Cơ hội từ những “vùng đất” mới
Với việc khai thác và chiếm lĩnh những mảng kinh doanh mới, nhiều DN ngành hàng bán lẻ tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan thậm chí là bứt phá trong năm 2019.
Như CTCP Thế Giới Số (Digiworld, DGW), việc tìm được “cứu cánh” với hợp đồng phân phối độc quyền cho Xiaomi từ năm 2017 đã giúp ngành hàng điện thoại di động có đóng góp doanh thu cao nhất với 2.566 tỷ đồng, tăng trưởng 80% trong quý 3, tập trung ở phân khúc sản phẩm tầm trung. Tiếp theo ngành hàng máy tính xách tay và máy tính bảng về 2.250 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 27% và hoàn thành 93% kế hoạch tính đến thời điểm hiện tại.
Ngành hàng thiết bị văn phòng đạt doanh thu trong kỳ đạt 994 tỷ, tương đương 71% kế hoạch cả năm. Ngành hàng tiêu dùng cũng ghi nhận doanh thu tăng mạnh 243%, đạt 182 tỷ đồng. Kết quả này góp phần đưa doanh thu luỹ kế 9 tháng đầu năm của DGW đạt 5.992 tỷ đồng, tăng 37%, tương ứng lợi nhuận sau thuế 112 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ.
Trong quý 3/2019, Digiword ký kết với SEAGATE phân phối thiết bị và giải pháp lưu trữ tại thị trường Việt Nam. Đây là là bước khởi đầu mang đến những cơ hội rộng mở dành cho mảng thiết bị văn phòng trong xu hướng chuyển đổi số.
Hai nhà bán lẻ ICT lớn nhất là MWG và FPT Retail (FRT) cũng đang mở rộng dấu chân của mình. Nỗ lực mở rộng thần tốc 257 cửa hàng chỉ trong 3 tháng củaCTCP Thế giới di động (MWG), đã giúp DN này thoát khỏi chu kỳ kinh doanh thông thường là doanh số bán hàng quý 3 thường thấp hơn hai quý cao điểm đầu năm.
Theo đó, 9 tháng đầu năm 2019, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 76.763 tỷ đồng (tăng trưởng 17%) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.976 tỷ đồng (tăng trưởng 36%) so với cùng kỳ năm 2018. Biên lợi nhuận gộp luỹ kế 9 tháng của MWG được cải thiện đáng kể lên 18,4% so với mức 17,6% cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng quý 3/2019, biên lợi nhuận gộp đã đạt 19,7% (đỉnh cao nhất từ trước đến nay và tăng 1,9% từ mức 17,7% quý 3/2018) nhờ sự đóng góp tích cực của ngành hàng điện lạnh, gia dụng, dụng cụ nhà bếp, thực phẩm & hàng tiêu dùng nhanh.
9 tháng đầu năm nhóm sản phẩm điện lạnh - gia dụng tiếp tục tăng trưởng trên 35% và là động lực chính giúp doanh thu chuỗi Điện máy xanh tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018. Từ tháng 9/2019, MWG triển khai 26 trung tâm laptop hướng tới phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng từ học tập, làm việc văn phòng, đồ hoạ, giải trí – chơi game đồng thời nâng số lượng cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh có khu vực kinh doanh laptop từ 350 lên gần 500 cửa hàng.
Trung bình, mỗi ngày trong tháng 9 có khoảng 1.000 laptop được bán ra tại các trung tâm và cửa hàng của chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh. Dự kiến, ngành hàng laptop sẽ mang về cho công ty từ 2.700 đến 3.000 tỷ đồng doanh thu năm nay, tăng trưởng 25%-30% so với năm 2018.
Với mảng kinh doanh mới là đồng hồ, luỹ kế sau 7 tháng,134 cửa hàng kinh doanh đã bán hơn 150 ngàn sản phẩm đồng hồ các loại. Dự kiến, ngành hàng này sẽ đóng góp từ 500 đến 600 tỷ đồng doanh thu cho MWG cả năm 2019.
Bách hóa xanh cũng đang hứa hẹn những nguồn thu mới cho MWG. Biên lợi nhuận gộp luỹ kế sau huỷ hàng và mất mát trong quý 3/2019 của Bách hóa xanh đạt xấp xỉ 20%. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng trong tháng 9 đạt mức 1,3 tỷ đồng/tháng (tính cho các cửa hàng khai trương trước ngày 01/09/2019). Chiến lược mở cửa hàng đi tỉnh của Bách hóa xanh đang cho kết quả vô cùng khả quan.
Với CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT - FPT Retail (FRT), chương trình "Back To School" đã thúc đẩy doanh số laptop của FPT Shop quý 3/2019 tăng 75% so với quý liền trước. Số lượng phụ kiện và SIM số bán ra đạt được con số khả quan với 3,9 triệu phụ kiện - tăng 29% và 680.000 SIM - tăng 82%.
Đặc biệt, mảng bán hàng trực tuyến (online) có mức tăng doanh thu hơn 59% lên 2.974 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24% tổng doanh thu trở thành điểm bứt phá cho FPT Retail (FRT), đưa tổng doanh thu toàn công ty 9 tháng lên 12.427 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2018. Trước đó tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư nửa đầu năm 2019, ban lãnh đạo công ty cho biết sẽ đẩy doanh thu online tăng hơn 40% đến cuối năm, từ mức 1.649 tỷ lên 4.000 tỷ đồng, đóng góp đến 41% tổng doanh thu. Một trong những động thái hỗ trợ tham vọng trên là dự án hợp tác với Fado thử nghiệm bán hàng xuyên quốc gia.
Tuy nhiên, do trích lập dự phòng nợ xấu cho 2 chương trình F-Friends và Subsidy, lợi nhuận trước thuế 9 tháng chỉ còn tăng nhẹ 3% lên mức 292 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lĩnh vực thuốc cũng đang được FPT hướng tới. FPT Retail đã hoàn tất việc ký hợp đồng nhà thêm với 20 địa điểm để mở nhà thuốc Long Châu. Cùng với 50 nhà thuốc hiện có, Ban lãnh đạo công ty kỳ vọng kế hoạch có 70 nhà thuốc Long Châu sẽ hoàn tất trong năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận