"Bị mất" hơn 1.100 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Quyết và vợ còn sở hữu những tài sản nào?
Kể từ khi bị bắt tạm giam, khối tài sản trên sàn chứng khoán của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã liên tục giảm mạnh tới cả nghìn tỷ đồng.
Ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) phát đi thông tin cho biết tiến hành điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết. Đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan.
Để phục vụ quá trình điều tra vụ án này, mới đây Bộ Công an đã có đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp) đối với tài sản là bất động sản, cổ phần, vốn góp, cổ phiếu... của vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết - bà Lê Thị Ngọc Diệp, cùng 2 em gái là Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế.
Tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng kể từ ngày bị tạm giam
Dù đã bị bắt tạm giam và rời vị trí Chủ tịch Tập đoàn FLC, nhưng đến nay ông Trịnh Văn Quyết vẫn là cổ đông cá nhân lớn nhất tại tập đoàn này với hơn 215,4 triệu cổ phiếu nắm giữ, tương đương 30,34% vốn tập đoàn FLC.
Với thị giá cổ phiếu FLC kết thúc phiên giao dịch ngày 18/4 ở mức 7.680 đồng/cổ phiếu, lượng cổ phiếu do ông Quyết nắm giữ có giá trị vào khoảng 1.654 tỷ đồng.
Bên cạnh lượng lớn cổ phiếu nắm giữ tại FLC, vị doanh nhân quê Vĩnh Phúc cũng là cổ đông lớn nhất tại Công ty CP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (GAB) với 7,6 triệu cổ phiếu nắm giữ, chiếm 51,09% vốn điều lệ doanh nghiệp. Với thị giá 196.400 đồng/cổ phiếu, lượng cổ phiếu GAB do cá nhân ông Quyết nắm giữ có giá thị trường gần 1.500 tỷ đồng. Kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, GAB là mã cổ phiếu duy nhất vẫn giữ giá khi không có phát sinh giao dịch nào trong suốt thời gian qua.
Tại Công ty CP Chứng khoán BOS (ART), cá nhân ông Quyết đang nắm giữ hơn 3,1 triệu cổ phiếu, tương đương 3,26% vốn doanh nghiệp. Tạm tính theo giá thị trường của cổ phiếu ART ngày 18/4 là 6.100 đồng/cổ phiếu, lượng cổ phiếu này đóng góp khoảng 19,2 tỷ đồng vào tổng tài sản của ông Quyết. Tại FLC Faros, ông Quyết chỉ còn nắm giữ khoảng 23,7 triệu cổ phiếu ROS (4,18%) và có giá thị trường khoảng 110 tỷ đồng.
Như vậy, tổng giá trị lượng cổ phiếu ông Quyết nắm giữ tại các doanh nghiệp niêm yết đến ngày 18/4 là trên 3.279 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường, kể từ ngày bị bắt tạm giam (29/3) đến ngày 15/4, khối tài sản trên sàn chứng khoán của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã giảm tới hơn 1.165 tỷ đồng cùng đà giảm của các cổ phiếu đang nắm giữ.
Bên cạnh khối tài sản hơn 3.279 tỷ đồng nắm giữ ở các doanh nghiệp niêm yết, ông Trịnh Văn Quyết còn sở hữu khối tài sản lớn hơn ở những doanh nghiệp chưa niêm yết.
Trong đó, giá trị nhất là số cổ phần nắm giữ tại Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Theo báo cáo công bố hồi tháng 6/2021 để xin cấp phép bay thẳng đến Mỹ, Bamboo Airways cho biết ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn nhất nắm giữ 56,5% cổ phần của hãng. Đến tháng 9/2021, Bamboo Airways tăng vốn điều lệ từ 16.000 tỷ đồng lên 18.500 tỷ đồng.
Nếu vẫn giữ nguyên tỷ lệ góp vốn, số vốn góp của ông Trịnh Văn Quyết vào hãng bay này sẽ vào khoảng hơn 10.452 tỷ đồng (cho tỷ lệ 56,5% vốn góp). Với định giá 60.000 đồng/cổ phiếu mà lãnh đạo Bamboo Airways kỳ vọng khi IPO, lượng cổ phiếu BAV do ông Quyết nắm giữ có giá trị kỳ vọng khoảng 55.500 tỷ đồng.
Theo Cổng thông tin của Cục đăng ký quốc gia giao dịch đảm bảo - Bộ Tư pháp, trong những năm gần đây ông Trịnh Văn Quyết và vợ là Lê Thị Ngọc Diệp đã mang hàng trăm triệu cổ phiếu BAV thế chấp để vay hàng nghìn tỷ đồng tại các ngân hàng.
Thông tin trong một số hợp đồng tín dụng mà ông Quyết ký với ngân hàng, giá xử lý mỗi cổ phiếu BAV chỉ là 8.500 đồng. Như vậy, định giá ngân hàng dành cho lượng cổ phiếu BAV do ông Quyết nắm giữ là gần 7.900 tỷ đồng.
Ngoài ra, hiện ông Quyết còn đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 52,49% vốn tại Công ty CP Đầu tư Kinh doanh phát triển Bất động sản FLCHomes (vốn điều lệ 4.160 tỷ đồng) tương đương 218,34 triệu đơn vị FHH. Công ty bất động sản này từng có kế hoạch đăng ký giao dịch trên UPCoM vào tháng 12/2019 với giá tham chiếu 35.000 đồng/cổ phiếu. Tính theo mức định giá này, khối tài sản của ông Quyết tại FHH lên tới hơn 7.640 tỷ đồng.
Ngoài lượng lớn tài sản đến từ cổ phiếu nói trên, ông Quyết cùng vợ là bà Lê Thị Ngọc Diệp còn sở hữu 5 căn biệt thự tại Khu đô thị mới Mỹ Đình II (Hà Nội) được định giá hơn 95 tỷ đồng. Số bất động sản này từng được ông dùng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của Tập đoàn FLC được thể hiện trong báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán vào năm 2018.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ Cục đăng ký quốc gia về giao dịch đảm bảo còn cho biết vợ ông Trịnh Văn Quyết là bà Lê Thị Ngọc Diệp còn trực tiếp sở hữu khối tài sản gần 30 tỷ đồng là sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, cả 5 cuốn sổ tiết kiệm đứng tên bà Diệp đã được thế chấp tại ngân hàng từ tháng 9/2016.
Theo Hoàng Nam (Dân Việt)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận