Bút bi Thiên Long vẽ lại tăng trưởng
Đứt đoạn tăng trưởng năm 2020 do COVID-19, Thiên Long được dự báo tăng trưởng trở lại vào năm 2021.
Có thời điểm tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (TLG) gặp khó khăn, thay đổi ban lãnh đạo... khiến nhiều cổ đông lo lắng. Tuy nhiên, Công ty lại có sự tăng trưởng đều hằng năm và luôn được đánh giá tốt trên thị trường.
Trong giai đoạn 2016-2019, Thiên Long luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Ở giai đoạn này, Công ty đạt mức tăng trưởng bình quân gần 14,6% về doanh thu thuần và 17% về lợi nhuận sau thuế. Tính đến năm 2019, doanh thu từ bút viết và dụng cụ văn phòng vẫn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu doanh thu của Thiên Long.
Năm 2020, dưới sự tác động của đại dịch COVID-19, Công ty đã bị gián đoạn mạch tăng trưởng khi doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm. Cụ thể, năm 2020 Thiên Long thu về hơn 2.684,5 tỉ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế hơn 239,8 tỉ đồng, giảm lần lượt 17,5% và 31,3% so với năm 2019.
Theo giải trình kết quả kinh doanh, năm 2020 thị trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2020, dẫn đến hoạt động vận hành, kinh doanh của Thiên Long cũng bị tác động. Mặc dù vậy, trong năm này, Công ty vẫn duy trì được mức biên lợi nhuận cao ở mức 38,4%, cao hơn cả mức trung bình trong giai đoạn 2016-2019. Đại diện Thiên Long cho biết, kết quả này đạt được nhờ việc thay đổi cơ cấu phân phối hàng đối với các sản phẩm có biên lợi nhuận thấp. Đồng thời, trong năm 2020 các chi phí trong kỳ đều đồng loạt giảm nhờ vào việc Thiên Long dành nhiều ngân sách hỗ trợ bán hàng, truyền thông, song song đó là cải tổ bộ máy hoạt động hiệu quả và tinh gọn hơn.
Bước sang năm 2021, một lần nữa “kỳ nghỉ lịch sử” của học sinh, sinh viên tái diễn khi COVID-19 bùng phát trong cộng đồng khiến cho chính quyền các tỉnh/thành phố (trong đó có Hà Nội và TP.HCM) cho phép học sinh học trực tuyến tại nhà từ 1-2 tuần và bắt đầu trở lại từ ngày 1.3.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) kỳ vọng tác động của việc COVID-19 tái bùng phát tại Việt Nam vào đầu năm 2021 sẽ ít trầm trọng hơn so với trong nửa đầu năm 2020. Cụ thể là thời gian đóng cửa trường học ngắn hơn, các biện pháp giãn cách chặt chẽ chỉ áp dụng cho một số vùng có rủi ro cao thay vì trên toàn quốc và sự chuẩn bị tốt hơn từ Chính phủ và cộng đồng. Dựa trên kỳ vọng này, VCSC dự báo doanh số bán hàng của tất cả các sản phẩm sẽ phục hồi trong năm 2021 so với mức thấp của năm 2020.
Ngoài ra, VCSC cho rằng Thiên Long còn có nhiều lợi thế cạnh tranh tiêu biểu như danh mục sản phẩm đa dạng, mạng lưới phân phối rộng khắp và hoạt động R&D sản phẩm mới liên tục sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng dài hạn của Công ty.
Năm 2020, do cuộc khủng hoảng giá dầu khiến giá nhựa đầu vào thấp, từ đó hỗ trợ biên lợi nhuận gộp của Thiên Long. Dẫu vậy, biên lợi nhuận trong năm 2021 được dự báo giảm so với năm trước do giá nhựa đầu vào đã tăng trở lại kể từ cuối năm 2020.
Trên cơ sở đó, VCSC dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng của Thiên Long ở mức 3.200 tỉ đồng và 316 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 20,3% và 32% so với năm 2020. Như vậy, nếu dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ cùng sự lạc quan về vaccine, kỳ vọng Thiên Long có thể vẽ lại mạch tăng trưởng kể từ năm 2021 này. Trong sự kiện bắt tay với FPT để “số hóa”, ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thiên Long, cho biết, tập đoàn này đặt mục tiêu doanh thu 10.000 tỉ đồng trong vòng 5 năm tới.
Một câu nói nổi tiếng của huyền thoại đầu tư Warren Buffett: “Nếu hoạt động kinh doanh tốt, cổ phiếu cuối cùng sẽ theo sau”. Do vậy, khi kết quả kinh doanh của Thiên Long được dự báo hồi phục cũng đi kèm với sự hấp dẫn của cổ phiếu theo giới phân tích.
Cụ thể, định giá của cổ phiếu TLG vẫn hấp dẫn tại P/E năm 2021 là 10,9 lần so với mức trung bình 12 tháng của trung vị P/E trượt của các công ty cùng ngành trên toàn cầu là 14,5 lần. VCSC cũng dự báo tăng trưởng EPS năm 2021 của TLG là 32% so với năm 2020.
Nhìn lại thời hoàng kim của cổ phiếu TLG, niêm yết trên sàn từ tháng 3.2010, đến nay, cổ phiếu TLG đã có hơn 10 năm được giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngay những ngày đầu mới chào sàn, TLG trở thành con cưng của nhiều nhà đầu tư khi cổ phiếu ở trong một chuỗi tăng giá kéo dài đến tận tháng 7.2017. Thời điểm ấy, đã có lúc giá cổ phiếu TLG đạt mức 68.300 đồng/cổ phiếu, tức gấp hơn 10 lần giá chào sàn.
Tuy nhiên, sau khi lập đỉnh vào năm 2017, cổ phiếu TLG đã lao vào xu hướng giảm giá và chính thức xác lập vùng đáy quanh khu vực giá 24.300 đồng/cổ phiếu vào tháng 3.2020. Kết thúc phiên giao dịch 3.3.2021, cổ phiếu TLG đóng cửa ở mức giá 39.700 đồng/cổ phiếu, tăng 63,3% so với vùng đáy hồi tháng 3.2020. Với mức tăng này, có thể thấy TLG chưa phải là một cổ phiếu tăng nóng, bởi đà tăng này chỉ tương đương với mức tăng của chỉ số chung VN-Index.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận