Chủ tịch 9X của chứng khoán BOS liên quan gì tới ông Trịnh Văn Quyết?
Ông Trịnh Văn Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán BOS (mã chứng khoán: ART), là đồng hương với ông Trịnh Văn Quyết. Trên danh nghĩa, Công ty Chứng khoán BOS không phải là công ty con hay công ty liên kết của Tập đoàn FLC nhưng lại có chung rất nhiều lãnh đạo chủ chốt.
Nhiều mắt xích
Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Chứng khoán BOS (ART) vừa thông báo quyết định miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Bá Phương và bầu ông Trịnh Văn Nam - Thành viên HĐQT - giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT ART.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên 2022 tổ chức ngày 16/8, ông Trịnh Văn Nam cùng ông Lê Bá Phương và bà Phạm Thị Thanh Mai được bầu vào HĐQT của Công ty CP chứng khoán BOS, trong đó ông Lê Bá Phương cũng được bầu làm Chủ tịch HĐQT.
Như vậy, ông Phương bị miễn nhiệm chỉ sau hơn 1 tháng làm Chủ tịch HĐQT của ART.
Ông Trịnh Văn Nam sinh năm 1991, quê Vĩnh Phúc - đồng hương với ông Trịnh Văn Quyết. Ông Nam từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong hệ sinh thái FLC như cán bộ chuyên môn trong Công ty CP Tập đoàn FLC, Trưởng phòng mua sắm của Công ty TNHH MTV Quản lý khách sạn và Khu nghỉ dưỡng FLC; cán bộ chuyên môn trong Công ty CP Hàng không Tre Việt - Bamboo Airways.
Ông Nam cũng đang là người đại diện pháp luật của 6 doanh nghiệp, gồm Công ty CP FLC Premier Parc, Công ty TNHH Tổng hợp Nam Thành Phát, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bình Sơn, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SIP, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Tâm An, Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Sơn La.
Trong 6 doanh nghiệp này, một số doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với Tập đoàn FLC và Công ty Xây dựng FLC Faros.
Cụ thể, Công ty CP FLC Premier Parc thành lập ngày 6/5/2019. Vốn điều lệ khi thành lập là 70 tỷ đồng, do ông Nam làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Đáng chú ý, FLC Premier Parc là tên dự án Khu đô thị tại xã Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) của Tập đoàn FLC. Diện tích của dự án là 6,4 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 2.800 tỷ đồng.
Công ty TNHH Tổng hợp Nam Thành Phát thành lập ngày 16/4/2018 tại tỉnh Quảng Bình, có vốn điều lệ khi mới thành lập là 5 tỷ đồng, ông Nam góp 35% và giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bình Sơn thành lập ngày 8/6/2018 tại tỉnh Quảng Ngãi, vốn điều lệ tính đến ngày 3/12/2020 là 800 tỷ đồng do ông Nam làm Tổng giám đốc.
Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SIP thành lập ngày 1/11/2017 tại tỉnh Vĩnh Phúc, vốn điều lệ tính đến ngày 9/10/2018 là 100 tỷ đồng, do ông Nam làm Chủ tịch Hội đồng thành viên góp 80 tỷ đồng, chiếm 80% vốn điều lệ.
Trong báo cáo tài chính quý IV/2021 của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Tâm An có nêu, công ty thành lập ngày 10/3/2010 tại tỉnh Vĩnh Phúc. Vốn điều lệ tính đến ngày 20/12/2019 là 4,5 tỷ đồng, trong đó ông Nam làm Giám đốc và góp 500 triệu đồng.
Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Sơn La thành lập ngày 27/12/2018 tại tỉnh Sơn La, vốn điều lệ khi thành lập là 280 tỷ đồng, do ông Nam làm Tổng giám đốc.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 của Công ty CP Xây dựng FLC Faros, tại khoản mục phải thu ngắn hạn của khách hàng có ghi nhận khoản phải thu của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Tâm An là 34,4 tỷ đồng, tại khoản trả trước cho người bán ngắn hạn cũng xuất hiện Công ty Tâm An với 111,5 tỷ đồng. FLC Faros cũng cho Tâm An vay ngắn hạn đến 366 tỷ đồng, phải thu về lãi vay là 11,9 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ tính đến cuối 2019 của Tâm An chỉ 4,5 tỷ đồng.
Tại khoản trả trước cho người bán ngắn hạn của FLC Faros vào quý IV/2021 cũng xuất hiện tên Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SIP với khoản trả trước là 90,8 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 của Tập đoàn FLC cũng thể hiện, FLC cũng cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Sơn La vay 577 tỷ đồng và góp vốn vào Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bình Sơn 144 tỷ đồng, nắm 17,81% vốn điều lệ.
Cổ phiếu bị kiểm soát
Trên danh nghĩa, Công ty chứng khoán BOS không phải là công ty con hay công ty liên kết của Tập đoàn FLC nhưng lại có chung rất nhiều lãnh đạo chủ chốt. Ông Trịnh Văn Quyết từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT công ty này.
Bà Hương Trần Kiều Dung trước khi bị bắt giam là Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC đồng thời là Chủ tịch Chứng khoán BOS. Thành viên HĐQT Chứng khoán BOS Lê Bá Nguyên từng là Thành viên HĐQT của Tập đoàn FLC. Bà Trịnh Thị Thúy Nga - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc của Công ty CP Chứng khoán BOS và là em gái của ông Trịnh Văn Quyết.
Sau khi cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt về tội thao túng thị trường chứng khoán hồi tháng 4, BOS liên tục có sự biến động lãnh đạo cấp cao. Trong đó, cựu Chủ tịch HĐQT và cựu Tổng giám đốc của BOS là Hương Trần Kiều Dung và Nguyễn Quỳnh Anh cũng bị bắt vì liên quan tới vụ án này.
Ở một diễn biến khác, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có quyết định đưa cổ phiếu ART của Chứng khoán BOS vào diện bị kiểm soát vào ngày 21/9 do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 quá 30 ngày so với quy định.
Ngày 27/9, trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX, BOS đã giải trình nguyên nhân và đưa ra biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát.
Theo đó, công ty đã hoàn thiện dự thảo báo cáo tài chính bán niên 2022 và cố gắng tìm kiếm đơn vị kiểm toán để kiểm toán báo cáo tài chính nhưng đến nay chưa đơn vị nào chấp nhận. Vì vậy, công ty chưa thể phát hành báo cáo tài chính bán niên 2022 soát xét theo đúng thời hạn quy định.
BOS cho biết, HĐQT đang nỗ lực tìm kiếm đơn vị kiểm toán phù hợp theo quy định và sẽ thực hiện phát hành báo cáo tài chính bán niên 2022 soát xét trong thời gian sớm nhất.
Về kế hoạch kinh doanh, năm 2022, BOS đặt mục tiêu doanh thu thuần 110 tỷ đồng và lãi trước thuế 50 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 35% so với thực hiện năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận