Bộ đôi HPG-HSG bị đè bán mạnh sau phiên tăng bất ngờ nhờ giá thép
Ngay từ đầu phiên sáng 22/8, cổ phiếu HPG (Hòa Phát) và HSG (Hoa Sen Group) đã chìm trong “sắc đỏ” với thanh khoản tăng vọt. Tạm chốt phiên, cổ phiếu HPG và HSG lần lượt giảm về mức 25.900 đồng/cp và 20.900 đồng/cp cùng thanh khoản đều trong Top 10 thị trường.
Trước đó, trong phiên 21/8, bộ đôi này đã tỏ ra khá nhạy với cú bật tăng trở lại của giá thép khi đồng loạt tăng cao nhờ dòng tiền ồ ạt tìm tới.
Giới phân tích nhận định, nếu giá thép tiếp tục duy trì được xu hướng hồi phục, cổ đông ngành thép có thể kỳ vọng vào một nhịp đi lên ngắn hạn. Tuy nhiên, thực tế ngành thép vẫn còn đối mặt với những cơn gió ngược, đặc biệt là những cuộc điều tra chống bán phá giá đang gây “đau đầu” cho doanh nghiệp thép trong nước.
Và đây có lẽ cũng là lý do chính khiến thời gian gần đây, quỹ ngoại liên tục bán ra cổ phiếu HPG và HSG.
Diễn biến cổ phiếu HPG trong phiên sáng 22/8.
Nhóm Quỹ Dragon Capital thông báo đã bán ra 3,17 triệu cổ phiếu HSG trong phiên ngày 16/8. Trong đó, quỹ thành viên DC Developing Markets Strategies Public Limited Company bán ra hơn 2,34 triệu cổ phiếu, Norges Bank bán ra 300 nghìn cổ phiếu, Amersham Industries Limited và Vietnam Enterprise Investments Limited cùng bán ra 250 nghìn cổ phiếu, Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust cũng bán ra 30 nghìn cổ phiếu.
Sau giao dịch, tổng sở hữu của nhóm cổ đông nước ngoài tại Hoa Sen giảm từ gần 50,7 triệu cổ phiếu (tương ứng 8,22% vốn) về còn 47,5 triệu cổ phiếu (tương ứng 7,71% vốn).
Như vậy, trong vòng gần 2 tháng qua (từ ngày 19/6 - 16/8), Dragon Capital đã bán ròng gần 15 triệu cổ phiếu HSG, hạ sở hữu từ hơn 62,47 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10,14%) xuống 47,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,71%).
Nhóm quỹ ngoại bán ra cổ phiếu HSG trong bối cảnh thị giá mã này đã giảm hơn 22% trong vòng gần 2 tháng qua (từ ngày 19/6 - 15/8) trước khi có dấu hiệu tăng trở lại trong vài phiên gần đây. Kết phiên ngày 21/8, thị giá HSG dừng ở 21.050 đồng/cp và ghi nhận có 4 phiên tăng liên tiếp. Tuy nhiên, phiên ngày 21/8 cũng là phiên thứ 10 liên tiếp cổ phiếu HSG bị khối ngoại bán ròng với tổng giá trị bán ròng 264 tỷ đồng (12,8 triệu đơn vị).
Chung cảnh ngộ, cổ phiếu HPG liên tục bị khối ngoại bán ròng. Trong phiên ngày 21/8, cổ phiếu này đã bị khối ngoại xả ròng mạnh nhất cả về khối lượng lẫn giá trị với hơn 157,4 tỷ đồng, tương ứng khoảng 6 triệu đơn vị, đánh dấu phiên thứ 13 liên tiếp bị nhóm nhà đầu tư nước ngoài bán ròng với tổng giá trị lên tới 1.419 tỷ đồng (54,9 triệu đơn vị).
Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán VCBS đánh giá triển vọng cổ phiếu ngành thép không lạc quan như một số nhà đầu tư kỳ vọng. Cổ phiếu ngành thép hiện cho thấy tỷ suất lợi nhuận đầu tư thấp và có sự phân hóa cao.
Đối với cổ phiếu HPG, VCBS cho rằng, biên lợi nhuận có thể gặp áp lực điều chỉnh trong quý III/2024 mặc dù đầu vào giảm do gia tăng chi phí trích lập đối với hàng tồn kho; đồng thời, sản lượng tiêu thụ thép tấm cuộn cán nóng (HRC) dự kiến khó khăn hơn trước các chính sách bảo hộ từ thị trường xuất khẩu.
Trong dài hạn, cơ hội tới từ đại dự án Dung Quất 2 khi chính thức đi vào hoạt động vào năm 2025 có thể giúp sản lượng HRC của Hòa Phát tăng cao nhưng khả năng tiêu thụ được hàng còn phụ thuộc rất lớn vào chính sách bảo hộ chống bán phá giá với HRC Trung Quốc.
VCBS cho rằng, với quan điểm giá thép duy trì mặt bằng giá thấp, lợi nhuận dự phóng cho năm 2024 đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Với mức ROE dự phóng cho năm 2024 là 13%, mức P/B 1.53 lần hiện tại cho thấy định giá không hấp dẫn so với quá khứ.
Tương tự, với HSG, VCBS nhận định biên lợi nhuận của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng do biên lợi nhuân của ngành trong quý III và quý IV/2024 sẽ thu hẹp lại trong bối cảnh giá thép xuất khẩu đã điều chỉnh. Rủi ro lớn tới từ lượng hàng tồn kho lớn HSG tích trữ trong quý I/2024 có thể bị trích lập dự phòng giảm giá.
Theo VCBS, những kỳ vọng về sự phục hồi đã phản ánh đáng kể vào giá cổ phiếu HSG trong bối cảnh lợi nhuận chưa phục hồi tương xứng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận