực hiện được một dự án điện gió mới với giá đàm phán theo khung pháp lý mới sẽ là một bước đi đột phá để REE có thể tiếp tục triển khai các dự án tiếp theo.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đề xuất triển khai 3 dự án điện gió tại tỉnh Trà Vinh với công suất 344MW theo cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA); bao gồm đề xuất khảo sát, nghiên cứu và lập hồ sơ bổ sung dự án điện gió V3-5, V3-7 và V1-4 giai đoạn 2 vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh.
Tổng thể kế hoạch nâng công suất, REE đang triển khai xây dựng nhà máy điện là Thác Bà 2, Trà Khúc 2 và nhà máy điện gió Duyên Hải. Sau khi 3 nhà máy điện mới vận hành thương mại, tổng công suất điện ước tính sẽ tăng 9% so với hiện tại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận