Bộ trưởng bất ngờ khi thu nhập của người trồng điều thấp hơn trồng lúa
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói "rất bất ngờ" khi đến thăm một vườn điều và thấy thu nhập bà con trồng điều chỉ 40 triệu/năm - thấp hơn bà con trồng lúa ở ĐBSCL.
Đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8, đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) cho biết, trồng và sản xuất hạt điều là một trong những mặt hàng nông nghiệp chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên thời gian qua, vị trí ngành điều của nước ta đang bị lung lay trên thị trường thế giới…
Nữ đại biểu chia sẻ, các doanh nghiệp trồng và sản xuất điều lớn trong nước hiện đang có xu hướng tăng nhập khẩu. Vị trí dẫn đầu trong ngành điều của nước ta trên thế giới, cũng như thương hiệu điều Việt Nam đang bị ảnh hưởng. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan về trách nhiệm và giải pháp cho thực trạng này.
Nhắc đến mong muốn Bình Phước là thủ phủ của điều và Việt Nam sẽ đứng đầu thế giới về điều, nhưng nay, Bộ trưởng Hoan nói mọi chuyện đã thay đổi.
Ông cho biết trước kia ta nhập điều thô từ các quốc gia Tây Phi, nhưng các quốc gia bắt đầu tăng cường chế biến, hạn chế xuất khẩu điều thô. Còn ở Việt Nam, điều sản xuất trong nước để chế biến, xuất khẩu chỉ khoảng 20-30%.
“Chúng ta phải tái cấu trúc ngành hàng điều, từ chuỗi người nông dân trồng điều đến các hiệp hội phải ngồi lại với nhau”, ông Hoan nói.
Ông cho hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang thí điểm trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều ở Bình Phước, nghĩa là một mảnh đất tích hợp đa giá trị, chỉ khi ấy người nông dân mới có thể giữ cây điều.
Vấn đề liên quan tới thu nhập của người dân sống dưới tán rừng, ông Hoan cho biết dự kiến tháng 9 trình Thủ tướng Đề án phát triển đa dụng dưới tán rừng, xem điều như một dạng rừng, làm sao tạo sinh kế nhiều hơn. “Chúng ta sẽ làm được nếu chúng ta thích ứng”, Bộ trưởng Hoan cho biết.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có phần giải đáp xoay quanh câu hỏi của ĐBQH Điểu Huỳnh Sang. Theo Bộ trưởng, nhập khẩu điều nhân và điều thô sẽ ảnh hưởng nhất định đến sản xuất trong nước đó là một thực tế.
Tuy nhiên trong kinh tế thị trường thì Nhà nước, doanh nghiệp hay người sản xuất kinh doanh đều phải tuân thủ các quy luật rất khách quan đó là cung cầu, giá trị cạnh tranh và lưu thông tiền tệ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, sản xuất hạt điều trong các hàng xuất khẩu của Việt Nam 74% đem lại từ các doanh nghiệp FDI và hầu hết các nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất FDI này thì cũng đều là nhập khẩu.
"Cho nên tương tự như vậy, có phải nhập khẩu hạt điều để duy trì được ngành chế biến hạt điều, để giữ được thương hiệu, giữ được thị trường cũng là một việc làm phải cân nhắc", Bộ trưởng Diên nói.
Mặt khác Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng chỉ ra rằng, cây điều, hạt điều Việt Nam với sản lượng nhỏ, chất lượng không ổn định cũng gây ra rào cản nhất định cho sản xuất, xuất khẩu, giữ vững thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường.
Nếu như trên diện tích đó mà cây trồng khác hay con vật nuôi khác mà hiệu quả hơn cây điều thì cũng là cái hướng chúng ta cần phải tính.
"Vì vậy, trong thời gian tới thì chúng tôi đề nghị các địa phương có vùng trồng phải quy hoạch lại để có diện tích đủ lớn và áp dụng công nghệ đã có chất lượng sản phẩm ổn định thì có thể xuất khẩu được liên kết sản xuất, chế biến, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu của các thị trường nhập khẩu, áp dụng công nghệ, tiếp tục hỗ trợ thông tin đàm phán mở rộng thị trường", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận