Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/7: MWG, HDB, DXS, VCS
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 8/7 của các công ty chứng khoán.
Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu MWG nằm tại mức 196
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu MWG của CTCP Thế giới di động vẫn đang ở trong trạng thái tăng dài hạn trong hơn 1 năm nay. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây vẫn giữ giá trị ổn định.
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 nhưng chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu tiềm năng sẽ duy trì đà tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của MWG nằm tại khu vực 161.5-162. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 196, cắt lỗ nếu ngưỡng 154.5 bị xuyên thủng.
Khuyến nghị mua cổ phiếu HDB với giá mục tiêu là 39.900 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phê duyệt kế hoạch chia cổ tức cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDB), điều này giúp tăng vốn điều lệ của ngân hàng lên 20,073 nghìn tỷ đồng.
Số lượng cổ phiếu phát hành 398 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện 25%
Ngày chốt danh sách chưa được công bố, dự kiến trong tháng Bảy. Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho HDB với giá mục tiêu là 39.900 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng là 14%, dựa trên giá đóng cửa phiên hôm nay.
Khuyến nghị mua cổ phiếu DXS với giá mục tiêu là 44.300 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi công bố báo cáo lần đầu dành cho CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (DXS) với khuyến nghị mua và giá mục tiêu là 44.300 đồng/CP, cao hơn 38,4% so với mức giá IPO trong tháng 4/2021 là 32.000 đồng/CP. Công ty đã được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) chấp thuận niêm yết cổ phiếu nhưng vẫn đang chờ HSX phê duyệt ngày niêm yết đầu tiên.
Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021/2022 sẽ phục hồi so với các tác động tiêu cực trong năm 2020 từ dịch COVID-19. Chúng tôi kỳ vọng DXS sẽ duy trì tỷ suất lợi nhuận cao ở cả mảng kinh doanh dịch vụ môi giới toàn diện và môi giới sơ cấp truyền thống, trong khi lượng backlog gia tăng tương ứng với sự phục hồi của thị trường nhà ở tại khu vực miền Trung và động lực thị trường đang diễn ra ở các khu vực ngoại thành. Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của DXS sẽ tăng 53%/21% YoY đạt 1,3 nghìn tỷ đồng/1,6 nghìn tỷ đồng vào năm 2021/2022.
Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) EPS 22% trong giai đoạn 2020- 2023, chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng dự báo trong dịch vụ môi giới sơ cấp và việc mở rộng mạng lưới môi giới của DXS sang các thị trường mới.
Dựa theo giá mục tiêu của chúng tôi, DXS sẽ giao dịch với P/E 2021/2022 lần lượt là là 11,8 lần/10,3 lần - thấp hơn P/E trượt trung bình 1 năm của công ty cùng ngành trong khu vực là 13,8 lần (dựa theo dự báo của chúng tôi) – mức hấp dẫn trong bối cảnh lợi thế cạnh tranh trong nước mạnh mẽ của DXS và triển vọng tăng trưởng 3 năm tích cực.
Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: Các hạn chế kéo dài đối với hoạt động bán lẻ do sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 tại Việt Nam; rủi ro pha loãng từ cơ cấu mạng lưới môi giới phức tạp.
Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu VCS
CTCK MB (MBS)
Doanh thu trong quý I/2021 của Công ty cổ phần VICOSTONE (VCS) tăng 13,4% trong khi biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ lên 33,7%, cao hơn mức 32,8% trong quý I/2020 nhờ (i) giá bán cao hơn so với cùng kỳ trong bối cảnh nhu cầu đá thạch anh tăng trở lại, và (ii) lỗ chênh lệch tỷ giá giảm từ 24 tỷ đồng trong quý I/2020 xuống còn hơn 1 tỷ đồng trong quý I/2021. Kết quả là VCS ghi nhận 371 tỷ đồng lãi ròng, tăng 22% so với cùng kỳ.
Nhu cầu sử dụng đá thạch anh duy trì tăng trưởng khá trong bối cảnh tăng trưởng khả quan của thị trường bất động sản trong nước và tại Mỹ - thị trường xuất khẩu chính của VCS. Theo dự báo năm 2021 của Freedonia, thị trường đá thạch anh năm 2021 dự báo sẽ tăng trưởng 4,8% lên 62,5 triệu m2. Hai thị trường lớn nhất của VCS là Châu Á - Thái Bình Dương và Bắc Mỹ ước tính tăng trưởng 5,8%, đạt 42,1 triệu m2 vào năm 2021.
Sở hữu lợi thế chuỗi giá trị khép kín kể từ khi tái cấu trúc và thuộc sở hữu của Phenikka. VCS đã làm chủ về cơ bản nguồn Quartz và Cristobalite đầu vào kể từ thời điểm chính thức nhận chuyển nhượng từ Tập đoàn 100% cổ phần tại Phenikaa Huế - một trong ba nhà máy sản xuất Cristobalite trên thế giới. Trong khi đó, sản lượng đầu ra của được hưởng lợi rất lớn từ hệ thống phân phối rộng khắp của Phenikka.
Sức khỏe tài chính lạnh mạnh. VCS có tính tự chủ cao về nguồn vốn khi tỷ trọng nợ vay/tổng tài sản ở mức thấp, chỉ quanh mức 27-28%. Mặt khác, nhờ khả năng bán hàng và quản trị dòng tiền tốt, khả năng thanh toán của VCS vẫn duy trì ở mức cao trong nhiều năm.
Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu VCS trên cơ sở (i) DN sở hữu chuỗi giá trị khép kín & sức khỏe tài chính lành mạnh với tính tự chủ cao về nguồn vốn và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương qua nhiều năm, (ii) nhu cầu đá thạch anh toàn cầu tăng trưởng ổn định trong bối cảnh (iii) tăng trưởng khả quan của thị trường bất động sản trong nước và Mỹ - thị trường XK chính của VCS.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận