menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thị Vân

CEO Vietnam Airlines dự báo năm 2025 vẫn thiếu tàu bay

Theo ông Lê Hồng Hà, tình trạng thiếu tàu bay do sự cố động cơ - yếu tố chính làm tăng giá vé có thể phải đến cuối năm sau mới giảm dần.

Thông tin trên được CEO Vietnam Airlines Lê Hồng Hà chia sẻ tại phiên họp thường niên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, ngày 21/6.

Ông Hà thông tin do sự cố động cơ Pratt & Whitney sử dụng trên tàu bay Airbus A321neo, Vietnam Airlines đang phải dừng khai thác 11 tàu thân hẹp này - dòng máy bay chủ lực của các hãng trên mạng đường bay nội địa. Trên toàn cầu, khoảng 3.500 động cơ Pratt & Whitney bị triệu hồi để kiểm tra, bảo dưỡng. Vì vậy, thời gian sửa chữa động cơ kéo dài từ thông thường 90 ngày lên tới 250-300 ngày như hiện tại.

CEO Vietnam Airlines dự báo năm 2025 vẫn thiếu tàu bay
CEO Vietnam Airlines Lê Hồng Hà thông tin tại cuộc họp ngày 21/6. Ảnh: HVN

Theo CEO Vietnam Airlines, bên cạnh Pratt & Whitney, một số động cơ sử dụng trên các dòng tàu thân rộng như Airbus A350, Boeing B787 cũng bị ảnh hưởng, cần đưa vào bảo dưỡng. Hãng này có thể phải cho 2-4 tàu Airbus A350 nằm sân. Vì vậy, tổng số lượng tàu dừng khai thác của Vietnam Airlines thời gian tới có thể lên đến 13-15 tàu.

Bởi nhu cầu về tàu bay trên thế giới vẫn ở mức cao, ông Hà dự báo tình trạng thiếu hụt máy bay sẽ vẫn kéo dài sang năm 2025, có thể đến năm 2026, 2027 mới có thể được giải quyết. Giá thuê tàu bay đã tăng 20-30% so với trước đây. Còn nếu các hãng đặt mua tàu mới của Airbus, Boeing lúc này, có thể phải đến năm 2030, 2031 mới được bàn giao.

Vì vậy, Vietnam Airlines chưa vội bán 6 tàu Airbus A321ceo cũ như kế hoạch đã được thông qua năm ngoái. Lúc này, hãng vẫn ưu tiên sử dụng tàu cũ để có nguồn lực phục vụ khai thác.

Tuy nhiên, CEO hãng hàng không quốc gia nói rằng hãng cũng tiếp tục xây dựng lại phương án mua 50 tàu thân hẹp (cả Boeing và Airbus) sau năm 2030 để đáp ứng mục tiêu phát triển trong dài hạn. Đồng thời, Vietnam Airlines đang có kế hoạch khai thác thêm đội tàu bay phản lực khu vực cho các đường bay ngách, hay sân bay trọng điểm như Côn Đảo để dần thay thế đội bay ATR-72.

Trước câu hỏi của một cổ đông về việc Vietnam Airlines có quan tâm đến máy bay Comac của Trung Quốc trong bối cảnh năng lực cung ứng của Boeing và Airbus chậm, ông Hà nói rằng "Comac hiện cũng là đối trọng với các nhà sản xuất phương Tây".

Theo CEO này, Vietnam Airlines vẫn đang theo dõi sát sao quá trình phát triển và cấp phép của các cơ quan quản lý với tàu bay C919. Hiện nay, tàu bay của Comac mới được giới chức hàng không Trung Quốc cấp phép và chưa được Mỹ, châu Âu chứng nhận.

CEO Vietnam Airlines dự báo năm 2025 vẫn thiếu tàu bay
Hai tàu bay A321neo của Vietnam Airlines "nằm sân" tại Nội Bài để sửa chữa động cơ hồi tháng 4/2024. Ảnh: Anh Tú

Từ đầu năm đến nay, thiếu máy bay, làm giảm tải cung ứng là một trong những lý do chính khiến giá máy bay nội địa tăng cao. Theo thống kê của Cục Hàng không, các hãng bay trong nước hiện chỉ khai thác 160-170 tàu, trong khi trước dịch là 230-240 tàu.

Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Đặng Anh Tuấn nói rằng giá vé nội địa của Vietnam Airlines 4 tháng đầu năm tăng khoảng 15-17%. Tại thời điểm một tháng trước, mức này tương đương bình quân 76% so với giá trần. Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định nhiều chặng bay có tỷ lệ thấp hơn, trong đó có hành trình giá chỉ khoảng 43% so với giá trần.

Năm nay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ ở mức 80.984 tỷ đồng, thu hợp nhất 105.946 tỷ đồng. Đây đều là các mức cao nhất từ trước đến nay của hãng bay này. Thời điểm đạt đỉnh doanh thu năm 2019, công ty cũng chỉ ghi nhận nguồn thu khoảng 72.980 tỷ đồng và hợp nhất 99.099 tỷ.

Tuy nhiên, mức lãi công ty mẹ dự kiến chưa tới 1% doanh thu, khoảng 105 tỷ đồng. Hãng dự báo năm nay tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Với các yếu tố vĩ mô, Vietnam Airlines cho biết giá nhiên liệu vẫn duy trì ở mức cao - trên 100 USD mỗi thùng. Khi giá nhiên liệu tăng 1 USD một thùng, công ty phát sinh chi phí khai thác bay khoảng 230 tỷ mỗi năm. Công ty cũng lo ngại sức mua của khách quốc tế chưa đạt được mức trước dịch bởi suy thoái kinh tế, xung đột chính trị Nga - Ukraine, Israel - Hamas chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Thị trường quốc tế quan trọng hàng đầu - Trung Quốc phục hồi rất chậm.

Vietnam Airlines cũng thông tin tình hình dòng tiền năm nay khó khăn do nhiều khoản nợ tái cơ cấu đến hạn thanh toán, nhất là từ tháng 7 khi các khoản vay tái cấp vốn bắt đầu đến hạn hoàn trả.

Hãng hàng không quốc gia lên kế hoạch thoái vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) trong năm nay, giúp mang về nguồn thu khoảng 1.700 tỷ đồng. Nhờ thương vụ này và lợi nhuận các công ty con khác cải thiện, hãng đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trên 4.230 tỷ đồng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả