Cơ hội nào cho “vua thép” Trần Đình Long, “vua tôn” Lê Phước Vũ?
Quý III/2019 tiếp tục là khoảng thời gian không vui đối với các doanh nghiệp ngành thép khi biên lợi nhuận của các doanh nghiệp do “vua thép” Trần Đình Long và “vua tôn” Lê Phước Vũ điều hành đều chịu ảnh hưởng từ bối cảnh khó khăn chung của ngành.
Khó khăn của doanh nghiệp ngành thép
Cụ thể, do ảnh hưởng của giá quặng cao trong quý II/2019, khoản mục giá vốn hàng bán của Công ty CP Tập đoàn Hoa Phát ghi nhận mức tăng nhanh gấp đôi doanh thu trong quý III/2019.
Kết quả, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm 17,2% xuống còn 2.702 tỷ đồng. Biên lãi gộp của Hoà Phát cũng chỉ còn 17,9%, thu hẹp 6% so với mức 23% của quý III/2018.
Với mong muốn tập trung nguồn lực cho Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất, chi phí tài chính trong kỳ của doanh nghiệp đã tăng 40% lên 328,5 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay tăng gần 88% lên mức 266 tỷ đồng.
Cộng thêm chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 20% và 191%. Vậy nên, Hòa Phát của ông Trần Đình Long chỉ ghi nhận con số lợi nhuận sau thuế 1.794 tỷ đồng, giảm 25,5% so với cùng kì năm 2018.
Đối với Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, dù kết quả kinh doanh đã đảo chiều từ lỗ thành lãi, song ông Lê Phước Vũ và các thành viên trong HĐQT Tập đoàn vẫn không hoàn thành mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đã được ĐHĐCĐ thông qua.
Theo đó, Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ ghi nhận hơn 6.300 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 25,9% so với cùng kỳ niên độ trước. Song biên lợi nhuận gộp lại tăng lên mức 13,09% nhờ tiết giảm được 29,63% ở khoản mục giá vốn hàng bán.
Trong kỳ, mọi chi phí của Hoa Sen đều được tiết giảm, đặc biệt là chi phí tài chính giảm tới hơn 43%. Hoa Sen cho biết, nguyên nhân chủ yếu của việc giảm chi phí tài chính đến từ việc giảm hàng tồn kho và dư nợ vay ngân hàng. Theo đó, giá trị hàng tồn kho của Hoa Sen tại thời điểm 30/9/2019 là hơn 4.400 tỷ đồng, giảm hơn 33% so với thơi điểm 1/10/2018. Các khoản vay và nợ thuê tài chính trong ngắn hạn và dài hạn đều giảm lần lượt 38,3% và 13,8%.
Đồng thời, việc tái cấu trúc hệ thống phân phối thành công cũng làm giảm đáng kể chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng. Cụ thể chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng của Hoa Sen trong quý IV của niên độ 2018 – 2019 giảm lần lượt 10% và 16% so với cùng kỳ.
Tổng kết quý IV/2019, doanh nghiệp báo lãi sau thuế gần 84 tỷ đồng, tích cực hơn rất nhiều so với khoản lỗ hơn 101 tỷ đồng trong quý IV/2018. Lũy kế niên độ 2018 – 2019, Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ ghi nhận hơn 28.000 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 361 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 18,6% và 11,6% so với cùng kỳ 2018.
Theo giải trình về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, nguyên nhân chính của việc sụt giảm này là do sản lượng bán hàng giảm. Cụ thể, trong niên độ tài chính 2018 - 2019, tổng sản lượng bán hàng của Hoa Sen đạt gần 1,49 triệu tấn, giảm 20% so với niên độ 2017 - 2018.
Theo đó, thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu đều gặp nhiều khó khăn. Tại thị trường nội địa các doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt với nhau do cung lớn hơn cầu. Trong khi đó thị trường xuất khẩu chịu tác động bởi xu hướng bảo hộ thương mại của các quốc giá trên thế giới. Đồng thời, một nguyên nhân quan trọng khác là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã làm cho giá HRC giảm đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Cơ hội nào cho Hoà Phát và Hoa Sen trong năm 2020?
Dù các doanh nghiệp thép Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trở ngại hiện tại chỉ ảnh hưởng ngắn hạn lên kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần ĐìnhLong.
Theo đó, giai đoạn cuối năm 2019, Hòa Phát của ông Trần Đình Long vẫn có thể tiếp tục chịu tác động của giá quặng sắt tăng cao, cộng thêm việc tăng vay để đầu tư cho Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất. Tất cả khiến biên lợi nhuận ròng của doanh nghiệp có thể chạm mức đáy do chi phí lãi vay cao hơn. Song lợi nhuận sau thuế năm 2019 của Hòa Phát kỳ vọng ở mức 8.612 tỷ đồng, tương ương năm 2018.
Bước sang năm 2020, VDSC dự báo lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát sẽ vượt 12.000 tỷ đồng. Cụ thể, sản lượng thép của Hòa Phát sẽ tăng 30% vào năm 2020 nhờ Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất. Thêm vào đó, khi hoạt động tối đa công suất, Dung Quất có thể đạt hiệu suất cao hơn các nhà máy thép hiện tại của Hòa Phát. Do đó, Hoà Phát của ông Trần Đình Long có thể nâng cao biên lợi nhuận chung và cải thiện lợi thế cạnh tranh.
Ngoài ra, dòng sản phẩm mới – thép cán nóng - cũng sẽ cải thiện giá trị gia tăng cho mảng thép thẳng của Hòa Phát, bao gồm ống thép và tôn mạ.
Đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ, VDSC cho rằng khả năng phục hồi lợi nhuận của Hoa Sen trong thời gian tới là khả thi nếu doanh nghiệp này tập trung vào việc cải thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi và hạn chế các hoạt động đầu cơ.
VDSC nhấn mạnh Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ có lợi thế tuyệt đối trong mảng bán lẻ với hơn 500 đại lý và có nhà máy sản xuất trên toàn quốc. Thương hiệu cũng là một điểm cộng đối với Hoa Sen, khi doanh nghiệp này rất nổi tiếng với các sản phẩm tôn lạnh, ống thép và ống nhựa.
Tuy nhiên, điểm yếu lớn của tập đoàn này là tài chính, vay quá mức sẽ tạo sức ép lên chi phí lãi vay, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Bên cạnh đó, tình hình quản trị doanh nghiệp cũng là điểm trừ khi giao dịch với các bên liên quan chiếm tỷ trọng khá lớn. Ngoài ra, biến động giá thép cán nóng cũng có thể gây rủi ro đáng kể đến lợi nhuận của Hoa Sen.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận