Đạm Cà Mau dự kiến đạt kỷ lục sản xuất 922 nghìn tấn ure
Tính đến thời điểm hiện tại, Đạm Cà Mau chính thức cán mốc sản lượng sản xuất 800,19 nghìn tấn urea quy đổi, về đích sớm 51 ngày so với kế hoạch. Dự kiến, sản lượng đạt kỷ lục 895,15 nghìn tấn urea quy đổi vào ngày 17/12 tới, nâng tổng sản lượng cả năm là 922 nghìn tấn
Với thành tích này, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau tiếp nối chuỗi 8 năm liên tục hoàn thành kế hoạch sản xuất trước thời hạn, tự hào ghi tên Top 10 nhà máy có hiệu quả hoạt động tốt nhất thế giới do Nhà bản quyền Haldor Topsoe đánh giá.
Theo chia sẻ của lãnh đạo DN này, dù năm 2020 đầy khó khăn do ảnh hưởng Covid-19 và thiên tai hạn mặn, nhưng nhờ chính sách giá khí và nguồn cung ổn định đáp ứng tối đa nhu cầu sản xuất, kết quả kinh doanh của DCM tính tới thời điểm hiện tại rất khả quan. Cụ thể, trong quý 3, Đạm Cà Mau ghi nhận 2.019 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 36% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng vọt, gấp 2,1 lần, đạt 257 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận từ 8,2% cải thiện lên mức 12,7%.
Dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, điều này không ngăn Đạm Cà Mau đạt mức lãi ròng 102 tỷ đồng, gấp 11,5 lần quý 3 năm ngoái.
9 tháng đầu năm, tổng doanh thu công ty đạt 5.458 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kì, trong đó, doanh thu xuất khẩu ure đạt 1.190 tỷ đồng, tăng 121,4%. Lãi sau thuế đạt 463 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kì, hoàn thành 890% kế hoạch năm 2020.
Giải thích về kết quả kinh doanh quý 3, đại diện Đạm Cà Mau cho biết, doanh thu tăng chủ yếu do Đạm Cà Mau đẩy mạnh xuất khẩu phân Urê, doanh số trong 9 tháng đạt gần 1.200 tỷ đồng, gấp hơn hai lần năm ngoái. Sản lượng Urê toàn công ty trong giai đoạn này tăng 35%, tuy nhiên giá bán thương mại giảm gần 13%. Nguyên nhân chính khiến giá vốn của Đạm Cà Mau giảm mạnh là do chi phí giá khí nguyên liệu giảm sâu.
Tài sản giảm trong kỳ chủ yếu đến từ khấu hao cố định, giá trị hàng tồn kho của công ty cũng giảm gần 300 tỷ đồng so với đầu năm.
"Đội ngũ đoàn kết nỗ lực vì mục tiêu chung, hăng say sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp vận hành nhà máy ổn định xuyên suốt. Công suất cao 110% với 331 ngày hoạt động liên tụ, lần đầu tiên trong chặng đường qua, lực lượng kỹ sư nhà máy độc lập thực hiện bảo dưỡng tổng thể thành công mà không thuê chuyên gia nước ngoài, giúp tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho công ty", đại diện Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau nói.
Ở một diễn biến khác, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), cho hay giai đoạn 2016-2017, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã tìm kiếm các cơ hội để giảm tỷ lệ sở hữu tại Đạm Cà Mau (HoSE: DCM) từ 75% xuống 51%. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn do dự về chính sách giá khí đầu vào chưa rõ ràng sau khi cơ chế bảo hộ giữa Đạm Cà Mau và PVN hết hiệu lực từ năm 2019 trở đi.
"Hiện nay, cơ chế giá khí đã đàm phán xong, PVN có thể tìm được đối tác mua lại phần thoái vốn. Do đó, dự đoán PVN sẽ thoái vốn Đạm Cà Mau vào năm 2021", SSI Research, dự báo.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DCM đang giao dịch ở vùng giá 12.750 đồng/CP.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận