Cổ phiếu vận tải biển còn hấp dẫn
Giá cước vẫn trong xu hướng tăng, nhu cầu vận chuyển hàng hoá cao, trong khi giá nhiên liệu giảm là những yếu tố hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải biển trong nửa cuối năm 2024 cũng như tạo sức hấp dẫn cho nhóm cổ phiếu này.
Cổ phiếu hút dòng tiền
Hàng loạt vụ tấn công các tàu đi qua khu vực Biển Đỏ của lực lượng Houthi gần đây đã đẩy giá cước vận tải biển đi lên. Từ đây, các cổ phiếu vận tải biển có thêm động lực thu hút dòng tiền. Nhiều mã đồng loạt bứt phá cả về thị giá và thanh khoản so với những tháng đầu năm.
Cổ phiếu VOS của CTCP Vận tải biển Vosco đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/6/2024 ở mức 16.600 đồng/cổ phiếu, tăng gần 67% kể từ cuối tháng 4/2024 và là mức cao nhất kể từ đầu tháng 9/2022 đến nay.
Ngoài được hưởng lợi từ câu chuyện giá cước vận tải biển bật tăng trở lại sau những cuộc tấn công tàu mới của Houthi, Vosco được chú ý hơn nhờ kỳ vọng lợi nhuận quý II/2024 tăng trưởng mạnh. Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS), Vosco có thể ghi nhận gần 500 tỷ đồng lợi nhuận trong quý II/2024, gấp khoảng 500 lần cùng kỳ năm trước, nhờ việc bán tàu Đại Minh cho đối tác Hy Lạp trong tháng 5 vừa qua. Tàu Đại Minh đã hết khấu hao, nên nguồn thu từ bán tàu được hạch toán hết vào lợi nhuận quý II của Vosco, ước tính khoảng 400 tỷ đồng.
Cổ phiếu VIP của CTCP Vận tải Xăng dầu Vipco có chuỗi tăng trần 4 phiên liên tiếp giúp cổ phiếu đạt 16.150 đồng/cổ phiếu vào phiên 5/6, đánh dấu mức tăng 45% trong vòng hơn 1 tháng. Cổ phiếu VTO của CTCP Vận tải Xăng dầu Vitaco cũng bật lên vùng đỉnh tháng 4/2022 và ghi nhận mức tăng xấp xỉ 21% so với hồi cuối tháng 4/2024.
Cùng với đà tăng của thị giá, thanh khoản của các cổ phiếu vận tải biển cũng tăng vọt. Đơn cử, thanh khoản trung bình phiên trong 2 tuần gần nhất của VOS đạt khoảng 4 triệu đơn vị, có phiên đạt đến 8 triệu đơn vị, trong khi những tháng trước chỉ từ vài trăm ngàn đến một, hai triệu đơn vị/phiên.
Thị giá PVT của Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí – PVTrans cũng tăng hơn 21% so với cuối tháng 4. Hiện giá cước cho thuê tàu định hạn đối với nhóm tàu chở dầu thô và xăng dầu thành phẩm trên thị trường quốc tế đang neo ở mức cao, lần lượt là 47.000 USD/ngày và 27.500 USD/ngày (theo Bloomberg), trong khi nhu cầu của thị trường đang rất lớn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các hãng tàu biển như PVTrans.
Vận tải biển dự báo sôi động nửa cuối năm
Cập nhật chỉ số giá cước container thế giới tuần 22/2024 của Drewry cho thấy, giá cước vận tải biển tiếp tục xu hướng tăng. Cụ thể, chỉ số đã đạt mức 4.226 USD, tăng 4% so với tuần trước, tăng 55% so với tháng trước và tăng 151% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với mức trung bình của năm 2019 (trước đại dịch Covid-19) là 1.420 USD, chỉ số đã tăng 198%.
Theo Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), giá cước vận tải biển nhiều khả năng tiếp tục neo cao trong nửa cuối năm 2024, do căng thẳng tại Biển Đỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi lực lượng Houthi gần đây liên tục tuyên bố mở rộng phạm vi tấn công ra khu vực Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải. Chưa kể, kênh đào Panama đang đối mặt với hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 50 năm, do ảnh hưởng của El Nino khiến kênh đào phải giảm lưu lượng tàu qua lại, kéo dài thời gian tàu chạy từ châu Á qua châu Âu, đẩy giá cước vận tải lên cao.
Bên cạnh đó, nhu cầu vận chuyển hàng hoá thường có xu hướng tăng trong mùa cao điểm tiêu dùng hai quý cuối năm. Thị trường vận tải biển toàn cầu cũng đang có dấu hiệu thiếu container tại các cảng lớn, điều này càng gây áp lực mạnh lên giá cước khi bước vào mùa cao điểm.
Nhà cung cấp dịch vụ kho vận, vận chuyển đường biển và đường hàng không ở Hồng Kông – Orient Star Group cảnh báo, các hãng vận tải biển đang phải đối mặt với tình trạng thiếu container rỗng nghiêm trọng do tắc nghẽn kéo dài, các chuyến tàu bị huỷ. Theo đó, các hãng vận tải biển cũng “tranh thủ” tăng giá cước trước nhu cầu tăng đột ngột.
Bên cạnh việc được hỗ trợ bởi giá cước tăng, các hãng tàu còn tăng thêm lợi thế nhờ giá nhiên liệu đầu vào đang trong xu hướng giảm. Giá dầu thế giới hiện đã trượt khỏi mốc 80 USD/thùng về mức 77 USD/thùng, giảm 15% so với đỉnh gần nhất vào tháng 3/2024.
Theo tính toán của Bộ Giao thông - Vận tải, trong lĩnh vực vận tải biển, giá nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí, khoảng 35 - 45%, do vậy, giá nhiên liệu giảm sẽ tiết giảm đáng kể chi phí cho các doanh nghiệp vận tải biển.
Tình hình chung đang là rất tốt cho các hãng tàu, nhưng TPS vẫn thận trọng việc giá cước có thể hạ nhiệt trong giai đoạn tới nhờ mực nước hồ Gatun sẽ cải thiện khi Panama đang bước vào mùa mưa (tháng 5 - 11) và La Nina quay trở lại hỗ trợ hoạt động lưu thông tại đây. Nhưng không loại trừ khả năng nhiều tàu hàng cùng chuyển hướng đến kênh đào Panama có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và tác động ngược lại khiến giá cước tăng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận