Coteccons (CTD): Dòng tiền dương trở lại sau 13 quý, nửa đầu năm trúng thầu hơn 14,000 tỷ đồng
Lợi nhuận trong nửa đầu năm 2021 của CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) sụt giảm, không như kỳ vọng do nhiều yếu tố, nhưng điểm tích cực là lần đầu tiên trong 13 quý gần nhất, Công ty đã có dòng tiền dương. Đặc biệt giữ được niềm tin của khách hàng cũ và có thêm khách hàng mới đi cùng với Coteccons dài hạn - là điểm mà Ban lãnh đạo Coteccons cho là bước tiến chiến lược của công ty.
Lợi nhuận quý 2 của CTD giảm sâu, ngành xây dựng dự báo khó khăn đến tháng 6/2022
Năm 2020-2021 là năm khó khăn đối với cả nền kinh tế vì dịch bệnh Covid, với Coteccons lại càng khó khăn hơn vì còn bị tác động bởi yếu tố nội tại - là giai đoạn chuyển giao khi công ty có những sự thay đổi lớn trong ban lãnh đạo công ty, từ HĐQT đến Ban Tổng Giám đốc.
Trong các công ty xây dựng, backlog là tiền đề cho việc ghi nhận doanh thu của năm nay, chẳng hạn cho năm 2021 thì giai đoạn 2018-2020 đã phải có hợp đồng ký thì mới có thể ghi nhận doanh thu cho 1-2 năm sau. Giai đoạn quý 2 và 3/2020, CTD không ký được hợp đồng mới nào, và backlog còn lại chỉ gần 9,000 tỷ đồng - là thách thức lớn cho ban lãnh đạo mới.
Chung xu hướng của ngành xây dựng và những thách thức từ nội tại, nửa đầu năm 2021, CTD công bố kết quả kinh doanh kém khả quan. Cụ thể, quý 2, doanh thu thuần 2,550 tỷ đồng, giảm 36%, lợi nhuận sau thuế 44.9 tỷ đồng giảm 71% cùng kỳ. Đây là quý có lợi nhuận thấp nhất trong 5 năm gần nhất của doanh nghiệp.
Luỹ kế 6 tháng, doanh thu đạt 5,119 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 99.4 tỷ đồng, giảm lần lượt 32% và 65% cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, Công ty đều thực hiện 29% doanh thu và lợi nhuận.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo CTD trong buổi gặp gỡ các chuyên viên phân tích vừa qua cho biết, thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Covid nên các công trường xây dựng phải tạm dừng lại nhiều, đồng thời các chủ đầu tư cũng bị ảnh hưởng về tài chính nên cũng tạm hoãn triển khai dự án (nhất là các mảng khách sạn, du lịch - gần như 2020 đến nay dừng toàn bộ) - qua đó ảnh hưởng đến việc lấy khách hàng và ghi nhận doanh thu của CTD. Chưa kể đến, các dự án ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh - là thị trường lớn của CTD, nhiều dự án bị trì hoãn do thủ tục cấp phép kéo dài.
Ngoài ra, Covid cũng làm phát sinh chi phí ngoài mong đợi, chẳng hạn khi tạm dừng công trình thì các chi phí duy trì công trình vẫn cần chi ra.
Mặt khác, biến động giá nguyên vật liệu tăng cao từ đầu năm 2020 đến nay, cũng như sự cạnh tranh trên thị trường xây dựng, xây lắp khiến CTD không còn thế độc quyền như trước đây. Nhiều đối thủ cạnh tranh với các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thấp hơn sẵn sàng đặt giá xuống để cạnh tranh lấy hợp đồng. Đây là thách thức cho CTD khi phải vừa duy trì chất lượng, an toàn, tiến độ, vừa có thể cạnh tranh để trúng thầu.
Bà Trịnh Quỳnh Giao, Giám đốc Đầu tư CTD cho biết, trong ngắn hạn, lợi nhuận của CTD bị ảnh hưởng bới các yếu tố trên và quá trình tái cơ cấu thì cần thời gian, không thể hiện được ngay trên số liệu tài chính. Theo đó, các chỉ tiêu sinh lời ROE, ROA…chưa tăng trưởng được trong tình hình hiện nay. CTD kỳ vọng trong 1-2 năm tới sẽ cải thiện được.
Tại thời điểm 31/12/2020, tổng giá trị hợp đồng đã ký (backlog) chuyển tiếp sang năm 2021 là 9,000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Công ty đã thực hiện ghi nhận 5,100 tỷ đồng doanh thu, như vậy backlog còn lại của năm 2020 để ghi nhận trong nửa cuối năm là khoảng 3,900 tỷ đồng. Trong đó, khu vực Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh khoảng 2,400 tỷ đồng.
Ông Michael Trần - Phó Tổng Giám đốc CTD chia sẻ về ngành xây dựng năm 2021 là năm khó khăn nhất và dự báo vẫn sẽ kéo dài cho tới tháng 6/2022. Nhiều chủ đầu tư, nhất là trong phân khúc khách sạn, nghỉ dưỡng, văn phòng cho thuê, shopping… dù có cơ hội nhưng không dám đẩy nhanh tiến độ trong bối cảnh dịch bệnh Covid khó lường, và khả năng tiêm chủng toàn dân phải đến nửa năm sau mới có thể hoàn tất.
Dù vậy, nếu các công ty xây dựng có thể chuyển hướng tới các công trình năng lượng, điện năng, tập trung đi tìm thêm công trình về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông – là lối thoát cho giai đoạn này.Thành quả đáng ghi nhận của Coteccons trong 6 tháng đầu năm
Theo chia sẻ của CTD trong 6 tháng đầu năm, CTD và Unicons trúng thầu trên 14,000 tỷ đồng (trong đó 12 dự án của CTD và 6 dự án thuộc về Unicons), có một số khách hàng mới như Bim Group, Eco Park, BRG… nhờ giá hợp lý, chất lượng tốt và có giải pháp tốt. Trong nửa cuối năm, theo tình hình Covid, CTD ước tính có thể tập trung và trúng thầu thêm 8,000-10,000 tỷ đồng.
Theo đánh giá của CTCK Mirae Asset Việt Nam, bất chấp những khó khăn về dịch bệnh trong 6 tháng đầu năm và tình hình cạnh tranh gay gắt giữa những công ty xây dựng, CTD vẫn mang về 18 gói thầu với giá trị hơn 14 ngàn tỷ đồng. Đây là điểm sáng của công ty trước tình hình khó khăn chung của toàn ngành và thể hiện vai trò là công ty xây dựng hàng đầu tại Việt Nam.
Đáng chú ý, đội ngũ phát triển kinh doanh của CTD đã có những kết quả khả quan trong việc xây dựng dữ liệu về chủ đầu tư mới, dự án mới, khác biệt so với CTD trước đây là chỉ tập trung vào vài chủ đầu tư và chỉ 1-2 người chịu trách nhiệm đi lấy dự án về.
Tại thời điểm hiện nay, danh mục dự án đến 2023 mà CTD đang tiếp cận là khoảng 300 công ty với tổng giá trị dự án để đấu thầu là 500,000 tỷ đồng – đó là lý do mà CTD cần dữ liệu khách hàng lớn. Hiện CTD áp dụng phần mềm quản lý tất cả thông tin từ khâu đầu tiên là gặp gỡ, tìm hiểu, đến thương thảo, xây dựng, và đóng dự án …đều được cập nhật lên hệ thống, nhằm lưu trữ thông tin, qua đó không bị phụ thuộc bởi nhân sự rời đi.
Ban lãnh đạo CTD cho biết, công ty đã thành công trong việc giữ chân khách hàng cũ và giành lại niềm tin từ họ thông qua chất lượng, an toàn và tiến độ, thể hiện qua giá trị các hợp đồng, đồng thời có thêm các khách hàng mới đi cùng. Đây là bước tiến chiến lược của CTD.
Điểm tích cực khác là vấn đề quản lý tài chính, số dư tiền mặt tăng lên so với thời điểm năm 2020 nhờ thu được các khoản nợ khó đòi và siết chặt quản lý dòng tiền.
Điều này thể hiện rõ qua báo cáo tài chính nửa đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương gần 220 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 503.6 tỷ đồng – là tín hiệu tốt trong việc quản lý tài chính (thu hồi được nhiều khoản nợ khó đòi) và kiểm soát chặt chẽ dòng tiền. Tính đến 30/06, CTD có 3,667 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, tăng 8% so với đầu năm. Công ty vẫn duy trì không có vay nợ tài chính. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối kỳ đạt 390 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 8,346 tỷ đồng.
Mirae Asset Việt Nam cho rằng, các công ty xây dựng, đặc biệt ở mảng dân dụng, sẽ trải qua giai đoạn khó khăn và khốc liệt nhất trong năm nay với kết quả kinh doanh tiêu cực, ít nhất là đến hết quý 3 và có thể là quý 4 năm nay và CTD cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này. Tuy nhiên với cấu trúc tài chính bền vững cho phép CTD có khả năng chống chịu cao so với các công ty trong ngành, và một khi khó khăn qua đi CTD sẽ có nhiều nguồn lực và dư địa để bứt tốc trước các đối thủ cạnh tranh.
Ban lãnh đạo CTD cũng cho biết, công ty đã tối ưu hoá được chi phí thông qua việc tái cơ cấu, cụ thể xem xét lại toàn bộ chuỗi nhà thầu phụ, nhà cung cấp đảm bảo giá cạnh tranh. Và xem xét lại quy trình thực hiện, không những từ mức giá đàm phán với nhà cung cấp, mà trong cách thực hiện thì cũng đã tối ưu, tiết kiệm được nhiều chi phí cho khách hàng.
Quan trọng hơn cả, hiện ban lãnh đạo CTD tự tin đang xây dựng được đội ngũ của Coteccons với tinh thần là One team, nhận được sự đồng lòng từ HĐQT và Ban Điều hành, cũng như sự ủng hộ từ cổ đông lớn.
Dù vậy, CTD cũng nhìn nhận có nhiều thách thức trong thời gian tới, đặc biệt 2021-2022, Covid chưa biết bao giờ mới kiểm soát được, điều này ảnh hưởng nhiều đến thời điểm có thể thực hiện được công trình. Và với câu chuyện cạnh tranh về giá giữa các đối thủ trong ngành xây dựng, CTD đang nghiên cứu để xem định vị bản thân ở góc độ nào, sẽ cạnh tranh về giá, về kỹ thuật hay bằng giá trị gì để có thể win được khách hàng. Nếu xét về giá thì đây không phải là chiến lược bền vững lâu dài, nên hiện tại CTD nghiên cứu hướng đi các mảng mà đối thủ cạnh tranh chưa mạnh, mà CTD đi trước thì giúp các ảnh hưởng do cạnh tranh về giá giảm bớt.
Điều đặc biệt quan trọng, là HĐQT CTD cùng Ban lãnh đạo đã xây dựng được tầm nhìn, định hướng rõ ràng của công ty trong vòng 5 năm tới. Đó là, đa dạng hoá hoạt động kinh doanh dựa trên năng lực cốt lõi là xây dựng. Cụ thể, theo ông Phan Hữu Duy Quốc, Phó Tổng Giám đốc CTD, Công ty sẽ lấn sân thêm mảng xây dựng, xây lắp trong lĩnh vực năng lượng, hạ tầng, tổng thầu EPC (năng lượng, nhà máy, tàu điện ngầm)… Theo đó, CTD tự tin công ty tiếp tục phát triển hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, thậm chí mở rộng sang lĩnh vực khác có hàm lượng chất xám, hàm lượng kỹ thuật cao hơn.
Ông Quốc cho biết, trong mảng hạ tầng và năng lượng đã liên kết được nhiều đối tác và đang theo đuổi 10 dự án, hi vọng thời gian tới sẽ có kết quả cụ thể. Ngoài ra, CTD cũng phát triển hơn thế mạnh truyền thống là các hợp đồng thiết kế thi công (D&B), khi mà năm 2020 không có hợp đồng D&B nào, thì tổng hợp đồng ký mới D&B dự kiến trong năm 2021 sẽ là 7,000 tỷ đồng, trong đó có dự án Swan Lake - Eco Park đang được triển khai. Mục tiêu từ năm 2021 trở đi, CTD sẽ có các hợp đồng D&B như giai đoạn trước đó, với giá trị hợp đồng đạt 30-40% doanh số, tương đương với mức bình quân mỗi năm đã từng đạt được từ năm 2014.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận