Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước vẫn 'giậm chân tại chỗ'
Tình hình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước không hoàn thành theo kế hoạch phê duyệt của Thủ tướng.
Theo kế hoạch phê duyệt tại Quyết định 1479 của Thủ tướng, giai đoạn 2022-2025 phải thực hiện cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, rà soát của Bộ Kế hoạch và đầu tư mới đây cho thấy, đến nay chưa có doanh nghiệp nào hoàn thành cổ phần hóa. Trong số 19 doanh nghiệp được phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa, mới có 5 trường hợp thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc; 14 doanh nghiệp vẫn đang ở bước chuẩn bị thực hiện.
Đồng thời, trong năm trường hợp sắp xếp lại, hiện ghi nhận ba doanh nghiệp đã hoàn thành sáp nhập và hai doanh nghiệp đang triển khai sắp xếp.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, có một số nguyên nhân dẫn tới quá trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2022 - 2023 gặp vướng mắc. Đầu tiên là vấn đề các địa phương chậm phê duyệt phương án sử dụng đất, nhất là đối với các doanh nghiệp có đất tại nhiều địa phương dẫn tới phê duyệt quyết định cổ phần hóa của doanh nghiệp chậm.
Bên cạnh đó, các quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa bao hàm hết các tình huống phát sinh trong thực tế, nhất là các nội dung về xác định giá trị doanh nghiệp (giá trị đất và tài sản, sắp xếp và xử lý đất đai) dẫn tới thời gian xây dựng phương án cổ phần hóa kéo dài, không hoàn thành theo kế hoạch được giao.
Một số trường hợp gặp khó trong sản xuất kinh doanh, âm vốn chủ sở hữu, nợ bảo hiểm xã hội như Công ty TNHH Một thành viên thiết bị giáo dục nghề nghiệp, Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Agrexport.
Tương tự, kết quả thực hiện thoái vốn theo Quyết định 1479 của Thủ tướng cũng rơi vào chậm trễ, không đạt tiến độ phê duyệt.
Giai đoạn 2022 - 2023, các bộ, địa phương phải hoàn thành thoái vốn tại 53 doanh nghiệp. Đến hết năm vừa qua, 17 trường hợp đã hoàn thành theo quy định.
Trong đó, Công ty CP đường bộ Hải Phòng, Công ty TNHH thương mại quốc tế Hải Phòng, Công ty CP Công nghiệp thiết bị Tiền Phong, Công ty CP Xây dựng Bình Phước, Công ty CP Môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La, đã thực hiện thoái vốn nhưng không đạt tỷ lệ được phê duyệt, do không có nhà đầu tư đăng ký mua hoặc chỉ thoái được tỷ lệ thấp so với phê duyệt.
Đáng chú ý, trong 36 doanh nghiệp chưa hoàn thành thoái vốn, ghi nhận một số trường hợp gặp khó khăn liên quan đến đất đai như Công ty CP xử lý chất thải Phú Thọ, Công ty CP Quản lý đường thủy Quảng Ninh, Công ty CP Môi trường đô thị Hạ Long Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, còn có vướng mắc trong xác định giá khởi điểm dẫn đến khó khăn trong triển khai. Theo đó, các cơ quan đại diện chủ sở hữu kiến nghị chuyển sang giai đoạn sau hoặc tạm dừng việc thoái vốn như Tổng công ty Viglacera – Công ty CP, Công ty CP Dịch vụ môi trường và công trình đô thị Vũng Tàu, Công ty liên doanh hữu hạn Hải Thành.
Nhìn chung, tình hình thoái vốn tại các doanh nghiệp theo Quyết định 1479 của Thủ tướng còn rất chậm, không hoàn thành theo kế hoạch phê duyệt.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, tình trạng này xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản như thời gian thực hiện thoái vốn ngắn nên bộ ngành, địa phương không kịp hoàn thành; các quy định về thoái vốn còn vướng mắc.
Một số doanh nghiệp còn tồn đọng vấn đề về tài chính, tài sản, đất đai, công nợ chưa được xử lý dứt điểm dẫn đến việc xác định giá trị doanh nghiệp bị kéo dài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường