Cổ phiếu Xây dựng rớt thảm – kỳ vọng ánh sáng cuối đường hầm?
Tăng trưởng ngành xây dựng Tp.HCM chậm lại từ năm 2017 và lần đầu âm 0,5% cho kỳ 9 tháng 2019; nhưng, cả nước đang tăng 8,33% và Hà Nội thậm chí đang tăng trưởng 2 con số ...
Ngoại trừ cổ phiếu VCG đang có P/E hơn 17, CC1 gần 12, cổ phiếu các doanh nghiệp xây dựng dân dụng còn lại đang có P/E khá thấp như CTD (6,8); HBC (7,1); HTN (3,6); PHC (4,5).
Trong khoảng 1 năm qua, ngoại trừ cổ phiếu của Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HNX: VCG) tăng giá 42,2%; giá cổ phiếu còn lại của nhóm doanh nghiệp xây dựng dân dụng gồm Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD), Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC), Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (HOSE: HTN), Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (HOSE: PHC), Tổng Công ty Xây dựng số 1 – CTCP (UpCOM: CC1) đã có sự sụt giảm từ 21,2% đến 56% so với thời điểm cuối quý 3/2018.
Diễn biến giá cổ phiếu doanh nghiệp xây dựng dân dụng đang phản ánh khá đầy đủ kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh, những khó khăn của khách hàng là chủ đầu tư dự án bất động sản đang bị vướng các cuộc rà soát pháp lý và triển vọng ngành không mấy khả quan trong tương lai.
Cụ thể, ngoại trừ PHC có lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước ở cả báo cáo công ty mẹ và báo cáo hợp nhất (+29%), VCG tăng trưởng lợi nhuận ở báo cáo hợp nhất (+51,9%) và sụt giảm đáng kể ở công ty mẹ; các doanh nghiệp còn lại đều bị sụt giảm mạnh: CTD (-59%); HBC (-49,7%); HTN (-22,7%); CC1 (-36%), Ricons (-4,3%).
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính hợp nhất các công ty
Lợi nhuận của PHC tăng trưởng mạnh ở công ty mẹ và hợp nhất được cho là có thu nhập từ nguồn hoa hồng được hưởng do bán căn hộ Gamuda và thu phí sử dụng thương hiệu. Trong khi đó, VCG nhờ có sự đóng góp của mảng bất động sản, dịch vụ và giáo dục đã giúp lợi nhuận VCG hợp nhất duy trì được tăng trưởng.
Cho kỳ 9 tháng, trong năm 2019, có 4 doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp tăng so với cùng kỳ năm trước gồm VCG, HTN, CC1, và Ricons. Khoảng 60% doanh thu xây dựng công ty mẹ VCG đến từ thị trường phía Bắc; CC1 và Ricons thực hiện những gói thầu có quy mô nhỏ hơn CTD hay HBC và HTN; HTN chủ yếu làm tổng thầu xây dựng các dự án bất động sản của Tập đoàn Hưng Thịnh.
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính hợp nhất các công ty
2 doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp giảm sâu là HBC (từ mức 9,9% xuống 6,7%) và CTD (từ mức 6,9% xuống 4,4%). Điểm chung của 2 doanh nghiệp này thị trường hoạt động chính tại Tp. Hồ Chí Minh; giá trị các gói thầu lớn; thực hiện xây dựng các dự án nhà ở chung cư, biệt thự chiếm tỷ trọng lớn HBC (35%), CTD (42%); trung tâm thương mại HBC (33%) và CTD (16%).
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính hợp nhất các công ty
Ngành xây dựng cả nước dù tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn nhỉnh hơn cùng kỳ năm 2017, đang ở mức 8,33%. Nhưng, ngành xây dựng của Tp.HCM đã tăng trưởng chậm lại từ năm 2017 và lần đầu âm 0,5% cho kỳ 9 tháng 2019. Điều này đồng nghĩa, ngành xây dựng ở các địa phương khác vẫn đang tăng trưởng mạnh, điển hình Hà Nội vẫn tăng trưởng 11,1% cho kỳ 9 tháng năm 2019, cao hơn cùng kỳ năm trước (9 tháng 2018 tăng trưởng 8,52%).
Nguồn: Số liệu báo cáo Cục Thống kê Tp.HCM, Tổng Cục Thống kê Việt Nam
Điểm tích cực tiếp theo là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng ước tính đạt 16,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần 10,8 tỷ USD, tăng 70,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Vốn nước ngoài vào tăng mang lại triển vọng tích cực đối với mảng xây dựng công nghiệp bao gồm kích thích nhu cầu về nhà xưởng, nhà ở cho công nhân cũng như các chuyên gia từ nước ngoài, tạo nguồn việc lớn cho các doanh nghiệp ngành xây dựng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận