Bóc tách lý do loạt doanh nghiệp thép nói “không” với cổ tức năm 2022
Trong khi "ông lớn" Hòa Phát dành toàn bộ lợi nhuận để đầu tư thì nhiều các doanh nghiệp thép khác giữ lại tiền để đảm bảo nguồn vốn hoạt động trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều yếu tố bất định khó lường.
Hòa Phát muốn giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư
Lâu nay trong đầu tư chứng khoán, nhiều nhà đầu tư có "khẩu vị" tìm kiếm các doanh nghiệp cơ bản, cổ phiếu phòng thủ, kinh doanh tốt và trả cổ tức ổn định. Cổ tức mỗi năm 10-20% cho một mã cổ phiếu có lợi nhuận vài trăm tỉ đồng, thị giá dao động 10.000 đồng đến dưới 30.000 đồng được xem như nơi trú ẩn dòng tiền, giá trị thu về cao hơn lãi suất gửi ngân hàng.
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty cổ phần sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính. Khi công ty tạo ra lợi nhuận, một phần lợi nhuận được tái đầu tư, một phần trích lập quỹ dự phòng, phần còn lại chi trả cổ tức cho cổ đông.
Với ngành thép, kết quả kinh doanh năm 2022 giảm sâu và dự báo 2023 chưa thể khởi sắc nên nhiều doanh nghiệp đã đề xuất không chia cổ tức năm 2022 với những lý do khác nhau.
Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), "người anh cả" của ngành thép, có kế hoạch không chia cổ tức năm 2022, dù có lãi lên tới 8.444 tỉ đồng. Thông tin này đã khiến các cổ đông vô cùng sửng sốt vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử cổ đông tập đoàn Hòa Phát không chia cổ tức.
Thông tin này là bất thường cho cổ đông khi doanh nghiệp này luôn có truyền thống chia cổ tức bằng tiền mặt 3 năm qua, cùng với tỉ lệ cổ tức bằng cổ phiếu rất cao. Kể cả năm ngoái, khi Hòa Phát dồn lực vào cho các dự án, tập đoàn này vẫn chia cổ tức tiền mặt 5%
Lý giải về vấn đề này, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát không chia cổ tức vì muốn dồn toàn bộ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ tại cuộc họp thường niên 2023, ông Trần Đình Long lý giải nhu cầu vốn trong năm 2023 của tập đoàn rất lớn. Tổng đầu tư giai đoạn 2 cho Dung Quất chỉ riêng tài sản cố định đến nay đã là 75.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 3,26 tỉ USD.
"Một dự án này bằng 1.000 dự án vừa và nhỏ, bằng 100 dự án lớn khác. Hòa Phát tự lực, không có sự hỗ trợ từ tập đoàn nước ngoài nên cần rất nhiều vốn. Việc trả cổ tức bằng tiền mặt là không hợp lý và không có nguồn để làm điều đó", ông Long khẳng định.
Nhiều doanh nghiệp không có dòng tiền trả cổ tức
Năm 2022 vừa qua, khó khăn của thị trường bất động sản ảnh hưởng nhiều tới dòng tiền của các doanh nghiệp thép. Chính vì thế, lên kế hoạch không chia cổ tức năm 2022 là một phương án chủ động.
Theo đó, với việc thua lỗ kỷ lục trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp ngành thép lớn như Nam Kim, SMC, Thép Tiến Lên, Tổng Công ty Thép Việt Nam… đã đề xuất không chia cổ tức cho năm vừa qua.
Cụ thể, Nam Kim cho rằng thị trường năm 2023 sẽ chưa thực sự thuận lợi để tăng trưởng nhưng những gì khó khăn nhất đã qua. Tuy nhiên, với khoảng lỗ kỷ lục 125 tỉ đồng trong năm 2022, Thép Nam Kim đề xuất không thực hiện chi trả cổ tức cho năm vừa qua.
Được biết, kế hoạch năm ngoái tỉ lệ cổ tức tối đa là 10% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu. Đối với năm 2023, Nam Kim đề xuất cổ đông ủy quyền để xem xét quyết định với tỉ lệ phù hợp. Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ sẽ bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của công ty.
Tương tự, SMC lên kế hoạch cổ tức 10% cho năm 2022 nhưng do kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh không thuận lợi và không đạt kế hoạch đã đề ra, HĐQT SMC quyết định trình cổ đông việc không trả cổ tức năm vừa qua.
Mới đây, SMC vừa bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM nhắc nhở về việc chậm công bố thông tin Nghị quyết HĐQT thông qua hợp đồng, giao dịch với bên liên quan.
“CTCP Đầu tư Thương mại SMC đã chậm công bố thông tin và nhắc nhở đề nghị nghiêm túc tuân thủ các quy định trên thị trường chứng khoán”, HoSE nhấn mạnh.
Trái ngược với các doanh nghiệp trên, Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ dự kiến thực hiện chi trả cổ tức niên độ 2021-2022 bằng cổ phiếu với tỉ lệ 3%, nguồn chi được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Theo đó, với 598 triệu cổ phiếu HSG đang lưu hành, Hoa Sen sẽ cần phát hành 17,94 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho năm vừa qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận