24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Chung Chính
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cổ phiếu nào có định giá hấp dẫn và câu chuyện riêng trong tháng 11?

Agriseco đưa ra 6 cổ phiếu tiềm năng trong tháng 11 gồm FPT, HPG, IMP, MWG, QNSSTB do định giá ở mức hấp dẫn và có câu chuyện tăng trưởng trong những tháng cuối 2023 và năm 2024.

Thị trường chứng khoán vừa trải qua nhịp điều chỉnh tương đối mạnh trong tháng 10, VN-Index đóng cửa ở mức 1.028 điểm, giảm gần 11% so với tháng trước trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý 3/2023 của các doanh nghiệp trên sàn chưa phục hồi đúng như kỳ vọng.

Trong đó, các nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất như Bán lẻ (-22,1%), Dịch vụ tài chính (-19,9%), Dầu khí (-15,0%), Nguyên vật liệu (-13,5%), và Bất động sản (-12,5%).

Số liệu kinh tế vĩ mô tháng 10 đã xuất hiện nhiều tín hiệu khởi sắc và KQKD của các doanh nghiệp qua đó cũng được kỳ vọng phục hồi một cách mạnh mẽ hơn trên mức nền thấp cùng kỳ.

Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng thị trường hiện đang xuất hiện các tín hiệu hình thành vùng đáy và mặt bằng định giá của VN-Index đã về vùng hấp dẫn hơn với P/E khoảng 13,4x lần, thấp hơn so với trung bình quá khứ và các thị trường khác trong khu vực.

Ngoài ra, nhiều cổ phiếu đã có mức chiết khấu 20-30% mở ra cơ hội để tích lũy đầu tư trong trung và dài hạn sau nhịp giảm giá mạnh tháng 10 vừa qua.

Sau quá trình đánh giá chọn lọc, Agriseco đưa ra 6 cổ phiếu tiềm năng trong tháng 11 năm 2023 gồm FPT, HPG, IMP, MWG, QNS và STB. Đây là những doanh nghiệp đầu ngành, định giá ở mức hấp dẫn và có câu chuyện tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024.

Cổ phiếu nào có định giá hấp dẫn và câu chuyện riêng trong tháng 11?
Danh mục khuyến nghị tháng 11/2023
Trong đó với CTCP FPT (HOSE: FPT), KQKD quý 3/2023 và 9 tháng 2023 duy trì đà tăng 2 chữ số. FPT ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3/2023 cao nhất kể từ 2019 khi đạt 2.429 tỷ đồng (+20% so cùng kỳ) nhờ lợi nhuận mảng công nghệ và giáo dục tăng cao lần lượt hơn 14% và 77%.

Lũy kế 9 tháng 2023, doanh thu và lãi trước thuế đạt lần lượt 37.927 tỷ đồng (+22% so cùng kỳ) và 6.768 tỷ đồng (+20% so cùng kỳ). Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất và có tốc độ tăng cao hơn 20% là khối Công nghệ - Xuất khẩu phần mềm nhờ thị trường trọng điểm Nhật Bản giữ được đà tăng trưởng cao. Mảng dịch vụ viễn thông duy trì đà tăng trưởng 10%. Mảng Giáo dục tăng mạnh hơn 65% về doanh thu khi nhu cầu học công nghệ tăng cao.

Agriseco Research dự báo doanh thu và lãi trước thuế quý 4/2023 của FPT tiếp tục duy trì đà tăng tăng trưởng. Theo đó, lãi trước thuế cả năm 2023 sẽ tăng khoảng 20% so với năm trước với động lực chính từ khối Công nghệ (trên 20%), cùng với 2 trụ cột còn lại là Viễn Thông và Giáo dục.

Còn với Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG), mặc dù doanh thu quý 3 giảm 16% so cùng kỳ, đạt 28,4 nghìn tỷ đồng tuy nhiên nhờ việc duy trì quản trị hàng tồn kho thấp giúp biên lợi nhuận được cải thiện. Lãi sau thuế cũng tăng 38% so cùng kỳ lên 2 nghìn tỷ đồng và tăng mạnh so với cùng kỳ (cùng kỳ lỗ hơn 1,7 nghìn tỷ đồng).

Lũy kế 9 tháng 2023, doanh thu HPG đạt 84,5 nghìn tỷ đồng, lãi sau thuế 3,83 nghìn tỷ đồng lần lượt giảm 27% và 63% so cùng kỳ. Trong tháng 10, sản lượng bán hàng các sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, phôi thép đạt 635 nghìn tấn duy trì đà hồi phục, tăng 7% so với tháng 9. Trong đó, HRC ghi nhận trên 273 nghìn tấn, tăng 17% so với tháng trước.

Agriseco cho rằng biên lợi nhuận gộp HPG dự báo sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào ổn định trong khi giá thép có dấu hiệu hồi phục. Biên lợi nhuận của HPG được cải thiện dần qua các quý, đạt 13% trong quý 3 nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ổn định. Kỳ vọng giá nguyên liệu đầu vào sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp do nguồn cung tăng lên và nhu cầu sản xuất thép thô vẫn yếu. Trong khi đó, giá thép Trung Quốc đang có xu hướng hồi phục nhờ Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh kích thích kinh tế. Giá thép Trung Quốc hồi phục hỗ trợ giá thép xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Agriseco dự báo nhu cầu vật liệu xây dựng sẽ tăng trong giai đoạn cuối 2023-2024 nhờ những giải pháp gỡ khó của Chính phủ giúp thị trường bất động sản bớt ảm đạm, đồng thời giải ngân xây dựng hạ tầng cũng được đẩy mạnh vào giai đoạn cuối năm.

Ngoài ra, HPG đang nỗ lực triển khai dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 với công suất 5,6 triệu tấn HRC/năm và đây sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn trong các năm tới. Tính đến tháng 9/2023, dự án đã triển khai được 35% khối lượng công việc, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2025 và nâng công suất thép thô lên hơn 14 triệu tấn HRC/năm, đây sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu trong dài hạn của HPG.

CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý 3/2023 lần lượt đạt 514 tỷ đồng (+22,4% so cùng kỳ) và 70 tỷ đồng (+25,4% so cùng kỳ). Động lực tăng trưởng cho IMP trong thời gian tới đến từ kênh ETC và nhà máy IMP2 đã hoàn thành giai đoạn đăng ký thuốc và hoạt động đấu thấu bắt đầu được triển khai một cách ổn định.

Hiện tại IMP đang sở hữu nhà máy với tiêu chuẩn EU-GMP với các nhà máy IMP2, IMP3 có nhiều lợi thế cạnh tranh về công nghệ, dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên IMP chưa thực sự tối ưu được hoạt động kinh doanh bởi hiệu suất các nhà máy vẫn đang ở mức thấp. Hiện tại, doanh nghiệp đã bắt đầu gia tăng tỷ trọng doanh thu từ kênh ETC nhờ hoạt động đấu thầu diễn ra tích cực hơn từ đó có thể tăng hiệu suất của các nhà máy hiện tại.

Agriseco cho rằng IMP còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn. Triển vọng tích cực đến từ (1) Nâng cao hiệu suất của các nhà máy EU-GMP hiện tại khi hoạt động đăng ký thuốc đã hoàn thành; (2) Tiếp tục đầu tư vào nhà máy IMP4 giúp đa dạng thêm danh mục sản phẩm với các dòng thuốc tiêm Non betalactam có giá trị cao hơn, bao gồm thuốc dung dịch tiêm và bột đông pha tiêm là các sản phẩm có nhu cầu được dự báo tăng trưởng nhanh trong các năm tới; (3) Nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc Generic ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm tới khi dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh và nhu cầu thăm khám sức khỏe cũng ngày một tăng khi thu nhập bình quân đầu người cao hơn.

Đối với CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG), doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý 3 lần lượt đạt 30.521 tỷ đồng (-5,6% so cùng kỳ) và 39 tỷ đồng (-96% so cùng kỳ). Mặc dù KQKD giảm so với cùng kỳ do sức cầu tiêu thụ yếu, nhưng cũng cho thấy những tín hiệu đầu tiên của sự phục hồi. Doanh thu tháng 9/2023 của MWG cũng ở mức cao nhất kể từ đầu năm, lợi nhuận quý 3/2023 của MWG đã cải thiện hơn so với các quý trước đó.

Mảng ICT vẫn đang gặp nhiều khó khăn nhưng kỳ vọng phục hồi trong năm 2024: Lũy kế 9 tháng 2023, doanh thu 2 chuỗi TGDĐ và DMX đạt 62.400 tỷ đồng, giảm 23% so cùng kỳ do sức cầu đối với các sản phẩm điện thoại, điện máy suy giảm. Agriseco kỳ vọng doanh số 2 chuỗi này có thể phục hồi chậm trong Q4 nhờ các mẫu Iphone 15 mới được ra mắt kỳ vọng giúp cải thiện doanh thu và lợi nhuận. Tốc độ phục hồi sẽ tốt hơn trong năm 2024 khi kinh tế bớt khó khăn và trên mức nền thấp của năm 2023.

Chuỗi Bách hóa xanh tiếp tục cải thiện, kỳ vọng có lãi từ năm 2024: Doanh thu của chuỗi BHX 9 tháng 2023 đạt 22.300 tỷ đồng (+12% so cùng kỳ). Doanh thu mỗi cửa hàng trong T9 ở mức 1,65 tỷ đồng/ngày, tiếp tục cải thiện và đã tiến gần đến điểm hòa vốn theo ước tính ở mức doanh thu 1,7-1,8 tỷ đồng/ngày. Agriseco Research kỳ vọng BHX có thể đạt được điểm hòa vốn trong năm 2024 và có thể đem về lợi nhuận cho doanh nghiệp. Ngoài ra, thương vụ thoái 20% vốn của BHX tương đương 1,5-1,7 tỷ USD đang được triển khai và có thể hoàn tất vào năm 2024.

Trong khi đó, giá cổ phiếu MWG đã giảm mạnh trong 1 tháng qua, thời điểm giảm sâu nhất đã chiết khấu khoảng 40% từ vùng đỉnh ngắn hạn trong tháng 9. Tuy nhiên, ở mức giá hiện tại, Agriseco Research đánh giá MWG đã ở vùng định giá phù hợp để có thể tích lũy với kỳ vọng phục hồi trong quý 4 và năm 2024.

CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý 3 lần lượt đạt 2.482 tỷ đồng và 506 tỷ đồng, tăng 7% và 60% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng 2023, hai chỉ tiêu này lần lượt đạt 7.780 tỷ đồng tăng 22,5% và 1.535 tỷ đồng, tăng gần 80%, vượt xa mức lợi nhuận kế hoạch đặt ra cho cả năm 2023 là 1.008 tỷ đồng.

Trong đó, mảng đường thành phẩm đang là động lực tăng trưởng chính trong 9T2023 (+115% so cùng kỳ) chủ yếu nhờ giá đường thế giới liên tục tăng cao từ tháng 4. Mảng sữa đậu nành lũy kế 9 tháng 2023 ghi nhận doanh thu sụt giảm nhẹ 9% yoy, đạt 3.106 tỷ đồng do nhu cầu tiêu dùng vẫn đang yếu khi kinh tế khó khăn.

Tiếp tục hưởng lợi nhờ đà tăng của giá đường: Giá mía đường thế giới tiếp tục xu hướng tăng và đang ở mức cao hơn khoảng 10% so với cùng kỳ, đây đồng thời là mức cao nhất trong 10 năm qua. Đà tăng giá đường nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong quý 4 do các lệnh hạn chế xuất khẩu vẫn chưa chấm dứt và tình hình thời tiết bất lợi. Ngoài ra, diện tích trồng mía của QNS dự kiến tiếp tục gia tăng trong các năm tới và là động lực tăng trưởng dài hạn. Doanh nghiệp sẽ tiến hành mở rộng 9.000 ha vùng trồng và sản lượng mía toàn vùng An Khê dự kiến được cải thiện từ 1,68 triệu tấn lên mức 2,1 triệu tấn trong niên vụ 2024- 2025.

Ngành đường trong nước tiếp tục được hưởng lợi nhờ đường Thái Lan bị áp thuế chống bán phá giá: Theo Quyết định số 1989/QĐ-BCT của Bộ Tài chính, một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan sẽ bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp. Quy định này sẽ có hiệu lực áp dụng tới 15/06/2026. Quyết định của bộ tài chính cho thấy ngành đường trong nước đang được quan tâm và bảo hộ, đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp tăng được diện tích vùng trồng như QNS có thể chiếm thêm thị phần trong nước.

Với Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương Tín (Sacombank, STB), kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng 2023 tăng trưởng tích cực. Cụ thể, quý 3/2023, STB ghi nhận lãi trước thuế đạt 2.085 tỷ đồng, tăng 36% so cùng kỳ nhờ giảm mạnh chi phí dự phòng tín dụng gần 66% so cùng kỳ, chỉ còn 827 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng 2023, STB ghi nhận mức tăng trưởng lãi trước thuế cao nhất toàn ngành, đạt 6.480 tỷ đồng (+54% so cùng kỳ) nhờ thu nhập lãi thuần tiếp tục duy trì tăng trưởng 45% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm hơn 43%.

Agriseco đánh giá lãi trước thuế cả năm 2023 của STB có thể tiếp tục tăng trưởng so với cũng kỳ nhờ (1) tăng trưởng tín dụng đạt gần 9% từ đầu năm – cao hơn so với trung bình toàn ngành và dự kiến sớm hoàn thành hạn mức tín dụng cả năm 2023 là 11% nhờ nhu cầu các tháng cuối năm tăng trở lại; (2) tỷ lệ NIM tiếp tục được duy trì trên 4% - thuộc top đầu ngành nhờ chi phí vốn thấp hơn; (3) chất lượng tài sản duy trì tốt nhờ tỷ lệ LDR đạt 81%, tỷ lệ SFL đạt 23,4% và tốc độ tăng nợ xấu đã chậm hơn so với đầu năm 2023.

Agriseco kỳ vọng STB có khả năng ghi nhận kết quả thu hồi lớn khoảng 19.000 tỷ đồng từ việc thanh lý thành công các tài sản thế chấp (như KCN Phong Phú và 32,5% cổ phần STB tại VAMC) vào quý 4/2023 hoặc đầu năm 2024, qua đó hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận.

Tỷ lệ P/B hiện tại của STB là 1,2x thấp hơn so với trung bình ngành 5 năm là 1,5x lần. Tuy nhiên trong tương lai, định giá này sẽ trở lên hấp dẫn hơn nhờ (1) chất lượng tài sản được cải thiện do không có rủi ro TPDN; (2) không còn áp lực trích lập dự phòng trái phiếu VAMC.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
41.35 -0.05 (-0.12%)
59.00 +0.30 (+0.51%)
50.70 +0.10 (+0.20%)
32.65 -0.40 (-1.21%)
26.10 +0.25 (+0.97%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả