Cập nhật KQKD năm 2023: 4 doanh nghiệp đầu tiên báo lỗ
Mùa công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2023 chính thức bắt đầu khi một số doanh nghiệp vừa và nhỏ trên 3 sàn công bố báo cáo tài chính. Tuy nhiên, phần nhiều trong số này chứng kiến lợi nhuận sa sút, thậm chí báo lỗ.
1. MHL - Doanh nghiệp đầu tiên báo lỗ
CTCP Minh Hữu Liên (Mã MHL - HNX) trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên mở màn mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2023.
Trong quý cuối năm, công ty ghi nhận tình trạng "trắng doanh thu"; lỗ sau thuế 90 triệu đồng (toàn bộ là khoản chịu lỗ chi phí quản lý doanh nghiệp). Cùng kỳ năm trước, MHL đạt doanh thu 21,6 tỷ đồng và lãi ròng hơn 1 tỷ.
Năm 2023, Minh Hữu Liên đạt 32,1 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm tới 92,2% so với năm trước đó; lỗ ròng ở mức 22,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 21,2 tỷ đồng.
Đến cuối năm, công ty chuyển trạng thái sang lỗ lũy kế 19,9 tỷ đồng. Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả phình to lên mức 176,3 tỷ - gấp 5 lần vốn chủ sở hữu trong đó vay nợ tài chính ở mức gần 100 tỷ đồng.
2. DIC - Hiện hữu năm thua lỗ thứ 4 liên tiếp
CTCP Đầu tư và Thương mại DIC (Mã DIC - UPCoM), doanh nghiệp có liên quan đến DIC Corp (Mã DIG) công bố kết quả kinh doanh quý III niên độ tài chính từ 1/4/2023-31/3/2024.
Trong kỳ, DIC ghi nhận doanh thu 164 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 16,2 tỷ - giảm so với mức lỗ 23,2 tỷ đồng cùng kỳ niên độ trước. Như vậy, sau quý lãi 27,2 tỷ đồng ngay trước đó, DIC một lần nữa báo lỗ trở lại (quý lỗ thứ 6/7 quý gần nhất).
Lũy kế 9 tháng, công ty họ DIC Corp đạt doanh thu 1.052 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ vỏn vẹn 120 triệu đồng. Chi phí hoạt động tăng bào mòn toàn bộ lợi nhuận gộp dẫn đến lỗ sau thuế cả năm ở mức 11,6 tỷ đồng - giảm gần 83% YoY.
Tại thời điểm 31/12/2023, lỗ lũy kế của Thương mại DIC tăng lên mức 332 tỷ đồng, vốn chủ âm 63,5 tỷ. Nợ phải trả tăng thêm lên mức 1.345 tỷ đồng (bao gồm hơn 740 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn).
Nếu tình hình không được cải thiện theo hướng tích cực trong quý IV tới đây, không ngoại trừ khả năng doanh nghiệp này sẽ báo lỗ năm thứ 4 liên tiếp.
3. GGG - Lỗ năm thứ 12
CTCP Ô tô Giải Phóng (Mã GGG - UPCoM) công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 với khoản lỗ sau thuế 4,5 tỷ đồng qua đó nâng mức lỗ cả năm lên 15,4 tỷ. Trong cùng thời điểm, công ty đạt doanh thu lần lượt 1,6 tỷ đồng và 2,4 tỷ đồng.
Tạm tính, đây đã là năm thua lỗ thứ 12 liên tiếp của GGG kể từ 2011. Thời điểm cuối năm 2023, công ty đang lỗ lũy kế 326 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 31,3 tỷ.
4. Vicem - Lỗ trước thuế hơn 500 tỷ đồng
Ngày 8/1, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Viecm) đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023. Tại hội nghị, Vicem thông tin doanh thu và lợi nhuận năm 2023 của VICEM không đạt kế hoạch năm và giảm so với thực hiện năm 2022.
Cụ thể, tổng doanh thu năm 2023 chỉ đạt 30.169 tỷ đồng - tương đương 86,1% kế hoạch và giảm 23,3% so với thực hiện năm 2022; lỗ trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá) hơn 502 tỷ đồng - giảm 1.978 tỷ đồng so với thực hiện năm 2022.
Lý giải về sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, 2023 là giai đoạn khó khăn với các doanh nghiệp ngành xi măng do tác động của sự suy giảm nhu cầu xây dựng toàn cầu, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục khiến nhu cầu tiêu thụ xi măng thấp dẫn đến sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker của toàn VICEM sụt giảm làm tăng chi phí cố định trên tấn sản phẩm; giá thu về xi măng, clinker giảm.
Ngoài ra, giá một số nguyên, nhiên vật liệu dầu vào cho sản xuất xi măng vẫn ở mức cao, xu hướng dịch chuyển nhu cầu từ xi măng bao sang xi măng rời tiếp tục tăng trong khi công ty chủ yếu vẫn là xuất xi măng đóng bao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường