Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Cà Mau (DCM) lên kế hoạch đi lùi
Giá bán tăng mạnh, song các doanh nghiệp phân bón lại đang lên kịch bản lợi nhuận đi lùi.
Giá “đầu vào” và “đầu ra” cùng tăng mạnh
Mặt hàng phân bón tăng giá mạnh nhất là DAP. Ở thị trường trong nước, giá DAP Trung Quốc (xanh) nhập khẩu đã tăng 5,1 triệu đồng/tấn, lên mức 15,5 triệu đồng/tấn; DAP Hàn Quốc tăng 2,7 triệu đồng/tấn, lên 15,5 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, giá bán DAP Lào Cai tăng 1,95 triệu đồng/tấn, lên mức 10,4 triệu đồng/tấn. Đặc biệt, theo lãnh đạo Công ty cổ phần Vinacam, DAP tồn kho hầu như không còn trong khi vụ canh tác Xuân - Hè đang đến, nhu cầu tiêu thụ lớn.
Nhập khẩu phân bón các loại khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguồn cung phân bón thế giới bị thắt chặt và tình trạng thiếu hụt container là nguyên nhân chính khiến giá phân bón DAP tăng cao. Hiện sản xuất trong nước mới đáp ứng được 30 - 35% nhu cầu thị trường.
Các doanh nghiệp phân bón cho biết, giá phân bón tăng cao từ cuối năm 2020 đến nay theo đà tăng của giá phân bón thế giới. Cùng với đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh gây áp lực lên giá bán.
Các doanh nghiệp sản xuất phân bón từ khí khó có thể cải thiện lợi nhuận theo đà tăng của giá dầu cũng như nhu cầu tiêu thụ.
Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) nhận định, với tình hình thời tiết năm 2021 dự báo thuận lợi, cùng giá các loại nông sản đang ở mức cao, sẽ là điều kiện tốt để người nông dân tăng cường chăm bón cho cây trồng, nâng cao năng suất, từ đó gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón.
Tuy vậy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón từ khí khó có thể cải thiện lợi nhuận theo đà tăng của giá bán cũng như nhu cầu tiêu thụ phân bón, bởi lẽ, giá khí đang tăng mạnh theo diễn giá của giá dầu. Giá dầu thô WTI tại Mỹ ngày 6/1 là 50 USD/thùng, đến ngày 2/3 lên 60,92 USD/thùng, tăng 21,8%. Giá dầu Brent cùng thời gian này tăng từ 53,8 USD/thùng lên 63,35 USD/thùng, tương đương mức tăng 17,7%.
Doanh nghiệp phân bón “cài số lùi”
Năm 2020, giá khí đầu vào rơi xuống mức thấp lịch sử do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón từ khí thiên nhiên hưởng lợi. Tại Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã chứng khoán DPM), doanh thu đạt 7.762 tỷ đồng, đi ngang so với năm 2019, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 702 tỷ đồng, tăng tới 81%.
Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã chứng khoán DCM) ghi nhận doanh thu đạt 7.563 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2019, song lợi nhuận sau thuế đạt 665 tỷ đồng, tăng 55,5%.
Theo SSI Research, trong năm 2020, giá urea giảm 15% nhưng vẫn thấp hơn mức giảm 33% của giá khí đã giúp các công ty sản xuất urea cải thiện lợi nhuận.
Năm 2021, giá bán bình quân phân urea sẽ tăng cùng với xu hướng tăng của giá khí, nhưng áp lực cạnh tranh trên thị trường phân bón cũng gay gắt hơn do nhập khẩu dự kiến tăng. Do đó, giá bán bình quân khó theo kịp đà tăng của nguyên liệu đầu vào.
Thông tin từ hai doanh nghiệp sản xuất đạm từ khí thiên nhiên cho thấy điều đó. Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM) cho biết, năm nay, Công ty dự kiến tổng doanh thu hợp nhất đạt 7.839 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt 197 tỷ đồng, cổ tức 5%. Như vậy, chỉ tiêu lợi nhuận của DCM trong năm nay thấp hơn tới 70,3% so với mức thực hiện trong năm ngoái.
Trong khi đó, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu sản lượng sản xuất 776.999 tấn, tăng 14% và sản lượng kinh doanh 770.000 tấn, tăng 51% so với thực hiện năm 2020; tổng doanh thu đạt 8.331 tỷ đồng, tăng 7,3%. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế mục tiêu chỉ là 365 tỷ đồng, giảm gần 48% so với kết quả thực hiện được của năm ngoái. Đây cũng là con số thấp nhất trong 10 năm qua.
Triển vọng lợi nhuận của ngành phân bón năm 2021 được SSI Research đánh giá kém khả quan. Hy vọng cho các công ty sản xuất phân bón trong năm nay là đề xuất thay đổi quy định về thuế VAT với sản phẩm phân bón từ không chịu thuế sang chịu thuế VAT sẽ được chấp thuận. Khi ấy, các công ty sản xuất phân bón sẽ có thể được khấu trừ thuế đầu vào, từ đó cải thiện lợi nhuận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận