Đấu thầu vàng: Giảm giá tham chiếu nhưng vẫn còn điều kiện 'cực khó'
Ngân hàng Nhà nước giảm giá tham chiếu đấu thầu vàng xuống 80,7 triệu đồng/lượng cho phiên sáng nay 23/4. Tuy nhiên, cần giảm thêm một tiêu chí khác để nhiều đơn vị sẵn sàng đấu thầu.
Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu vàng với khối lượng 16.800 lượng vàng miếng do kế hoạch đấu thầu ngày 22/4 phải hủy bỏ. Sở dĩ cuộc đấu thầu ngày hôm qua không thể diễn ra là vì không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định.
Phiên hôm nay, NHNN đã điều chỉnh giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 80,7 triệu đồng, tức giảm 1,1 triệu đồng/lượng so với giá công bố trước đó. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được đặt là 14 lô (tương đương 1.400 lượng) và tối đa 20 lô (2.000 lượng). Điều này liệu đã đủ để "hút" doanh nghiệp tham gia đấu thầu?
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá diễn biến trên "là điều ngạc nhiên".
Nhưng vị chuyên gia này cũng băn khoăn, liệu có cầu “ảo” hay không và cần có nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.
Trong khi đó, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, giá tham chiếu không ảnh hưởng so với giá đấu thầu, bởi giá tham chiếu chỉ để tính giá trị đặt cọc. Còn giá chào sàn sẽ là mức giá tiệm cận với giá thị trường đang mua bán.
Ông Phương phân tích, chính quy định về khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được đặt là 14 lô (tương đương 1.400 lượng) đã khiến phiên đấu giá vàng dự kiến không có 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu, bởi nếu đặt mua ít hơn là không được.
“Thị trường vàng SJC trong nước hẹp hơn trước đây, vì thế một doanh nghiệp phải đặt mua 1.400 lượng một lần là cực khó. Các đơn vị mua vàng để cân đối trạng thái đã bán trước đó, chứ không phải mua để đầu cơ. Do đó, không nhiều doanh nghiệp mặn mà tham gia đấu thầu”, ông Phương nói.
Vị chuyên gia khảo sát và thấy rằng, nhu cầu mua của mỗi doanh nghiệp hiện chỉ vài trăm lượng, nên khối lượng đấu thầu tối thiểu cần giảm xuống.
“Khối lượng đặt mua tối thiểu chỉ nên quy định khoảng 5 lô, tức 500 lượng, mới thu hút các đơn vị tham gia”, ông Phương đề xuất.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng quan điểm: “Lượng đấu thầu tối thiểu bao nhiêu tùy thuộc vào sự sôi động của thị trường. Việc NHNN đưa ra quy định khối lượng đấu thầu tối thiểu là 14 lô có thể cao so với nhu cầu vàng hiện nay. Nhưng điều này không có gì bảo đảm vì sau nhiều năm, NHNN mới tổ chức lại đấu thầu. Thị trường đang trong tình trạng thăm dò và rất khó để đưa ra bất cứ kết luận nào”.
Tuy nhiên, đánh giá về con số 16.800 lượng vàng miếng dự kiến được đưa ra đấu thầu vào sáng 23/4, ông Hiếu cho rằng, có lẽ còn rất thấp để có thể ổn định được giá thị trường. Theo ông, cần cung ra thị trường một lượng vàng nhiều hơn nữa; cùng với đó là sửa đổi ngay Nghị định 24.
Còn nhớ, phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên tổ chức vào ngày 28/3/2013 có 21 ngân hàng và doanh nghiệp đăng ký nhưng chỉ 17 đơn vị chính thức tham gia phiên đấu thầu. Tuy nhiên, có đến 15 đơn vị "bỏ phiếu trắng".
Kết quả, chỉ có 2 đơn vị trúng thầu với khối lượng 2.000 lượng, giá trúng thầu bằng mức giá sàn. Ở phiên đấu thầu đầu tiên, 24.000 lượng vàng không có doanh nghiệp chốt giá mua. Nhiều công ty vàng thời điểm đó giải thích việc không tham gia đấu thầu là vì mức giá sàn chưa hợp lý.
Theo các chuyên gia, trong việc sử dụng dự trữ ngoại hối của NHNN, nguyên tắc an toàn phải được đặt lên đầu tiên. Do vậy, khi sử dụng vàng dự trữ để can thiệp thị trường, NHNN sẽ thận trọng một cách hợp lý. Can thiệp thị trường phải có quá trình, một phiên đấu thầu không thể đánh giá hết được. NHNN sẽ làm nhiều bước để đi đến mục tiêu đưa giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận