menu
‘Cơn khát’ cổ tức của cổ đông ngân hàng kéo dài gần thập kỷ
Hùng Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

‘Cơn khát’ cổ tức của cổ đông ngân hàng kéo dài gần thập kỷ

Mùa đại hội cổ đông của ngành ngân hàng vừa đi qua, lưu lại ấn tượng nhiều nhà băng công bố lợi nhuận hàng ngàn tỉ đồng trong năm vừa qua. Trong năm 2020 này, có nhiều lý do để các ngân hàng tiếp tục khất việc chia cổ tức cho cổ đông. Điểm đáng chú ý là việc này được lặp lại trong nhiều năm qua khiến "cơn khát" cổ tức của các cổ đông ngành ngân hàng ngày một kéo dài, thậm chí có đơn vị đến gần một thập kỷ.

Các ngân hàng như MSB, Sacombank, SCB, VPBank, Techcombank, ABBank đã được thông qua phương án giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm trước, không chia cổ tức. Trong kỳ họp đại hội cổ đông (ĐHCĐ) 2020, cổ đông các ngân hàng này yêu cầu lãnh đạo lý giải nguyên nhân không chia cổ tức, dù lợi nhuận ngàn tỉ.

Muốn chia cho cổ đông phải nhìn ý NHNN

Nếu ở góc nhìn của một cổ đông trung thành của một ngân hàng, cổ tức bằng tiền là một nguồn thu nhập quan trọng, và từ đó có những bức xúc khi ngân hàng nhiều năm không trả cổ tức cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, vấn đề chia hay không chia cổ tức, không phải chỉ là quyết định của riêng mỗi một ngân hàng.

Mới đây tại ĐHCĐ thường niên năm 2020, các cổ đông Sacombank đồng loạt lên tiếng về việc không được chia cổ tức. Một nữ cổ đông lớn tuổi bày tỏ: “Năm nào tôi cũng tham gia ĐHCĐ của ngân hàng để ngóng thông tin cổ tức, nhưng 8 năm qua kể từ ngày ngân hàng tiến hành việc sáp nhập thì không còn thấy nữa. Tôi già rồi, tôi theo Sacombank từ khi tóc còn xanh, đến nay tóc phải dùng đến thuốc nhuộm, biết tôi có còn chờ được đến ngày hưởng cổ tức hay không?”.

Theo lý giải của ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, hiện nay lợi nhuận trích quỹ đã hơn 4.000 tỉ đồng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép thì mới được chia cổ tức. HĐQT cũng rất muốn được chia cổ tức, bởi nhờ đó mà cổ phiếu mới có cơ hội tăng giá và HĐQT mới có tiền để tiêu dùng. Sacombank sẽ tiếp tục xin ý kiến NHNN về việc chia cổ tức.

Đã có nhiều cổ đông đặt câu hỏi, tại sao NHNN lại "chen chân" vào việc chia cổ tức của Sacombank, thay vì chỉ giám sát, quản lý về chính sách; Sacombank khi nào thực hiện chi trả cổ tức? Có cổ đông kiến nghị Sacombank nên chia cổ tức động viên cho cổ đông đã gắn bó với ngân hàng từ nhiều năm qua, dù chỉ chia với tỷ lệ an ủi từ 3-5%.

“HĐQT đang ở thế “trên đe dưới búa” và cũng chịu áp lực rất lớn. Hy vọng đến năm 2023, NHNN và Sacombank sẽ không bị cổ đông chất vấn vấn đề cổ tức nữa. Trong thời gian 5 năm, Sacombank sẽ thoát được cảnh tái cơ cấu, sẽ chia được cổ tức cho cổ đông”, ông Dương Công Minh trả lời cổ đông.

Về phía Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), nhiều cổ đông chất vấn HĐQT ngay tại ĐHCĐ thường niên 2020 vì lại thêm một năm không cổ tức. Tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, cổ tức tiếp tục là vấn đề trăn trở, bản thân SCB cũng rất muốn chia cổ tức cho cổ đông, nhưng theo quy định của NHNN thì không được phép, nếu chia là không đúng quy định. Vậy Ngân hàng phải làm sao?

“Hiện, SCB còn nắm giữ hơn 20.000 tỉ đồng trái phiếu VAMC (trái phiếu tái cơ cấu nợ xấu), đã trích lập dự phòng hơn 40%. Quỹ dự phòng của SCB hiện đạt khoảng 11.000 tỉ đồng, nên ngân hàng vẫn đang nỗ lực xử lý nợ xấu để sớm được hoàn nhập dự phòng. Sau tái cấu trúc, cổ đông sẽ nhận được cổ tức”, ông Văn cho hay.

Techcombank cũng đã 9 năm không chia cổ tức. Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, từng nhiều lần giải thích với cổ đông rằng ngân hàng giữ lại lợi nhuận để củng cố vốn chủ sở hữu, đảm bảo các yêu cầu về vốn của NHNN như Basel 2 và tăng cạnh tranh trên thị trường. Đến cuối 2019, lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng là hơn 21.131 tỉ đồng.

Không chỉ mòn mỏi chờ cổ tức, cổ đông của Eximbank còn thê thảm hơn khi ngân hàng này là đơn vị duy nhất không thể hoàn thành được ĐHCĐ để họ nghe những lời giải thích. Thậm chí những vấn đề tài chính của năm cũ kéo sang năm nay vẫn chưa có hướng giải quyết. Với hơn 3.200 tỉ đồng trái phiếu VAMC tính đến cuối năm 2019 và đã trích dự phòng gần 2.100 tỉ đồng, thì hơn 1.100 tỉ đồng nợ xấu cần phải xứ lý và khi xử lý được khoản nợ xấu này, Eximbank mới có thể tiếp tục chia cổ tức sau nhiều năm không chia.

Covid-19 là một lý do để giảm thiểu áp lực trước cổ đông

Mọi năm việc chia cổ tức được các ngân hàng gác lại vì mục tiêu bổ sung vốn điều lệ để đáp ứng tiêu chuẩn Basel 2, đây là một nguyên nhân chủ quan và có tính hợp lý được sử dụng trong nhiều năm qua. Đến năm nay, khi phần lớn ngân hàng đáp ứng được tiêu chuẩn nói trên thì Chỉ thị số 02 của NHNN và dịch bệnh Covid-19 là những yếu tố khách quan phù hợp giúp các ông chủ nhà băng giải tỏa sức ép từ cổ đông về việc chia cổ tức.

‘Cơn khát’ cổ tức của cổ đông ngân hàng kéo dài gần thập kỷ
Nguồn: Tài liêu báo cáo ĐHCĐ 2020

Nhiều báo cáo phân tích kinh tế vĩ mô đã đưa ra nhận định rằng tình hình kinh tế năm nay rất khó khăn, kéo theo lợi nhuận của ngân hàng được dự báo giảm 20-25% so với kế hoạch ban đầu. Trong đó, tín dụng ngân hàng tăng trưởng thấp, tiềm ẩn nợ xấu tăng lên, vì vậy hoạt động ngân hàng cũng khó khăn nhưng các tổ chức tin dụng vẫn phải có trách nhiệm chia sẻ với nền kinh tế trong giai đoạn "bình thường mới".

Cụ thể về nghiệp vụ, năm nay do dịch bệnh Covid-19 buộc các ngân hàng càng phải tập trung tiền mặt để giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới, hỗ trợ doanh nghiêp và khách hàng vượt qua khó khăn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia kinh tế, cho rằng khi đứng trên góc độ cổ đông, rõ ràng thông tin nêu trên là điều mà các cổ đông không mong muốn. Còn về phía ngân hàng, việc giữ được nguồn vốn tại ngân hàng để hỗ trợ cho các hoạt động là cái lợi trước mắt khi không chia cổ tức bằng tiền hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Hệ thống ngân hàng năm nay đang dao động mạnh do dịch bệnh, chính vì thế giữ lại phần nguồn vốn này để tạo ra nền tảng bền vững.

Cả một chu kỳ trì hoãn kéo dài với áp lực xử lý nợ xấu giai đoạn trước, rồi những yêu cầu về việc tăng vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu khiến phương án chia cổ tức mà các ngân hàng trình ĐHCĐ các năm vừa qua chủ yếu là chia cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc thậm chí có ngân hàng không chia theo cách tính “không chia thì còn đó”. Năm nay, với việc có thêm các nguyên nhân khách quan, trong đó có dịch bệnh, có lẽ “cơn khát” cổ tức của các cổ đông ngân hàng phải kéo dài thêm một thời gian nữa.

Dù đã xác định tâm lý nhưng việc chờ đợi quá lâu khiến nhiều cổ đông cảm thấy nản lòng. Nhiều cổ đông tại các cuộc đại hội chia sẻ rằng họ đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng chỉ vì chờ đợi cổ phiếu tăng giá để hiện thực hóa lợi nhuận đầu tư. Tuy nhiên, nếu cổ phiếu không tăng giá thì coi như đây của để dành, vì hiệu quả tài chính trong ngắn hạn còn thấp hơn gửi tiết kiệm.

Chia cổ tức cho cổ đông nhưng nói "không" với tiền mặt

Ngân hàng ACB trình cổ đông tỷ lệ cổ tức 2019 dự kiến ban đầu là 30% gồm 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Sau khi chỉ đạo của NHNN, ngân hàng đã thay đổi toàn bộ phương thức chia thành cổ phiếu.

Vietcombank, luôn duy trì chia cổ tức bằng tiền từ khi lên sàn, năm nay cũng dự kiến đổi thành cổ phiếu. Ngân hàng sẽ trình chia cổ tức 2018 bằng cổ phiếu tỷ lệ 18%, tương đương phát hành 667,6 triệu cổ phiếu, trong quí 3 hoặc 4.

MB năm nay cũng sẽ trả cổ tức 2019 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 15%. Các năm trước, ngân hàng này đều chia một phần hoặc toàn bộ bằng tiền.

Một số ngân hàng khác tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu như các năm trước gồm HDBank với tỷ lệ cao nhất hệ thông lên đên 50%, TPBank chia 20%, SHB, LienVietPostBank trả tỷ lệ 10%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả