Chủ sở hữu khu đất Giảng Võ từng được phê duyệt xây 10 tòa chung cư 50 tầng kinh doanh thế nào?
Dù quyết định xây dựng 10 tòa chung cư 50 tầng ở đất vàng Giảng Võ đã bị hủy bỏ nhưng chủ khu đất này vẫn thu lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Trả lời đại biểu tại phiên chất vấn về việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố sáng 7/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, dự án tại 148 Giảng Võ (phường Giảng Võ, Ba Đình) - khu vực Triển lãm Giảng Võ cũ - đã có chủ trương chuyển đổi làm trung tâm dịch vụ thương mại, dịch vụ, văn hóa.
Trước đó vào năm 2016, UBND TP đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (tại quyết định 3560) khu đất 6,8 ha, số 148 Giảng Võ với quy mô 10 tòa chung cư cao 50 tầng. Cùng thời gian này, UBND TP cũng phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư (tại quyết định số 4205).
"Thời điểm đó, mặc dù xác định 148 Giảng Võ là điểm nhấn tại khu vực nội đô lịch sử nhưng theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND TP cũng như ý kiến của các bộ ngành và dư luận xã hội thì đến ngày 7/3/2019, UBND TP đã có quyết định 1441 thu hồi quyết định 4205/2016 về chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, tại khu vực này sẽ không xây dựng quy mô 10 tòa nhà cao 50 tầng nữa", ông Tuấn nói.
Theo ông Dương Đức Tuấn, thời gian tới UBND TP sẽ chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực này để đưa về đúng chức năng nêu trên. Sau khi điều chỉnh lại quy hoạch 1/500, sẽ quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Hiện nhà đầu tư cam kết, sau khi các thủ tục trên hoàn thiện sẽ tiến hành đầu tư ngay.
Theo tìm hiểu, doanh nghiệp làm chủ dự án tại 148 Giảng Võ là CTCP Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam (VEF) do ông Trần Lê Phương làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, đây cũng là công ty con của Tập đoàn Vingroup (VIC).
Kết quả, VEF lãi trước thuế 101 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 81 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 54 tỷ đồng của quý 1 năm 2021. Năm 2022, VEF đặt kế hoạch doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 10 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2021, doanh thu thuần VEF đạt 6,2 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2020; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế tăng hơn 135% lên mức 328 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của VEF cho biết tính đến 31/3/2022, các khoản tiền và tương đương tiền của VEF đạt 2.514 tỷ đồng, tăng 93% cùng kỳ. Các khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh giảm mạnh chỉ còn 315 tỷ đồng.
Ngoài ra, VEF còn đang cho các đối tác doanh nghiệp vay 3.236 tỷ đồng với lãi suất 9%/năm. Trong đó, 2.396 tỷ đồng là cho vay ngắn hạn và 840 tỷ đồng là cho vay dài hạn.
Về dư nợ đi vay, VEF cũng phát sinh khoản vay nợ 1.605 tỷ đồng, là khoản vay ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), kỳ hạn tối đa 24 tháng với lãi suất 8,6%/năm cho năm đầu và sau đó theo lãi suất thả nổi.
Tính đến ngày 31/3, VEF có tổng cộng nguồn vốn là 8.931 tỷ đồng và có 731 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra vào tháng 5 vừa qua, cổ đông VEF đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên hơn 10.000 tỷ đồng.
Cụ thể, VEF sẽ phát hành thêm 852.997.376 cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp với tỷ lệ 1:5,12, dự kiến nâng vốn điều lệ từ 1.666 tỷ đồng lên 10.196 tỷ đồng.
Về phương án sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành, VEF sẽ sử dụng 8.443 tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án: dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, xã Đông Hội, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội (6.975 tỷ đồng) và dự án trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia (1.467 tỷ đồng). Trong khi đó, 86,97 tỷ đồng được sử dụng để bổ sung vốn lưu động doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận