Cổ phiếu Bảo hiểm Quân đội có gì trước khi ‘chuyển nhà’?
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đã chấp thuận cho Tổng CTCP Bảo hiểm Quân Đội (UPCoM: MIG) niêm yết 130 triệu cp, giá trị tương đương 1,300 tỷ đồng.
MIG được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ. Trải qua 5 lần tăng vốn, vốn điều lệ của MIG lên 1,300 tỷ đồng kể từ năm 2019 đến nay.
Có 2 cổ đông lớn?
Tại ngày 13/11/2018, MIG có duy nhất 1 cổ đông lớn là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB), với tỷ lệ sở hữu vốn là 69.58%, tương đượng 58.45 triệu cp.
Từ thời điểm đó đến nay, MBB không có bất kỳ giao dịch nào liên quan đến cổ phiếu MIG. Trong khi đó, CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư MB (MB Capital) và tổ chức có liên quan là Quỹ đầu tư Japan Asia MB Capital (JAMC) đã trở thành cổ đông lớn của MIG kể từ ngày 29/04/2020, với tổng sở hữu tính đến thời điểm hiện tại là 6.94%, tương đương hơn 9 triệu cp.
Như vậy, có khả năng MIG đang có 2 cổ đông lớn là MBB và nhóm MB Capital.
Phí bảo hiểm gốc chiếm tỷ trọng lớn nhất
Trong giai đoạn 2017-2019, doanh thu phí bảo hiểm và lợi nhuận trước thuế có sự tăng trưởng đều qua các năm.
Xét cơ cấu doanh thu phí từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của MIG, doanh thu phí từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất (thường xuyên chiếm khoảng 90% tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm).
Cơ cấu doanh thu phí bảo hiểm của MIG
Trong đó, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới là loại hình bảo hiểm quan trọng của MIG và luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc.
Cơ cấu doanh thu phí bảo hiểm gốc của MIG
Đứng thứ hại là doanh thu phí nhận tái bảo hiểm, chiếm khoản 5-8% tổng doanh thu phí từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2020 đi lùi 15%
Tính chung sau 9 tháng, MIG có lãi trước thuế và sau thuế đều giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, lần lượt còn gần 123 tỷ đồng và hơn 98 tỷ đồng, dù doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 33%. Nguyên nhân chính là do tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 45% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13%.
So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế đề ra cho năm 2020 là 240 tỷ đồng, MIG mới thực hiện được 51% sau 9 tháng.
Trong kỳ, MIG có hơn 275 tỷ đồng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tiền chi khác cho hoạt động kinh doanh giảm 54%.
Tại ngày 30/09/2020, tiền và các khoản tương đương tiền gấp 14.4 lần đầu năm, đạt gần 185 tỷ đồng. Trong đó, MIG có gần 49 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, gấp 4.9 lần và phát sinh mới hơn 132 tỷ đồng khoản tương đương tiền.
Bên cạnh đó, đầu tư dài hạn tăng mạnh lên mức hơn 378 tỷ đồng, gấp 2.9 lần đầu năm.
Tỷ lệ nợ phải trả chiếm gần 73% trong tổng nguồn vốn của MIG, giá trị hơn 3,849 tỷ đồng, chủ yếu là dự phòng nghiệp vụ hơn 2,488 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, Công ty dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm hơn 1,560 tỷ đồng (tăng 20%), dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm hơn 798 tỷ đồng (tăng 12%) và dự phòng dao động lớn gần 130 tỷ đồng (tăng 13%).
Diễn biến giá cổ phiếu từ đầu năm 2020 đến phiên 08/01/2021
Hiện, cổ phiếu MIG đang được giao dịch với mức giá 17,300 đồng/cp, tăng gần 74% so với đầu năm 2020. Khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 76,000 cp/ngày.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận