Chứng khoán ngành Công Thương: Phân tích, định giá và khuyến nghị cổ phiếu DCM của Phân bón Cà Mau
Thông tin đáng chú ý, phân tích, định giá và khuyến nghị cổ phiếu DCM của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân bón Cà Mau; HSX: DCM).
Dữ liệu đáng chú ý của Phân bón Cà Mau
Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân bón Cà Mau; HSX - DCM) tiền thân là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phân bón Dầu khí Cà Mau, trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được thành lập năm 2011 để quản lý và vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau. DCM chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ đầu năm 2015.
Sản phẩm chủ lực của Công ty là đạm urea hạt đục, phân phối chính tại khu vực Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Năm 2012 là năm đầu tiên DCM đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm Đạm Cà Mau ra thị trường. Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn/năm, cùng với các nhà máy phân đạm khác trong cả nước đã góp phần thay đổi, chuyển dịch cơ cấu phân đạm trong nước, từ nước chủ yếu nhập khẩu phân bón, tiến tới giảm dần nhập khẩu và từng bước chuyển sang nước xuất khẩu phân bón. Có thể nói, DCM đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện chủ trương chính sách an ninh lương thực của Đảng và Nhà nước.
Theo dữ liệu của 24hMoney.vn, cổ đông lớn của DCM gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (75,56%); Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư Tài chính Dầu khí (8,52%); Nhóm quỹ ngoại Dragon Capital (6,07%); Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Ngân hàng TMCPĐại chúng Việt Nam - PVCB Capital (4,97%); CTBC Vietnam Equity Fund (3,04%); Norges Bank (1.9%).
Theo tìm hiểu, ít nhất trong 05 năm trở lại đây (2018-2022), DCM liên tục trả cổ tức bằng tiền, mỗi cổ phiếu được trả từ 600 đồng - 1.800 đồng.
Phân tích và định giá cổ phiếu DCM
Công ty chứng khoán MB (MBS) đã đưa ra những phân tích, định giá và khuyến nghị mua cổ phiếu DCM.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến
Sản lượng sản xuất và kinh doanh phân bón Urê không biến động nhiều nhưng giá bán tăng giúp kết quả kinh doanh tăng mạnh. Trong năm 2022, công ty đặt kế hoạch sản xuất 860,1 nghìn tấn, giảm 4% trong khi sản lượng tiêu thụ và hàng kinh doanh lần lượt là 770,27 nghìn tấn và 202 nghìn tấn cao hơn 2% và 25% so với thực hiện năm 2021.
Nhà máy sản xuất NPK dần đi vào ổn định giúp DCM gia tăng sản lượng. Trong 9 tháng đầu năm 2021, sản lượng sản xuất đạt 128.5 nghìn tấn, tăng mạnh 44% so với cùng kỳ 2020, sản lượng bán hàng đạt 141.4 nghìn tấn, tăng 77%, vượt xa 50% của cả năm 2020. Với công suất thiết kế 300 nghìn tấn/năm, khi nhà máy hoạt động ổn định, hiệu suất sản xuất và kinh doanh tăng lên, sẽ là động lực tăng trưởng mới tác động tới hiệu quả kinh doanh của công ty.
Doanh thu thuần Quý III/2022 của DCM đạt 3.307 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 786 tỷ đồng, lần lượt tăng 82,5% và 95% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 11.466 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.272 tỷ đồng, lần lượt tăng 89,6% và 297% so với cùng kỳ, thực hiện 127% và 603% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm.
Trong Quý IV/2022 của DCM đã tiến hành xong việc bảo dưỡng nhà máy Urea trong tháng 9 và sản xuất ổn định, đạt công suất vượt mức thiết kế. Sau 10 năm hoạt động, nhà máy đã sản xuất được 9 triệu tấn Urea, trung bình hằng năm đạt hơn 112% công suất nhà máy.
Nhà máy NPK công nghệ Urê hóa lỏng công suất 300 nghìn tấn/năm đã sản xuất được 48 nghìn tấn, tiêu thụ hơn 38 nghìn tấn. Theo kế hoạch 2022, sản lượng sản xuất NPK sẽ tăng lên 80 nghìn tấn. MBS ước tính, sản lượng tiêu thụ có thể đạt 70 nghìn tấn tăng khoảng 80% so với 2021. Dư địa tăng trưởng NPK còn nhiều do công ty mới đưa vào kinh doanh năm thứ 2 và dư địa công suất vẫn còn lớn. Dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế Quý IV có thể đạt lần lượt 2.792 tỷ đồng và 522 tỷ đồng, đưa Doanh thu và lợi nhuận trước thuế cả năm lên mức 14.258 tỷ đồng và 4.014tỷ đồng, tăng lần lượt 44% và 105% so với 2021.
Tài chính lành mạnh
DCM là nguồn lực tài chính mạnh nhờ lợi nhuận đột biến. Đến tháng 9/2022, tổng tải sản đạt 13.436 tỷ đồng, tăng thêm 2.364 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu tăng ở tài sản lưu động là tiền và tiền gửi có kỳ hạn. Tiền, tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng thêm 2.894 tỷ đồng khi đạt 7.684 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn đến 57% tổng tài sản. Khoản phải thu, hàng tồn kho vẫn được kiểm soát tốt, không có sự biến động bất thường, lần lượt chiếm tỷ trọng 5% và 16% tổng tài sản, vòng quay khoản phải thu và hàng tồn kho lần lượt đạt 17 và 3,4 lần.
Theo kế hoạch nhà máy Urea đã được khấu hao khoảng 90% và sẽ khấu hao xong vào cuối năm 2023. Tài sản dài hạn chiếm phần lớn từ nhà máy NPK mới đầu tư.
Đến 9/2022, vay nợ ngắn và dài hạn giảm chỉ còn 37,5 tỷ đồng. DCM đã trả hết nợ vay xây dựng nhà máy urea từ cuối năm 2021, nợ vay xây dựng nhà máy NPK cũng đã tất toán xong và hiện chỉ còn lại khoản vay nhỏ cho công ty con. Công ty có lợi nhuận đột biến trong năm 2021-2022 và chưa có dự án cần đầu tư nên vay nợ ở mức rất thấp.
Trong kỳ DCM đã trích 948 tỷ đồng để trả cổ tức với tỷ lệ 18% do đó vốn chủ sở hữu giảm 238 tỷ đồng.
DCM có dòng tiền hoạt động kinh doanh luôn dương. Hoạt động sản xuất và kinh doanh ổn định giúp dòng tiền hoạt động kinh doanh tốt, cho phép Công ty thực hiện dự án đầu tư mở rộng năng lực sản xuất (NPK), trả nợ vay đúng kế hoạch và trả cổ tức đều đặn khoảng 8% từ 2018-2021. Với lợi nhuận đột biến trong năm 2021, DCM đã trả cổ tức 2021 ở mức 18%.
Theo MBS, lợi nhuận kinh doanh của DCM trong năm 2022 vẫn ở mức cao, các khoản trích khấu hao sắp hoàn thành, công ty có thể duy trì mức cổ tức ổn định tối thiểu 8% và có thể tăng lên từ năm 2024.
Yếu tố thị trường và vị thế của DCM
Giá phân bón trên thị trường tăng cao từ cuối năm 2021 đến giữa năm 2022 khiến nhu cầu suy giảm. Giá urea trung bình tại thị trường Trung quốc 6 tháng cuối năm giảm 16% so với trung bình 6 tháng đấu năm hiện ở mức 507 USD/tấn, trong khi giá urea Trung Đông giảm đến 23%.
Năm 2023, giá hợp đồng tương lai phân urea các kỳ hạn tháng và năm 2023-2026 đang nằm trong xu thế giảm. Giá nguyên liệu đầu vào giảm và nguồn cung gia tăng cũng củng cố thêm cho xu hướng giảm giá này.
Trong nước, giá bán lẻ Urea Cà Mau và Phú Mỹ trung bình 6 tháng cuối năm cũng giảm hơn 7% so với giá trung bình 6 tháng đầu năm từ mức 17.300 đồng/kg xuống mức 16.000 đồng/kg. Giá Urea Cà Mau tháng 12/2022 đã giảm về mức 14.400 đồng/kg trong khi giá urea Indo nhập khẩu là khoảng 15.000 đồng/kg.
Giá kỳ hạn phân bón thế giới đang trong xu hướng giảm dần đều từ 2023-2026. Tuy nhiên, giá phân bón 6 tháng đầu năm 2023 mới chỉ giảm khoảng 10% nhưng sẽ giảm khoảng 20% đến cuối năm 2023 và giảm 28% năm 2024.
Đối với nguyên liệu đầu vào, theo Fitch Solution, giá dầu Brent sẽ có tốc độ giảm chậm hơn ở mức 8% năm 2023 và từ 2,3%- 6,3% các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, điểm mạnh của sản phẩn Phân bón Cà Mau là có thương hiệu mạnh trên thị trường, do đó có tính cạnh tranh tốt, hiệu suất nhà máy hoạt động cao. Trong 10 năm, sản phẩm Đạm Urea Cà Mau hạt đục đã tạo dựng được thương hiệu uy tín và kênh phân phối rộng. Sản phẩm luôn cạnh tranh tốt với các thương hiệu phân đạm trong nước và nhập khẩu, thể hiện qua sản lượng sản xuất và bán hàng luôn ở mức cao, công ty đã sản xuất được hơn 9 triệu tấn urea, trung bình hằng năm đạt 103% công suất thiết kế.
DCM đang duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành về thị phần, chính sách bán hàng và khả năng điều chỉnh linh hoạt giá bán nên duy trì được khả năng cạnh tranh và khoảng cách giá với các sản phẩm cùng loại. Hệ thống phân phối bán hàng phủ khắp thị trường trọng điểm là khu vực Đồng bằng sông Cử Long và Campuchia. Hiện 2/3 doanh số của DCM đến từ thị trường Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự phóng kết quả kinh doanh và định giá cổ phiếu DCM
MBS dự báo trong năm 2022, sản lượng urea sản xuất có thể đạt mức 890 nghìn tấn, sản lượng NPK đạt 80 nghìn tấn. Sản lượng bán hàng đạt 1.070 nghìn tấn các loại, trong đó Urea Cà Mau có thể đạt mức 800 nghìn tấn, NPK Cà Mau đạt 70 nghìn tấn, phân bón kinh doanh đạt 140 nghìn tấn.
Tổng doanh thu cả năm 2022 dự báo đạt 14.258 tỷ đồng, tăng 44,5% so với 2021 và bằng 157% kế hoạch 2022 (do kế hoạch xây dựng từ cuối năm 2021 và không điều chỉnh lại dù giá bán phân bón tăng mạnh). Lợi nhuận trước thuế ước tính đạt 4.014 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.693 tỷ đồng, tăng 105% và 102% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 3.686 tỷ đồng, thu nhập mỗi cổ phần đạt 6.097 đồng.
Theo ước tính của MBS, trong giai đoạn 2023-2026, nhà máy sản xuất Ure Cà Mau vẫn hoạt động ổn định, sản lượng sản xuất và bán hàng đạt mức 880 nghìn tấn/năm. Với nhà máy sản xuất NPK, sản lượng sản xuất và bán hàng từ mức thấp sẽ tăng nhanh từ năm 2023 và đạt đầy đủ công suất 300 nghìn tấn năm 2025.
Kết quả kinh doanh 2021-2022, công ty đạt được lợi nhuận rất cao nhờ thuận lợi bất ngờ từ thị trường phân bón. MBS cho rằng mức điều chỉnh giảm của giá phân bón sẽ diễn ra từ từ. Công ty tiếp tục hoạt động hiệu quả với sự bổ sung từ mặt hàng NPK, doanh thu vẫn có thể duy trì được mức trên 10.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sẽ giảm từ đỉnh lợi nhuận năm 2022.
Do đó, MBS xác định giá mục tiêu 12 tháng của cổ phiếu DCM vào khoảng 32.400 đồng/cổ phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 29/12, thị giá cổ phiếu DCM đang đóng cửa ở mức 25.950 đồng/cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận