CEO May Việt Tiến: 'Nhiều khách hàng lớn đặt vấn đề nhưng chúng tôi lực bất tòng tâm'
Sáng ngày 23/04, Tổng CTCP May Việt Tiến (UPCoM: VGG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022. Tại đây, Tổng Giám đốc Bùi Văn Tiến trăn trở về việc các Tập đoàn, khách hàng lớn đặt hàng nhưng Công ty lại không đủ năng lực và lao động.
Ông Tiến cho biết, lao động bình quân trong năm 2021 là 5,553 người, giảm hơn ngàn người. Trong quý 1 này, chỉ còn khoảng 4,800 lao động. Công ty vẫn đang tiếp tục các giải pháp để đẩy nhanh tăng năng suất, thu nhập cho người lao động…
Cũng theo ông Tiến, “dự báo tình hình năm 2022 sẽ tăng trưởng nhưng thị phần sẽ không có sự cải thiện do đứt gãy nguồn cung vì 2 lý do. Thứ nhất là Trung Quốc đang ghen với cả thế giới, họ thông báo họ Zero Covid, họ cắt nguồn cung…
Hiện nay, hàng hóa của chúng ta nhiều vô cùng, các Tập đoàn lớn đang đặt vấn đề chúng ta phải nâng cao năng lực sản xuất, trong đó South Island yêu cầu tăng 30% năng lực hàng Nike… nhưng chúng ta lại không thể.
Thứ hai là do chi phí logistics cao, khách hàng bị tổn thương. Trung Quốc ra chính sách chở container rỗng mang về, rút toàn bộ container về nước họ, trên thế giới không còn vỏ container để chở hàng, làm tắc nghẽn hệ thống giao thương. Cuộc chơi của những ông lớn khiến mình cũng phải chịu tổn thương…
Mục tiêu lãi sau thuế 2022 tăng 50%
Trong năm 2022, Tổng CTCP May Việt Tiến (UPCoM: VGG) đặt kế hoạch tổng doanh thu và lãi trước thuế 2022 đạt 6,500 tỷ đồng và 150 tỷ đồng lãi trước thuế, lần lượt tăng 8% và 50% so với năm trước.
Tình hình kinh doanh của VGG qua các năm và kế hoạch năm 2022. Đvt: Tỷ đồng Nguồn: VietstockFinance (*) Tổng doanh thu |
Công ty dự báo các doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ nội tại như chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây; bất lợi về tỷ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ; mất cân đối lao động, doanh nghiệp khu vực phía Nam vẫn thiếu lao động nghiêm trọng.
Ngoài ra, chiến tranh, dịch bệnh đang diễn biến trên thế giới vô cùng phức tạp, dẫn đến các chi phí ngày càng gia tăng rất cao, làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Về thị trường nội địa, Công ty sẽ xây dựng phương án hoạt động của hệ thống kênh phân phối để có hình thức kinh doanh, bán sản phẩm trong tình hình mới, mục tiêu giải phóng nhanh hàng tồn kho. Ngoài ra, Công ty sẽ mở thêm các cửa hàng Việt Tiến House tại một số địa điểm trọng yếu toàn quốc và tiếp tục phát triển thêm các cửa hàng bán thương hiệu giày thể thao Nike tại TP.HCM và các tỉnh thành.
Với thị trường xuất khẩu, VGG sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp đủ nguồn hàng sản xuất cho các đơn vị thành viên trong toàn hệ thống, xây dựng kế hoạch tập trung sản xuất những đơn hàng đã được ký kết với các khách hàng bị lùi tiến độ do dịch bệnh phải ngừng sản xuất. Bên cạnh đó, đơn vị dệt may này sẽ xử lý tồn tại phát sinh với các khách hàng sau mùa dịch…
Dự kiến Nhà máy Bình An sẽ đi vào hoạt động trong năm 2022
Trong năm 2022, VGG dự kiến chi 210 tỷ đồng để đầu tư. Trong đó, 100 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng tại khu công nghiệp Bình An, 70 tỷ đồng tăng thêm vốn góp tại các đơn vị, 30 tỷ đồng xây dựng văn phòng tại Hà Nội, 5 tỷ đồng đầu tư máy móc thiết bị chuyên dùng và 5 tỷ đồng nâng cấp môi trường làm việc.
Vị Tổng Giám đốc cho biết: “Bình An là nhà xưởng chuyên dùng cho vải và chúng tôi đưa nhà xưởng này cho Việt Thái Tech thuê, chúng ta lấy nguồn tiền đó làm ăn tiếp, tài sản chúng ta vẫn còn nguyên. Đây là nhà máy vải xây dựng trên quy mô 700 m2, là nhà máy công nghệ cao in vải kỹ thuật số lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Nhà máy này đã đầu tư căn bản xong rồi và dự kiến năm nay sẽ đi vào hoạt động”.
Điều chỉnh mức cổ tức 2021 xuống còn 12%
Về kế hoạch trả cổ tức, VGG dự kiến chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 12% trong khi kế hoạch đưa ra trước đó là 20%. Với hơn 44.1 triệu cp, dự kiến đơn vị sẽ chi gần 53 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Theo chia sẻ của Chủ tịch Vũ Đức Giang: “Những năm trước chúng tôi có dòng tiền tương đối mạnh, hàng loạt dự án đầu tư của Việt Tiến, đầu tư để tăng tài sản cho cổ đông, hạn chế tối đa vay. Tuy nhiên, vì dịch bệnh 2 năm vừa qua, bối cảnh của mỗi đơn vị khác nhau do dòng hàng khác nhau, chúng ta bị rơi vào thách thức của dòng hàng và phải chịu một áp lực là rơi vào tâm điểm dịch bệnh cho nên Công ty điều chỉnh cổ tức. Tuy nhiên, tôi tin rằng những giải pháp năm nay đề ra sẽ có con số hiệu quả hơn, khả quan hơn”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận