Cổ phiếu bảo hiểm liệu có ‘đạp gió rẽ sóng’ sau siêu bão Yagi?
Tuy phải đối mặt với các khoản chi trả lớn trong ngắn hạn cho nhiều cá nhân và doanh nghiệp sau siêu bão Yagi, nhưng về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, đây cũng là cơ hội để tăng cường doanh thu từ các hợp đồng bảo hiểm mới, tạo sức bật để nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu bảo hiểm.
Sau bão số 3 (bão Yagi), thị giá cổ phiếu ngành bảo hiểm đã đi xuống khi các doanh nghiệp liên tiếp công bố các số liệu về thiệt hại và bồi thường, nhất là sau công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật.
“Chìm” sau siêu bão
Theo quan sát, trong phiên 11/9, tâm điểm của thị trường rơi vào cổ phiếu nhóm bảo hiểm khi gần như toàn ngành kết phiên trong sắc đỏ.
Một cổ phiếu bảo hiểm khác là VNR của Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam đã giảm 0,4% xuống 24.700 đồng. So với trước bão, thị giá VNR đã giảm khoảng 5%.
Tương tự, cổ phiếu PVI của PVI Holdings cũng tiếp tục điều chỉnh 1,77% xuống mức 44.400 đồng/cp. Hai phiên trước đó, cổ phiếu này đã giảm lần lượt 2,38% và 1,49%; so với trước bão giảm 6,7%.
Diễn biến tương tự cũng xảy ra với những cổ phiếu trong ngành như ABI, BIC, BMI, MIG, PRE… Trong khi đó, các mã PTI, AIC, BHI và BLI lại đứng tham chiếu. Đây cũng là những mã cổ phiếu có thanh khoản thấp và cơ cấu sở hữu tương đối cô đặc.
Nhìn chung, hoàn lưu bão Yagi đang gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc, do vậy, những con số về thiệt hại và người và tài sản của khách hàng bảo hiểm có thể vẫn tiếp tục tăng lên. Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đang trong quá trình thu thập thông tin, dữ liệu về thiệt hại của khách hàng.
Chẳng hạn, Tổng công ty bảo hiểm PVI mới đây thông báo đã ghi nhận khoảng 240 vụ việc báo cáo tổn thất (chưa gồm bảo hiểm xe cơ giới và con người) sau khi cơn bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc. Đại diện của công ty này cho biết số tiền bồi thường theo ước tính là trên 400 tỷ đồng.
Cùng với đó, nhiều công ty bảo hiểm khác đang tiếp nhận và giải quyết yêu cầu bồi thường của khách hàng, như Bảo Minh, MIC, PTI, PJICO...
Giới phân tích nhận định con số tổn thất ước tính lớn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Trong nửa đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế của 13 doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn đạt 1.827 tỷ đồng, theo dữ liệu từ WiChart. Phần lớn lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này đến từ hai mảng kinh doanh là bảo hiểm và tài chính.
Với chi phí bồi thường lên tới nghìn tỷ đồng và đang ngày càng tăng lên, chắc chắn lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này sẽ chịu tác động lớn. Đồng thời, triển vọng về lãi thuần trong mảng tài chính của nhóm doanh nghiệp bảo hiểm cũng không quá khả quan trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng không còn cao như năm 2023.
Tiền gửi ngân hàng và trái phiếu là hai khoản đầu tư ưa thích của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết, trong đó tiền gửi ngân hàng chiếm tỷ trọng cao nhất.
Tiềm năng lớn về lâu về dài
Dù vậy, ở góc độ khác, nhiều ý kiến vẫn đưa ra nhận định ngành bảo hiểm sẽ là một trong những lĩnh vực có thể được thúc đẩy mạnh sau bão. Với những thiệt hại lớn về tài sản và con người sau bão, nhu cầu bảo hiểm được dự đoán sẽ tăng lên khi các doanh nghiệp và cá nhân cần bảo vệ tài sản của mình trước những rủi ro tương lai.
Các công ty bảo hiểm lớn trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản và nhân thọ được dự báo sẽ là những đơn vị hưởng lợi từ xu hướng này. Tuy phải đối mặt với các khoản chi trả lớn trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, đây cũng là cơ hội để tăng cường doanh thu từ các hợp đồng bảo hiểm mới.
Nhóm chuyên gia của AM Best cho rằng do tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm thấp ở Việt Nam, nên tổn thất được bảo hiểm có khả năng thấp hơn nhiều so với tổn thất kinh tế.
AM Best dự kiến các công ty bảo hiểm phi nhân thọ được hãng này xếp hạng tại Việt Nam gồm: PVI, Bảo Minh, Bảo hiểm BIDV, Fubon, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Hà Nội, Tổng công ty bảo hiểm xăng dầu, Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam… sẽ chịu tác động khiêm tốn từ tổn thất do bão Yagi gây ra do bảng cân đối kế toán và việc sử dụng tái bảo hiểm của những doanh nghiệp này rất mạnh.
Theo AM Best, rủi ro phát sinh từ bão thường được thị trường mô hình hóa tốt, vì trung bình có từ 2 đến 3 cơn bão đổ bộ vào Việt Nam mỗi năm. Các công ty chủ động mua các hạn mức tái bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro phát sinh từ các cơn bão nghiêm trọng và các thảm họa thiên nhiên khác.
AM Best đánh giá những doanh nghiệp được xếp hạng nói trên đều có lợi nhuận ổn định, được hỗ trợ bởi thu nhập đầu tư mạnh mẽ và tỷ lệ bồi thường hợp lý. Điều này đã giúp củng cố bộ đệm vốn, giúp các công ty bảo hiểm nhân thọ tăng khả năng hấp thụ rủi ro.
Mặt khác, theo FPT Digital, thị trường bảo hiểm toàn cầu được dự báo có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 8,7%.
Tại Việt Nam, Chính phủ đặt ra 2 mục tiêu lớn có liên quan đến sự phát triển của thị trường bảo hiểm: 15% dân số sẽ tham gia mua bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025 (so với năm 2023 chỉ đạt 12%); tỷ lệ thâm nhập của tổng doanh thu phí bảo hiểm (GWM) nhân thọ và phi nhân thọ được kỳ vọng sẽ đạt 3,5% GDP vào năm 2025.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Mirae Asset chỉ ra 2 mã cổ phiếu trong ngành bảo hiểm mà nhà đầu tư nên nắm giữ: PVI và BIC. Đây là 2 mã cổ phiếu của doanh nghiệp đều kinh doanh ấn tượng, trong đó cổ phiếu PVI thích hợp cho quan điểm đầu tư hưởng cổ tức.
Mirae Asset cho rằng PVI Holdings là doanh nghiệp dẫn đầu mảng bảo hiểm phi nhân thọ trong nhiều năm, hiện là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực phi nhân thọ với khoảng 14 – 15% thị phần.
Theo Mirae Asset, không chỉ kinh doanh ấn tượng, PVI Holdings còn có hoạt động tài chính ổn định và tỷ lệ chia cổ tức hấp dẫn. Năm 2023, doanh ngiệp dự kiến chi gần 750 tỷ đồng chia cổ tức 32% bằng tiền mặt, tỷ suất cổ tức trên thị giá 6,55%, là tỷ suất sinh lời hấp dẫn so với lãi tiền gửi hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận