menu
Cơ chế pháp lý thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm
Nguyễn Danh Ngôn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cơ chế pháp lý thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Thực hành kinh doanh có trách nhiệm là xu hướng và yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt khi Việt Nam tham gia nhiều hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với việc đề cao thương mại bền vững trong các Hiệp định thương mại tự do thì việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm là cơ sở và điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp tận dụng cơ hội xuất khẩu và phát triển bền vững.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Xin chào Ông Nguyễn Hoa Cương!
PV:Thưa Ông, theo khảo sát của tổ chức quốc tế, mức độ thực hành kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân vẫn còn thấp. Vậy, theo Ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này?

Việt Nam có lịch sử phát triển doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mới chỉ hơn 30 năm kể từ khi có những đạo luật đầu tiên cho doanh nghiệp, đây là thời gian phát triển ngắn ngủi so với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Điều này cũng là một hạn chế cho các doanh nghiệp trong việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm khi nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải vật lộn giải quyết vấn đề sinh tồn. Nhiều doanh nghiệp đã cố gắng thể hiện trách nhiệm với xã hội thông qua các sản phẩm và dịch vụ xã hội cần, tạo ra việc làm cho người lao động, v.v... Đây có thể xem là cấp độ sơ khởi của kinh doanh có trách nhiệm nói chung.

Bên cạnh đó, điều đáng lưu ý là nhận thức của các doanh nghiệp về thực hành kinh doanh có trách nhiệm, trong đó cam kết và quyết tâm của người lãnh đạo, người quản lý doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong việc triển khai vấn đề thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Dưới sự dẫn dắt của lãnh đạo có tầm nhìn và trách nhiệm kinh doanh tốt, việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm và nâng cao ý thức doanh nghiệp có điều kiện được thực thi hiệu quả. Trách nhiệm sẽ thúc đẩy lãnh đạo thực hành kinh doanh theo các chuẩn mực xã hội và tăng cường kiểm soát các chính sách về nâng cao ý thức doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp có cơ hội để hoạt động tốt và nâng cao vị thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cơ chế pháp lý thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm ảnh 1

Ngoài vấn đề nhận thức, quyết tâm của người lãnh đạo, các DNNVV Việt Nam còn gặp hạn chế về năng lực tài chính, năng lực công nghệ, kỹ năng của người lao động v.v… đây là sự khác biệt giữa DNNVV và các doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp FDI.

Tài chính luôn là vấn đề khó khăn đối với tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV. Trong các cuộc khảo sát doanh nghiệp, thường có khoảng 70-80% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận tài chính. Tuy nhiên, tài chính chỉ là một trong những yếu tố đầu vào đối với doanh nghiệp để thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Doanh nghiệp vẫn có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh có đạo đức, quan tâm đến quyền lợi người lao động thông qua các khoản đóng góp tự nguyện cho các hoạt động mang lại lợi ích xã hội như quyên góp ủng hộ đồng bào thiên tai, tài trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, trồng cây gây rừng, phong trào thanh niên, hoặc các hoạt động văn hóa, giáo dục, thể thao…

PV: Từ thực tiễn nghiên cứu, Ông đánh giá như thế nào về khung pháp lý về thực hành kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam hiện nay?

Khung pháp lý về thực hành kinh doanh có trách nhiệm có thể nhìn nhận theo nhiều lĩnh vực khác nhau, ví dụ đối với lĩnh vực phát triển doanh nghiệp có nhiều cách thức để ghi nhận sự đóng góp của doanh nghiệp thông qua doanh thu, lợi nhuận, quy mô lao động, v.v… Tuy nhiên, việc ghi nhận đóng góp và hoạt động của doanh nghiệp đối với xã hội lại chưa được phản ánh đầy đủ trong các văn bản luật và chính sách.

Mặt khác, khung khổ pháp luật hiện nay vẫn còn một số điểm chưa hoàn thiện khiến doanh nghiệp còn lúng túng trong thực hành kinh doanh có trách nhiệm, hoặc chưa đủ tính khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Có thể kể tới như một số quy định về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các phương thức kinh doanh mới, mô hình kinh doanh như kinh tế chia sẻ, trong các giao dịch thương mại điện tử, bán hàng online, bán hàng đa cấp,... chưa đầy đủ, chưa bao quát và chưa theo kịp thực tiễn.

Trong lĩnh vực môi trường, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn thiếu; cơ sở hạ tầng tại khu vực đô thị, nông thôn hiện nay chưa đồng bộ, một số nơi đã bị xuống cấp, đặc biệt tại khu vực làng nghề gây khó khăn cho việc tiêu thoát nước, thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Các chính sách xã hội hóa, thu hút đầu tư vào lĩnh vực môi trường chưa hiệu quả, chưa thu hút được các nguồn vốn đầu tư vào bảo vệ môi trường. Bộ máy làm công tác quản lý về môi trường còn thiếu nhiều về số lượng chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, thực tế. Điều này khiến cho nhận thức, ý thức của cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ, lẻ hạn chế; hoạt động bảo vệ môi trường mang tính hình thức.

Cơ chế pháp lý thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm ảnh 2
PV: Vậy, Ông có đề xuất gì trong việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến vấn đề này nhằm thúc đẩy việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp, theo Ông?

Cần nghiên cứu phương thức và tiêu chí cụ thể để ghi nhận các hoạt động xã hội của doanh nghiệp, tạo động lực để doanh nghiệp quan tâm hơn vấn đề thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Chúng ta cũng cần xem xét toàn diện các pháp luật điều chỉnh quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động; quan hệ người lao động với chủ doanh nghiệp, các vấn đề an sinh xã hội.

Đối với người tiêu dùng, khi người tiêu dùng gặp phải sản phẩm không tốt, sản phẩm không như ý, hoặc sản phẩm có tác động tiêu cực tới sức khỏe của người tiêu dùng, nhà nước cũng cần có chế tài để các doanh nghiệp có trách nhiệm với các sản phẩm sản xuất ra.

Đối với môi trường, chúng ta cần tiếp tục phát triển chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đặc biệt là DNNVV áp dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường, đổi mới sáng tạo hướng tới tăng trưởng xanh, chuẩn bị các yêu cầu cần thiết để đáp ứng các yêu cầu về tín chỉ các-bon và tham gia sàn giao dịch tín chỉ các-bon, v.v…

PV: Có ý kiến cho rằng, để nâng cao mức độ thực hành kinh doanh có trách nhiệm, bên cạnh sự chủ động của chính doanh nghiệp cũng cần có sự đồng hành của Chính phủ và cộng đồng. Ông nghĩ sao về nhận định này, thưa Ông?

Đảng và Nhà nước luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, thể hiện ở các cam kết chính trị mạnh mẽ liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, và hệ thống quy định về thực hành kinh doanh có trách nhiệm, nhiều chính sách, hành lang pháp lý cũng đã được ban hành để hướng doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm đối với nền kinh tế, môi trường và xã hội, như Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ Luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ người tiêu dùng.... Từ phía Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành vẫn tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý, tiếp tục các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Đối với cộng đồng, nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng các sản phẩm xanh, sạch đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian qua. Các chương trình tiêu dùng sạch hơn, ngày hội tái chế, v.v… được tổ chức rộng rãi, thu hút sự tham gia đông đảo người dân, sinh viên ở các địa phương.

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần thay đổi để theo kịp với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, đáp ứng xu thế mới và đảm bảo các quy định, chính sách về môi trường, xã hội do Nhà nước đề ra.

Xin cảm ơn Ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả