Chủ thương hiệu Vodka Hà Nội vẫn lỗ... theo kế hoạch
Dù báo lỗ ròng gần 5 tỷ đồng trong quý 3 nhưng kết quả này của CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico, UPCoM: HNR) không nằm ngoài dự tính của lãnh đạo Công ty.
Quý 3/2024, doanh thu của HNR vẫn chủ yếu từ bán hàng và thành phẩm rượu, ghi nhận hơn 22 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Giá vốn tăng nhanh hơn khiến lãi gộp giảm còn 5.3 tỷ đồng. Trong khi đó, Doanh nghiệp vẫn trả lãi vay và các chi phí khác đội lên dẫn đến lỗ ròng 4.9 tỷ đồng, nặng hơn khoản lỗ 1.6 tỷ đồng quý 3/2023.
Sau 9 tháng đầu năm, HNR lỗ lũy kế 7.4 tỷ đồng trong bối cảnh doanh thu vẫn tăng 12%, ghi nhận 80 tỷ đồng. Doanh nghiệp rượu có tuổi đời hơn 120 năm này đã lỗ triền miên trong nhiều năm qua, chỉ mới có lãi nhẹ trở lại 465 triệu đồng quý 1/2024.
Dù vậy, kết quả trên vẫn đang đúng dự tính từ đầu năm của lãnh đạo Công ty với mức lỗ trước thuế 8.5 tỷ đồng sau 3 quý, thấp nhất kể từ năm 2016; trong khi doanh thu đi được 71% chặng đường đề ra.
Trên bảng cân đối kế toán, khoản lỗ làm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 465 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu theo đó giảm còn 348 tỷ đồng. Nợ phải trả cuối quý 3 chỉ 21 tỷ đồng. Công ty vẫn trung thành với chiến lược kinh doanh không vay nợ ngân hàng.
Trước đó, HNR cho hay năm 2024 sẽ vẫn đối mặt khó khăn và thách thức. Giá cả nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng cao. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tiếp tục tăng cũng như vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp tư nhân khác.
Để giải quyết, Công ty nói sẽ cố gắng khôi phục và tìm kiếm các thị trường mới, tập trung vào châu Á và châu Âu. Hướng đến phát triển dòng rượu màu nhẹ độ phục vụ công tác quảng bá và đa dạng hóa sản phẩm.
Chủ thương hiệu Vodka Hà Nội bắt đầu thua lỗ từ năm 2016, nặng nề nhất là mức lỗ ròng 85 tỷ đồng năm 2017 nhưng đã giảm dần từ đó đến nay. Khó khăn với HNR không chỉ bởi cạnh tranh từ đối thủ, hàng nhập lậu trốn thuế… mà một phần từ Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về Luật Thương mại.
Công ty thừa nhận việc cấm khuyến mãi theo nghị định càng làm cho các công ty sản xuất rượu an toàn như HNR gặp khó khăn vì rượu thủ công không an toàn lại không chịu áp lực của văn bản này. Ngành kinh doanh của HNR còn chịu ảnh hưởng lớn khi Chính phủ siết chặt xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông khi có nồng độ cồn, theo Nghị định 100 có hiệu lực từ năm 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường