CTD lãi quý 1 vỏn vẹn 29 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2021
Theo báo cáo tài chính quý 1/2022 vừa công bố, trong 3 tháng đầu năm CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) ghi nhận doanh thu thuần gần 1.913 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2021. Biên lãi gộp giảm từ 4,7% xuống 3,5%, tương ứng lợi nhuận gộp đạt 66,6 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý 1, dù doanh thu tài chính của Coteccons tăng 11% lên 76 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính cũng tăng thêm 11 tỷ đồng. Trong khi, chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 26% xuống còn 89 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Coteccons lãi ròng 29 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn vượt gần 45% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm thấp kỷ lục mà công ty đặt ra là 20 tỷ đồng.
Cùng trong quý 1, dòng tiền kinh doanh của Coteccons cũng tiếp tục âm nặng hơn 325 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái -184 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động đầu tư cũng âm hơn 662 tỷ đồng. Điều này khiến Coteccons phải bù đắp bằng việc đi vay.
Theo đó, hồi tháng 1, công ty đã phát hành thành công 500 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu nhằm thanh toán chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí thuê nhân công (300 tỷ đồng) và tăng quy mô vốn hoạt động (200 tỷ đồng).
Cùng với đó, Coteccons còn phát sinh thêm 135 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, nâng tổng số dư nợ vay tài chính tại thời điểm 31/3 lên hơn 630 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty vẫn còn hơn 3.600 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn, tăng hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm.
Năm 2022, Coteccons đề ra mục tiêu doanh thu 15.010 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2021; song lợi nhuận sau thuế sụt giảm còn 20 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2021 và cũng là mức thấp nhất của "ông lớn" ngành xây dựng này. Trước đó, năm 2021 công ty ghi nhận lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 24 tỷ đồng, giảm 93% so với năm 2020.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 mới đây, lý giải về chỉ tiêu thấp kỷ lục này, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons cho biết, nguyên nhân chính là do công ty trích lập dự phòng lớn.
Bổ sung thêm ý kiến, bà Cao Thị Mai Lê, Kế toán trưởng Coteccons cho biết, năm 2022, CTD xây dựng doanh thu 15.000 tỷ và lợi nhuận 20 tỷ phản ánh bức tranh thực tế của ngành xây dựng.
“Những số liệu này chúng tôi đã thể hiện qua kết quả 2021, chi phí tăng hay khó khăn đó sẽ không dừng lại năm 2021 mà sẽ tiếp tục trong năm nay. Kế hoạch lợi nhuận năm nay của chúng tôi sẽ gặp phải sự phản đối của cổ đông nhưng thực sự đây là bức tranh thực tế.
Chúng tôi đã dự phòng những gì sẽ xảy ra trong năm nay khi nền kinh tế sẽ không phục hồi nhanh như chúng ta kỳ vọng. Ví dụ như sau COVID chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ tới về chiến tranh ngoài biên giới Việt Nam, hay việc Tân Hoàng Minh và nó ảnh hưởng đến vĩ mô. Chúng tôi đã xây dựng phương án dự phòng cho những vấn đề như vậy”, bà Lê nói.
Bà Lê cho biết, mức trích lập dự phòng dự kiến của CTD năm 2022 khoảng 95 tỷ đồng, nếu trường hợp không trích lập thì lợi nhuận có thể là 115 tỷ đồng.
Cũng tại đại hội, HĐQT Coteccons đánh giá năm 2022 ngành xây dựng đối diện với một số thách thức chính gồm lạm phát tăng, qua đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của chủ đầu tư bất động sản và thu nhập người mua nhà hay chủ trương nắn dòng tín dụng vào bất động sản có thể tác động đến những chủ đầu tư có dòng tiền kém. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng các công ty xây dựng do sự phụ thuộc vào tiến độ ký hợp đồng với chủ đầu tư.
Ban điều hành Coteccons cho biết năm 2022 kế hoạch của công ty vẫn tập trung chủ yếu và xây dựng dân dụng trong khi mảng đầu tư công chỉ mới bắt đầu tham gia và xúc tiến. Trong khi đó, đối thủ lớn là Hòa Bình (mã HBC) đã được mời đấu thầu nhiều dự án quan trọng và kỳ vọng doanh thu mảng công nghiệp sẽ đóng góp đến 20% tổng doanh thu trong năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận