Coteccons: Sau đối tác ngoại, đến lượt nội bộ tố cáo lãnh đạo
Sau những mâu thuẫn gay gắt khiến hai đối tác ngoại đồng loạt yêu cầu phế truất ban lãnh đạo của Coteccons, mới đây Ban kiểm soát của Coteccons đã tố cáo hàng loạt hành động trái pháp luật của lãnh đạo Coteccons.
Ém nhiều nội dung, cản trở hoạt động của Ban kiểm soát
Sau sự kiện chấn động hai quỹ ngoại (còn gọi là "nhóm Kusto", những cổ đông lớn tại Coteccons) đồng loạt yêu cầu tổ chức đại hội cổ đông bất thường để phế truất ban lãnh đạo của Coteccons, thì mới đây Ban kiểm soát của Coteccons đã làm đơn kiến nghị gửi lên Ủy ban chứng khoán nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM tố cáo hàng loạt hành động mà ban này cho là trái luật pháp của ban lãnh đạo Coteccons; đề nghị tiến hành công bố thông tin sai phạm theo quy định.
Theo đó, ông Luis Fernando Garcia Agraz - Trưởng Ban kiểm soát Conteccons gửi lên vào ngày 5/6/2020, tố ban điều hành Coteccons đã cắt xén, chỉnh sửa sai sự thật trong báo cáo của Ban kiểm soát, thậm chí là trái ngược với báo cáo gốc của BKS.
Trước đó, ngày 5/5/2020, BKS đã gửi lên HĐQT báo cáo thường niên về phần của BKS nhưng vào ngày 29/5/2020, ông Nguyễn Sỹ Công - Tổng giám đốc Coteccons đã ký công bố thông tin về Báo cáo thường niên năm 2019, trong đó phần báo cáo của BKS hoàn toàn khác với bản báo cáo do BKS soạn thảo.
Ngoài ra, báo cáo của Trưởng Ban kiểm soát Coteccons còn tố ban lãnh đạo Conteccons đã cắt xén, chỉnh sửa 8 nội dung trong báo cáo của BKS để không công bố cho cổ đông.
Đó là những nội dung thể hiện sự lũng đoạn của ban lãnh đạo, thành lập hàng loạt công ty khác nhau và sở hữu chéo, trong đó đưa người nhà và người của Coteccons sở hữu cổ phần nhưng không công bố theo quy định của pháp luật, dẫn đến sự suy giảm quyền lợi của công ty cũng như quyền lợi của cổ đông.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo Coteccons còn bị tố cản trở hoạt động của BKS. Cụ thể, ngày 4/10/2019, BKS họp với ban điều hành công ty yêu cầu cho phép kiểm toán viên độc lập thực hiện kiểm toán đặc biệt, theo yêu cầu của cổ đông nhưng bị ban điều hành từ chối mà không nêu rõ lý do.
Tiếp đó, ngày 2/12/2019, BKS đã ban hành nghị quyết đề nghị HĐQT tổ chức đại hội cổ đông bất thường, căn cứ theo Luật doanh nghiệp nhưng không được phê chuẩn. Kế đến, ngày 11/3/2020 Ban điều hành đã ban hành các quyết định điều chuyển, luân chuyển nhân sự của ban kiểm toán nội bộ (trực thuộc BKS) sang các bộ phận hoặc địa điểm làm việc khác mà không được sự đồng ý của BKS.
Phản đối việc này, ngày 16/3/2020, BKS đã ban hành Nghị quyết yêu cầu ban điều hành hủy bỏ các quyết định sai trái và khôi phục hoạt động của ban kiểm toán nội bộ. Cho đến nay, yêu cầu trên không được thực hiện, do đó ban kiểm toán nội bộ không thể thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát nội bộ của mình.
Ngày 17/3/2020, BKS đã gửi công văn yêu cầu ban điều hành cung cấp thông tin để BKS rà soát báo cáo tài chính năm 2019 được kiểm toán bởi Công ty TNHH PwC Việt Nam, tuy nhiên ban điều hành từ chối.
Nghiêm trọng hơn, ngày 18/3/2020, theo giấy ủy quyền số 5221/2019/UQ-CTHĐQT của Chủ tịch HĐQT, Công ty luật Lê Nguyễn đã gửi email không công nhận vai trò của 2 thành viên BKS là ông Luis Fernando Garcia Agraz và ông Đặng Hoài Nam. Đây là sự vi phạm và cản trở hoạt động của BKS.
Chủ tịch Coteccons bị tố lập hệ sinh thái, rút ruột công ty?
Trong văn bản gửi Ủy ban chứng khoán nhà nước của BKS cũng nêu những dấu hiệu vi phạm trách nhiệm và xung đột lợi ích công ty, khi nhiều cán bộ quản lý cấp cao Coteccons và người liên quan lại đồng thời sở hữu cổ phần chi phối tại các công ty đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Coteccons.
Cụ thể ông Nguyễn Bá Dương, hiện đang là chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật của Coteccons nhưng đồng thời lại là cổ đông sáng lập của Cty CP Đầu Tư Xây Dựng Newtecons, với tỷ lệ sở hữu là 49%.
Bà Huỳnh Thị Tuyết Ngọc, vợ ông Nguyễn Bá Dương, là cổ đông sáng lập của Cty CP BM Windows (BM Windows) với tỷ lệ sở hữu là 60%; ông Nguyễn Minh Hoàng, con ông Nguyễn Bá Dương là cổ đông sáng lập Cty TNHH BOHO DECOR (Boho) với tỷ lệ góp vốn 40% theo công bố nội dung đăng ký thành lập mới.
Ông Nguyễn Xuân Đạo, em của ông Nguyễn Bá Dương, tham gia vào các Cty khác nhau: Cổ đông sáng lập của Newtecons, trước đây là FDC, với tỷ lệ sở hữu là 34%; Cổ đông sáng lập của BM Windows được thành lập ngày 19-7-2016 với tỷ lệ góp vốn 10%; Cổ đông sáng lập Cty CP Vật liệu và Giải pháp Sol (Sol), trước đây là Cty CP Vật liệu và Giải Pháp S.M.A.R.T (SMART) với tỷ lệ sở hữu là 29.9%
Ông Trần Quang Quân hiện đang là Phó TGĐ của Cotecons, có liên quan đến các công ty sau: Cổ đông sáng lập của Newtecons, trước đây là FDC, với tỷ lệ sở hữu là 17%; Chủ tịch Hội đồng quản trị và người đại diện pháp luật của Cty Cổ Phần Đầu Tư Xây Dựng Ricons, vừa nhà thầu phụ chính có các hoạt động kinh doanh thương mại đáng kể với Coteccons vừa là đối thủ cạnh tranh của Coteccons.
Theo công bố mới nhất, Coteccons hiện đang sở hữu 14,3% vốn điều lệ của Ricons. Ông Ngô Thanh Phong, hiện đang là Chánh văn phòng tại Coteccons, là cổ đông sáng lập của BM Windows với tỷ lệ sở hữu là 10%...
Ban kiểm soát đã nêu các "thủ thuật’ rút ruột của ban lãnh đạo Coteccons. Theo các Luật doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Nghị định 71/2017 của chính phủ và điều lệ công ty thì giao dịch các bên liên quan phải được sự phê chuẩn của HĐQT hoặc đại hội cổ đông. Dù không có bất kỳ nghị quyết nào của HĐQT phê chuẩn nhưng từ năm 2015-2020 phần lớn doanh thu của công ty Ricons đến từ Coteccons.
Giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ doanh thu của Ricons đến từ Coteccons là trên 50%, năm 2016 con số này là trên 70%; Chuyển khách hàng từ Coteccons sang các Cty: Ricons , Newteccons (trước đây là FDC).
Mặt khác ban điều hành còn vô hiệu hoá quy định về phòng ngừa xung đột lợi ích trong công ty bằng cách ban hành quy chế hoạt động của HĐQT cho phép Ban Giám đốc được thông qua các hợp đồng giá trị dưới 5 tỷ và các hợp đồng hoặc giao dịch xây dựng (gồm kết cấu, hoàn thiện, cơ khí và điện) mà Coteccons thuê ngoài cho bên có liên quan chỉ đạt được lợi nhuận gộp ít nhất 3% của gói thầu, hay nói cách khác là chia nhỏ hợp đồng để ko phải thông qua HĐQT phê chuẩn.
Ngoài ra, Ban điều hành còn sử dụng nguồn lực của công ty điều chuyển cho các dự án thuộc các công ty sân sau, lũng đoạn bằng cách giao thầu phụ cho các công ty sân sau và lách không thông qua HĐQT, ĐHCĐ.
Tất cả bằng chứng được BKS thu thập qua các thể hiện như thỏa thuận cổ đông năm 2012 thể hiện cam kết sáp nhập Unicons và Phú Hưng Gia (nay là Ricons); Thư yêu cầu kiểm toán độc lập của nhóm cổ đông tháng 8/2019; Quy chế hoạt động của HĐQT; Quyết định Điều chuyển nhân sự từ Coteccons sang dự án Kyocera của Newtecons; Ông Hoàng Phương Lâm nắm giữ hai vị trí tại Coteccons và Newtecons tại cùng một thời điểm; Hợp đồng 3 bên chỉ định FDC (Newteccons) làm nhà thầu thi công và bảo lãnh trách nhiệm cho FDC...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận