Cẩn trọng với sóng cổ phiếu thép
Những kết quả đạt được cùng kế hoạch kinh doanh thận trọng cho thấy dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp thép đang dần trở nên khó khăn và khả năng bứt phá của cổ phiếu thép là không nhiều. Cho nên, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng trước "con sóng" của nhóm ngành này.
Thị trường chứng khoán tuần này chứng kiến sự khởi sắc rõ rệt của cổ phiếu nhóm thép. Cụ thể tại phiên chiều 8/3, với sự bật lên mạnh mẽ, loạt cổ phiếu thép đã bất ngờ “đổi màu” từ đỏ sang xanh trong sự ngỡ ngàng. Đóng cửa, cổ phiếu HPG (Hòa Phát) tăng 0,5% lên 21.200 đồng/cp; cổ phiếu HSG (Hoa Sen) tăng 0,9% lên 16.250 đồng/cp; cổ phiếu NKG tăng 1,2% lên 16.700 đồng/cp; cổ phiếu SMC (Đầu tư thương mại SMC) tăng 1% lên 10.450 đồng/cp; cổ phiếu TLH tăng 0,1% lên 7.210 đồng/cp…
Trước đó, trong phiên 7/3, nhóm cổ phiếu thép cũng bất ngờ giao dịch sôi động trở lại khi hút tiền khá mạnh. Đáng chú ý, bộ 3 HPG, HSG và NKG lọt top các cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh cũng như giá trị giao dịch lớn nhất sàn HoSE. Xét riêng về khối lượng giao dịch, các cổ phiếu này đều khớp lệnh trên 24 triệu đơn vị, cách biệt khá nhiều so với những cái tên xếp sau như SSI (Chứng khoán SSI), NVL (Novaland), HQC (Địa ốc Hoàng Quân), VND (VNDirect), VPB (VPBank), DXG (Đất Xanh)...
Không chỉ vậy, lượng tiền đổ vào bộ ba trên còn vượt xa so với mức bình quân 20 phiên (1 tháng) của chính các cổ phiếu này. Và so với đáy, HPG đã tăng hơn 70%, trong khi HSG và NKG đều tăng bằng lần. Riêng NKG còn leo lên mức cao nhất trong vòng hơn 4 tháng kể từ cuối tháng 10 năm ngoái.
Phiên bùng nổ này của nhóm thép dường như là điều tất nhiên, bởi lẽ trước đó, giới phân tích đã đưa ra nhận định nhóm cổ phiếu này sẽ "nương theo" sóng hồi của nhóm cổ phiếu bất động sản sau khi thị trường đón nhận thông tin Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực hôm 5/3 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu nhóm thép vẫn đang được kỳ vọng tích cực trở lại nhờ giá thép liên tục được điều chỉnh tăng. Dù hiện tại, đà tăng đã có phần chững lại nhưng vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng nhờ nhu cầu được hỗ trợ bởi thị trường Trung Quốc phục hồi và mục tiêu giải ngân đầu tư công trong nước dự kiến tăng 20-25%.
Theo quan sát, từ ngày 15/11/2022 đến ngày 3/2/2023, chỉ số VN-Index đã tăng 18,1%. Theo đó, nhóm cổ phiếu thép trên thị trường cũng sớm tạo đáy từ giữa tháng 11 và hồi phục mạnh mẽ. Sau khoảng hơn 2 tháng, phần lớn cổ phiếu nhóm thép đều đã tăng hàng chục %. Dù vậy, nhóm này sau đó đã có dấu hiệu chững lại cho tới phiên bùng nổ 7/3 vừa qua.
Còn đó những nỗi lo
Trước những tín hiệu tích cực, nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp thép đã đưa ra góc nhìn lạc quan hơn về triển vọng ngành, đồng thời nhận định khó khăn nhất đã qua đi. Dù vậy, những con số mới đây cho thấy, tình hình có vẻ vẫn chưa thực sự khả quan cho lắm.
Theo báo cáo sản xuất trong tháng 2, sản lượng bán hàng các loại thép của Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 1 trước đó, sản lượng bán hàng của Hòa Phát đã chạm đáy thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Lũy kế 2 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất thép thô của tập đoàn đạt 809.000 tấn, giảm 42% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép tấm cuộn cán nóng (HRC) và phôi thép đạt 877.000 tấn, giảm 34% so với giai đoạn cùng kỳ.
Theo Chứng khoán KB (KBSV), từ đầu năm đến nay, giá bán thép mặc dù tăng nhưng không giúp Hòa Phát cải thiện biên lãi gộp, thậm chí còn suy giảm. Đồng thời dự phóng sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát trong quý I/2023 sẽ đạt 1,45 triệu tấn, giảm 42% so với cùng kỳ. Doanh thu dự phóng giảm 44% so với cùng kỳ, còn 24.588 tỷ đồng. Biên lợi nhuận thấp, đạt 3% so với 23% cùng kỳ năm trước.
“Hòa Phát chưa thể thoát cảnh thua lỗ với lợi nhuận sau thuế dự phóng âm 130 tỷ đồng, giảm 102% so với cùng kỳ”, KBSV dự báo.
Tương tự, VNDirect cũng cho rằng lợi nhuận ròng của Hòa Phát vẫn sẽ âm trong quý I/2023 và cải thiện trong quý III/2023.
Nhìn xa hơn, VNDirect nhận định, nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong năm 2023. Vì vậy, dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, song dự báo tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam trong năm 2023 sẽ giảm 9,2% so với cùng kỳ, xuống mức 9,5 triệu tấn.
Mặt khác, các doanh nghiệp ngành thép vẫn đưa ra kế hoạch thận trọng trong năm 2023 cho thấy vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn. Điều này cũng thể hiện quan điểm về triển vọng thị trường thép trong năm nay.
Đơn cử, Hòa Phát đã công bố kế hoạch cho năm 2023 với doanh thu tăng trưởng 6% và lợi nhuận ròng giảm 5%. “Kế hoạch kinh doanh năm 2023 đã được lập trên cơ sở thận trọng của ban lãnh đạo công ty, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào biến động và nhu cầu thép yếu như hiện nay”, VNDirect đánh giá.
Hơn nữa, việc Hòa Phát vẫn chưa vận hành lại tất cả các lò cao cho thấy khả năng cao sản lượng năm 2023 của doanh nghiệp có thể sẽ thấp hơn so với cùng kỳ.
Thậm chí, Hoa Sen còn lên 2 kịch bản kế hoạch kinh doanh cho niên độ 2022/23. Trong kịch bản thận trọng, doanh nghiệp ước tính đạt sản lượng thành phẩm đạt 1,4 triệu tấn, theo đó chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ sẽ là 1,52 triệu tấn, giảm 16% so với thực hiện năm ngoái. Doanh thu kế hoạch là 34.000 tỷ đồng, giảm 32%. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 100 tỷ đồng, “đi lùi” 60% so với niên độ trước.
Tóm lại, những kết quả đạt được cùng kế hoạch kinh doanh thận trọng cho thấy dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp thép đang dần trở nên khó khăn và khả năng bứt phá của cổ phiếu thép là không nhiều. Cho nên, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng trước "con sóng" của nhóm ngành này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận