Chứng khoán đi tìm niềm tin chiến lược
Nếu thật sự thị trường chứng khoán đang cần thêm niềm tin từ nhà đầu tư thì đồng thời phải trả lời câu hỏi, căn nguyên niềm tin chính đáng ấy từ đâu? Và chắc chắn, đó phải là niềm tin chiến lược.
Sự thận trọng cần thiết và xa hơn nữa
Sắc đỏ ưu thắng trong phần nhiều các phiên giao dịch từ đầu năm 2022 tới nay đã khiến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam giảm ước chừng trên 35% điểm số. Xét về giá trị vốn hóa, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỉ đồng bốc hơi sau mỗi phiên thị trường thiếu vắng màu xanh.
Dù muốn hay không, buộc phải thừa nhận việc chỉ số VN-Index thủng mốc 1.000 điểm đã khiến không ít nhà đầu tư chùn bước, và vì thế, trong nhiều ngày gần đây, câu chuyện TTCK Việt Nam cần tiếp thêm niềm tin được bàn thảo một cách nhiệt tình và nghiêm túc với niềm mong mỏi mau chóng tìm ra liều thuốc tinh thần.
Vậy nhưng, dành một vài phút để xem lại phát biểu chính thức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về thực trạng của TTCK Việt Nam xem ra không phải là một việc làm vô ích.
Tuyên bố đưa ra vào nửa đầu tháng 11-2022 nhận định về các yếu tố ảnh hưởng tới thị trường gồm: dòng tiền một mặt bị hút lại ngân hàng do thay đổi về chính sách lãi suất và một mặt được đẩy ra các kênh sản xuất kinh doanh sau hai năm nền kinh tế phần nào bị chững lại do đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam; triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu; việc khởi tố, điều tra một số lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản lớn liên quan tới việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian vừa qua.
Tựu trung, căn nguyên nằm ở tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, điều nên xem là cần thiết ở giai đoạn phát triển hiện tại của TTCK.
Một nghiên cứu công bố tháng 5-2022 của thạc sĩ Phạm Bảo Châu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra thông tin, trên 99% nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam là nhà đầu tư cá nhân và những nhà đầu tư chuyên nghiệp chiếm tỷ trọng còn khiêm tốn.
Năm 2021, một nghiên cứu khoa học của sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM, dựa trên bộ dữ liệu bao gồm 214 quan sát từ các nhà đầu tư cá nhân đã chỉ ra những hành vi được coi là biểu hiện điển hình của chứng nghiện cờ bạc, và 58% số nhà đầu tư được quan sát có hành vi nghiện giao dịch tương tự như những người nghiện cờ bạc.
Hai nghiên cứu nói trên chỉ mang giá trị tham khảo, tuy nhiên, vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, nếu tham gia TTCK theo kiểu “tay mơ” thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Chúng ta đã chứng kiến kinh nghiệm cay đắng từ nước láng giềng. Trong cơn lốc chứng khoán Trung Quốc xảy ra cách nay khoảng bảy năm với những thời điểm thị trường “bay màu” tới 3.000 tỉ đô la Mỹ chỉ trong vòng ba tuần, điều đau đầu, khó giải quyết và gây hậu quả lâu dài hơn cả tiền bạc là những bất ổn về mặt xã hội khi không chỉ nhiều đại gia bỗng chốc trắng tay, phải bán hết tài sản để bù đắp thua lỗ chứng khoán mà còn là những vụ tự tử tăng vọt, một phần không nhỏ được ghi nhận ở nhóm người lao động bình thường, các bà nội trợ, người về hưu…
Đành rằng, tại một thị trường tự do, những người đủ năng lực hành vi dân sự được quyền và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho mọi quyết định đầu tư của mình. Dù vậy, từ phía quản lý, dung túng cho lối đầu tư bất chấp, không hiểu vì thế không thể phòng bị cho mọi rủi ro là thiếu sót trong quản lý, là vô tình giúp những con cá lớn háu đói, tham lam vô độ nuốt trọn đàn cá nhỏ. Từ phía nhà đầu tư, sự chậm rãi, biết người biết ta vô cùng quan trọng. Chúng ta phải tránh cả hai kịch bản đáng buồn này.
Đi xa hơn, chuyên nghiệp hóa nhà đầu tư cổ phiếu cá nhân nên là một yêu cầu được đặt ở vị trí cao, tương tự tiêu chuẩn tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong tình huống này, song song với việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, gợi ý về việc đánh giá hệ số tín nhiệm cá nhân có lẽ cần được cân nhắc.
Theo đó, hệ số tín nhiệm sẽ giúp hạn chế bớt những người “chơi chứng khoán” thiếu tiềm lực kiến thức, tài chính, giúp nhà quản lý theo dõi và phát hiện những giao dịch bất thường, có dấu hiệu sai phạm thông qua hệ số tín nhiệm của các chủ thể tham gia…
Hệ quả trực tiếp khác là nhà đầu tư sẽ phải tự chăm lo cho “hệ số tín nhiệm” của mình bằng việc tìm hiểu thị trường, tự bổ sung năng lực đánh giá sức khỏe doanh nghiệp, tránh vướng vào những giao dịch đáng ngờ rồi bị trừ điểm tín nhiệm.
Niềm tin đến từ những nhà đầu tư chất lượng cao mới đích thật là niềm tin chiến lược với hàm nghĩa dấu chỉ về một TTCK minh bạch, lành mạnh theo đúng chuẩn mực thế giới.
Nửa mảnh ghép còn lại
Bức tranh TTCK Việt Nam sẽ trở nên toàn vẹn khi niềm tin đặt ở chỗ đáng tin. Việc trừng phạt nghiêm minh những hành vi sai phạm trên thị trường, điều tra xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của một số doanh nghiệp bất động sản… không nằm ngoài mục đích nêu trên.
Sự hụt hẫng của thị trường chỉ là phản ứng nhất thời khó tránh, và kể cả trong trường hợp, cuộc phẫu thuật loại bỏ khuyết tật đang tồn tại kéo dài hơn mong đợi, vẫn không nên căn vào đó để kêu gọi các biện pháp hỗ trợ không phù hợp.
Đến đây, lại phải nhắc lại một bài học cũ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thập niên mất mát với tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội thấp hơn so với hầu hết các nước công nghiệp phát triển, tỷ lệ thất nghiệp tăng… của kinh tế Nhật Bản đầu những năm 1990 của thế kỷ trước đến từ cú vỡ bong bóng tài sản, bao gồm bất động sản và chứng khoán, điều xảy ra sau khi dòng tiền dồn dập đổ vào hai kênh đầu tư tài sản này. Hơn 30 năm sau cơn ác mộng, TTCK Nhật Bản vẫn chưa thể trở lại với mức đỉnh.
Cảnh giác không hề thừa. Nhìn vào danh mục VN30 công bố tháng 7-2022, 11 mã cổ phiếu thuộc về các ngân hàng thương mại cổ phần, sáu mã cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản và tập đoàn đa ngành liên quan tới bất động sản, năm mã dự phòng thuộc nhóm ngân hàng thương mại.
So sánh với TTCK Mỹ, trong nhóm các mã chứng khoán thuộc chỉ số công nghiệp Dow Jones, chỉ có một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, trang trí nhà cửa, tạm coi là liên quan tới bất động sản, bốn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính. Có thể thấy, khác với Mỹ, dòng vốn trên TTCK Việt Nam đang tập trung nhiều ở nhóm ngân hàng, bất động sản.
Thêm vào đó, ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng thương mại cũng đang ở vị trí “chủ công”. Báo cáo thị trường trái phiếu quí 3-2022 của VNDirect cho thấy, dù suy giảm nhiều so với cùng kỳ 2021, tài chính- ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng phát hành trái phiếu lớn nhất với 82,5% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ, tương đương 48.683 tỉ đồng.
Bất động sản chiếm tỷ trọng 13,7% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ, tương đương 8.091 tỉ đồng. Theo báo cáo từ SSI Research, trong năm 2021, trái chủ lớn nhất của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chính là các ngân hàng thương mại.
Sai phạm xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát thời gian vừa qua đã chứng tỏ chúng ta cần phải hết sức đề phòng mối quan hệ trên mức đối tác bình thường giữa doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng thương mại.
Phát hiện sớm, chấn chỉnh kịp thời những chuệch choạc, sai sót trong mối quan hệ này trước tiên sẽ ngăn chặn việc dòng tín dụng bị điều chuyển theo hướng không có lợi, gây ra các rủi ro cả về cấu trúc lẫn sự ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ khi đó, TTCK mới thực hiện trọn vẹn vai trò kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.
Xin được lưu ý thêm rằng, tính tới ngày 17-11-2022, trái với tâm lý e dè của nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng chín phiên liên tiếp với tổng trị giá giao dịch lên tới gần 10.000 tỉ đồng.
Có thể coi đây là một trong những dấu hiệu chứng tỏ niềm tin của khối ngoại với TTCK Việt Nam, điều chắc chắn sẽ tăng thêm nếu việc chấn chỉnh, minh bạch hóa thị trường tiếp tục được thực hiện kiên quyết và đạt được kết quả như kỳ vọng.
(Theo TBKTSG)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận