Cổ phiếu tốt sàn UPCoM: Ngành bia vượt trội, liệu có sóng vào mùa Tết?
Khi lọc các cổ phiếu sàn UPCoM có chỉ số tài chính (CSTC) tốt trong 9 tháng đầu năm 2019, đa số đều là cổ phiếu ngành bia.
Thống kê của Vietstock cho thấy sàn UPCoM có 15 doanh nghiệp có CSTC tốt, tính lũy kế 4 quý gần nhất đến hết quý 3/2019, như:
Tuy nhiên, danh sách trên chỉ 5 doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế (LNST) lớn hơn 25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 3 doanh nghiệp ngành bia là Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi (BSQ), Bia Sài Gòn - Phú Thọ (BSP) và Bia Sài Gòn - Miền Tây (WSB). Hai doanh nghiệp còn lại là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và Đầu tư Nước sạch Sông Đà (VCW).
Các doanh nghiệp ngành bia báo lãi tăng mạnh nhờ giá nguyên liệu giảm
Lũy kế 9 tháng đầu năm, BSQ ghi nhận doanh thu thuần hơn 840 tỷ đồng, LNST gần 115 tỷ đồng - tăng lần lượt gần 13% và 75% so cùng kỳ. Trong 9 tháng, BSQ thực hiện được 73% kế hoạch doanh thu và 99% kế hoạch LNST cả năm 2019.
Trong khi đó, BSP ghi nhận doanh thu thuần hơn 436 tỷ đồng, LNST gần 44 tỷ đồng - tăng lần lượt hơn 12% và gần 44% so cùng kỳ.
WSB ghi nhận doanh thu thuần gần 780 tỷ đồng, LNST hơn 123 tỷ đồng - tăng lần lượt hơn 20% và 38% so cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm, WSB thực hiện được 87% kế hoạch doanh thu và vượt 43% kế hoạch LNST cả năm 2019.
Nhìn chung, các doanh nghiệp ngành bia đều có mức tăng LNST cao hơn nhiều so với mức tăng doanh thu. Nguyên nhân được lý giải: (i) Sản lượng và giá bán tăng, thay đổi cơ cấu sản phẩm, doanh thu tài chính tăng nhờ lãi tiền gửi tăng; (ii) giá nguyên vật liệu giảm mạnh, chi phí vật liệu cấu thành bao bì giảm; (iii) các chi phí hoạt động giảm, đặc biệt chi phí hỗ trợ vật phẩm cho nhà phân phối bia hơi giảm, chi phí tài chính giảm…
Dư địa thị trường lớn, nhiều doanh nghiệp trả cổ tức cao
CTCK Yuanta nhận định ngành bia vẫn còn dư địa tăng trưởng trong dài hạn. Đầu tiên, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng tiêu thụ bia đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản. Hai là, mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 1 triệu người đủ 18 tuổi - hợp pháp để sử dụng đồ uống có cồn. Ba là, Việt Nam đang đô thị hóa nhiều khu vực, mà theo thống kê, dân thành thị uống bia nhiều hơn nông thôn.
Tầng lớp trung lưu Việt Nam tăng nhanh và dân số trẻ, giúp nhu cầu và lượng tiêu thụ bia của người Việt tăng dần theo từng năm. Minh chứng vào năm 2018 đạt 4.2 tỷ lít, tức bình quân mỗi người tiêu thụ trên 43 lít bia/năm, theo Euromonitor. Euromonitor còn dự báo lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam sẽ tăng trưởng 5%/năm đến năm 2022.
Ðiều này thu hút hàng loạt “ông lớn” nước ngoài nhảy vào phân chia miếng bánh thị phần. Hiện, 4 doanh nghiệp lớn chiếm đến 90% thị phần bia Việt Nam gồm: Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB), Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HOSE: BHN), Heineken Việt Nam và Carlsberg Việt Nam.
Dù sức ép cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài gây nhiều áp lực, nhưng thị trường cũng ngày càng mở rộng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp ngành bia trong nước đang giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán vẫn duy trì hiệu quả kinh doanh tốt.
Các doanh nghiệp ngành bia luôn nằm trong nhóm trả cổ tức cao trên sàn chứng khoán. BSQ trả cổ tức tiền mặt 20% năm 2017 và 22% năm 2018. BSP trả cổ tức tiền mặt 30% năm 2017 và 2018. WSB trả cổ tức tiền mặt 50% năm 2017 và 40% năm 2018. Với kết quả kinh doanh khả quan như 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp ngành bia hoàn toàn có thể duy trì mức cổ tức tiền mặt cao như mọi năm.
Cổ phiếu ngành bia: Có sóng vào mùa lễ Tết?
Qua 1 năm tính đến hết ngày 22/11/2019, giá cổ phiếu BSQ, BSP và WSB tăng lần lượt gần 54%, hơn 48% và 12%.
Trên sàn chứng khoán, có những nhóm cổ phiếu cứ “đến hẹn lại lên”, vào mùa cao điểm tiêu thụ lại xuất hiện sóng, như sóng cổ phiếu bánh kẹo vào mùa Trung thu, hay sóng quý 4 với cổ phiếu ngành xây dựng, bất động sản… CTCK Yuanta nhận định lễ Tết là mùa cao điểm tiêu thụ bia, đặc biệt với quy mô hơn 96 triệu dân và nhu cầu tiêu thụ bia bình quân đầu người thuộc top 15 thế giới, nhóm cổ phiếu ngành bia dự báo sẽ dậy sóng trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý cổ phiếu ngành bia khó có sóng tăng mạnh, do: Cơ cấu cổ đông khá cô đặc, cổ đông Nhà nước hoặc các nhà đầu tư lớn thường nắm đa số, lượng cổ phiếu tự do giao dịch thấp; các nhà đầu tư có xu hướng nắm giữ để hưởng mức cổ tức cao khiến thanh khoản thấp.
Thanh khoản thấp, cổ phiếu ngành bia không hấp dẫn dòng tiền đầu cơ. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư ưa thích sự ổn định thì nhóm cổ phiếu này có thể là cơ hội tốt để đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường