24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Xuân Lộc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bầu Đức và chiến lược đưa Hoàng Anh Gia Lai 'trở lại'

Giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Giao Lai) rủ một số người bạn thân thiết lên Gia Lai "ăn một bữa cơm tất niên với nhau ở đây mới ý nghĩa chứ ở TP.HCM thì quá đơn giản".

Đó là một chuyến đi ngắn nhưng hết sức đặc biệt. Bầu Đức tự lái xe chở chúng tôi vòng vèo suốt 3 - 4 tiếng xuyên qua những cánh đồng chuối mênh mông, gạt chiếc then cửa nặng trịch mở kho lạnh chứa hàng trăm tấn chuối xếp hàng chờ ra cảng; vỗ tay bộp bộp đánh thức lũ heo lười biếng nằm ngủ khi đã ăn no nê... Sau 5 năm "lặn sâu" - như lời ông nói, bầu Đức đang chuẩn bị cho lần "trở lại" mang tính quyết định bởi với ông "HNG (Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai) có thể buông tay nhưng HAG (Tập đoàn HAGL) thì không bao giờ bởi đó chính là tên con gái tôi, làm sao để mất được".

Bầu Đức và chiến lược đưa Hoàng Anh Gia Lai 'trở lại'

Heo ăn chuối của bầu Đức đã trải qua một hành trình thử nghiệm trải dài từ Gia Lai xuống TP.HCM rồi bay ra Hà Nội

"Ăn đi rồi nói chuyện"

Gia Lai những ngày cuối năm thời tiết se lạnh. Bầu Đức vẫn thế, quần jean, áo sơ mi bỏ ngoài phong trần đón chúng tôi ở khách sạn với tâm trạng đầy phấn khích "lên cất đồ 15 phút xuống ăn tối nhé". Ông bảo hôm nay sẽ đãi chúng tôi một bữa tiệc "độc món". Ngay sau đó, 4 mẹt thịt heo được đưa ra với đủ loại, heo luộc, nướng, quay, lòng heo, dồi heo... cùng rất nhiều loại rau ăn kèm theo giới thiệu "được trồng trong Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai". Có thể nói, đó là bữa thịt heo ngon nhất từ trước tới nay với tôi bởi đã hơn 2 năm tôi mới gặp lại bầu Đức, một doanh nhân mà tôi luôn kính trọng và yêu quý. Cũng tính bằng năm, tôi mới gặp lại một số đồng nghiệp dù chúng tôi cùng sống và làm việc ở TP.HCM. Cái lạnh của thời tiết, tâm trạng thả lỏng sau một năm dịch bệnh căng thẳng và không khí khoáng đạt của núi rừng Tây nguyên về đêm... khiến chúng tôi "đánh bay" nửa mẹt thịt heo trong chốc lát. Đến lúc này, bầu Đức mới hỏi "mọi người thấy thịt heo ngon không, có gì khác biệt không". Ai cũng trầm trồ, tán thưởng. Nhưng mẹt thịt heo cứ ngỡ phải cả tiểu đoàn ăn, vèo một cái chỉ còn một nửa (và kết thúc bữa ăn thì cũng gần hết) là câu trả lời rõ ràng và chính xác nhất của khoảng hơn 10 thực khách. Dù ăn với tốc độ chóng mặt, mọi người đều có chung cảm nhận: Heo thơm thịt, độ dẻo vừa phải, thớ thịt trong, không đục như thịt heo thường ăn, phần mỡ giòn không ngán... Đến lúc này bầu Đức mới tiết lộ, đó chính là heo ăn chuối do Tập đoàn HAGL nuôi sau khi thí điểm thành công đầu năm 2021. "Bữa hôm nay có thể là buổi thử nghiệm cuối cùng trước khi tôi chính thức công bố và đưa sản phẩm heo ăn chuối của HAGL ra thị trường vào tháng 3 tới" - bầu Đức nói.

"Buổi thử nghiệm cuối cùng" - là bởi trước đó, heo ăn chuối của bầu Đức đã trải qua một hành trình thử nghiệm trải dài từ Gia Lai xuống TP.HCM rồi bay ra Hà Nội cũng với kịch bản tương tự: Chủ nhân của sản phẩm này chỉ ngồi dự như một thành viên của bữa tiệc chứ không lộ diện để nghe những lời khen, chê thật tâm từ thực khách. Nói theo đúng phong cách của bầu Đức là "ăn đi rồi nói chuyện". Người đầu tiên ông đưa thịt heo chế biến, ăn thử là cô Ba Thương, nấu ăn bếp Học viện Bóng đá HAGL đã hơn 20 năm. "Tôi hỏi sao cô Ba. Bả nói, heo ngon quá. Nấu nước rất trong, thịt thơm, nạc nhiều. Tôi lại bảo, cô nói con nghe, nó cách biệt với heo bình thường bao nhiêu. Bà nói 7/10. Mình nghe mà sướng. Bà là người nấu ăn mấy chục năm, có kinh nghiệm mà nhận xét thế thì chính xác quá đi còn gì" - bầu Đức cười sảng khoái. Nhưng ngẫm lại, ông vẫn chưa thỏa lòng vì dù sao cô Ba Thương cũng là "người nhà". Thế là bầu Đức quyết định đưa heo ăn chuối xuống TP.HCM. Ông chủ của một tập đoàn lớn, có thể sẽ là nhà phân phối độc quyền sản phẩm thịt heo của HAGL là người đứng ra tổ chức bữa tiệc tại một khách sạn lớn với hơn 30 doanh nhân. Heo nguyên con được đưa cho đầu bếp của khách sạn chế biến. "Đầu bếp bảo, em chưa bao giờ thấy con heo nào thịt ngon thế. Còn tất cả khách mời đều gật đầu công nhận" - bầu Đức kể lại và cho biết, sau khi thưởng thức thịt heo ăn chuối, Ban lãnh đạo của tập đoàn này đã quyết định lên tận nơi tham quan khu chuồng trại chăn nuôi của Tập đoàn để tiến tới hợp tác.

Hành trình thử nghiệm vẫn chưa kết thúc, heo ăn chuối của HAGL tiếp tục ra Hà Nội "diện kiến" ông chủ của tập đoàn nữ trang nổi tiếng Việt Nam, vào tận trường đại học chuyên ngành nông nghiệp... "Mình ăn thấy ngon rồi nhưng nhiều khi cảm nhận của mình không đúng mà phải để người khác nhận xét mới khách quan. Đó là lý do tôi đưa heo ăn chuối đi thử nghiệm ở rất nhiều nơi. Tôi làm liên tục mấy tháng trời, hết cả mấy chục con heo cho việc này. Ai cũng khen ngon, cũng công nhận. Tôi muốn sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường phải bảo đảm uy tín, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... phải người thật việc thật. Mình công bố cái gì, công bố như thế nào thì đến tay người tiêu dùng phải đúng như vậy. Không cần nói thêm mà chỉ cần nói đúng những cái chúng tôi đã và đang làm" - bầu Đức khảng khái và tuyên bố, dù heo ăn chay của HAGL là "độc nhất vô nhị" nhưng ông sẽ bán bằng giá thị trường. "Giữa 2 miếng thịt heo, khách hàng chọn thịt của HAGL là thắng rồi"- ông lại cười sảng khoái, đúng chất bầu Đức.

"Hay là thời của mình tới rồi..."

Đó là lời nói thật lòng của bầu Đức khi thử nghiệm thành công heo ăn chuối. Bầu Đức bảo, dù mới chỉ nuôi heo một năm nhưng ông có thể nói "đến sáng" về heo vì đã "tìm hiểu rất kỹ, đi rất sâu". Dù vậy, việc HAGL "đến" với heo, nhất là heo ăn chuối đều là cái duyên. Theo lời kể của bầu Đức, năm 2021 trong lần đi ra Hà Nội, trong câu chuyện trà dư tửu hậu về nhân tình thế thái, một người bạn doanh nhân của ông nói : "Dù HAGL đã có những nốt trầm trên chặng đường phát triển nhưng anh có uy tín cá nhân khắp cả nước mà không có sản phẩm gì thì hơi tiếc. Nhiều doanh nghiệp dư tiền cũng không có được điều đó". Lời nói đó đã thức tỉnh doanh nhân Đoàn Nguyên Đức. Đúng là từ ngày bỏ đồ gỗ cách nay hơn 1 thập kỷ, HAGL chưa có một sản phẩm gì bán tại thị trường nội địa. "Lúc qua sân Emirates (Anh) cũng chỉ mang cái chữ HAGL chạy cho vui chứ có bán gì đâu. Cũng có gì đâu mà bán" - bầu Đức nhớ lại. Đó là năm 2007, trong trận đấu mở màn giải Ngoại hạng Anh trên sân Emirates giữa đội chủ nhà Arsenal và Fulham, dòng chữ “Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Việt Nam” chính thức xuất hiện trên các bảng quảng cáo chạy dọc hết chu vi quanh sân bóng. Với màn trình diễn này, HAGL đã trở thành thương hiệu Đông Nam Á đầu tiên xuất hiện trên bảng quảng cáo ở sân cỏ giải Ngoại hạng Anh, lại là trên sân của đội bóng nổi tiếng Arsenal. Sự kiện này có được là nhờ HAGL đã thành công trong việc ký thỏa thuận với câu lạc bộ bóng đá Arsenal mở học viện bóng đá ở Pleiku và trở thành đối tác chính của câu lạc bộ này trong việc kinh doanh ở khu vực Đông Nam Á trước đó.

"Ngẫm lại đúng là mình chẳng có đồ chơi gì cả. Đấy cũng là lúc tôi nghĩ đến nuôi heo. Mà thị trường này rất lớn, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 8 - 9 tỉ USD cho thịt heo. Thế là tôi bắt tay vào nuôi heo" - bầu Đức kể. Ban đầu HAGL nuôi heo sạch nhưng làm một cách âm thầm, lặng lẽ. Chỉ đến khi thí điểm thành công heo ăn chuối, bầu Đức mới "hân hoan" công bố. Bởi với ông bầu nổi tiếng này, phải có gì độc đáo, đặc biệt mới lên tiếng. Và heo ăn chuối của HAGL cũng bắt đầu từ chữ duyên. Một người bạn của bầu Đức là kỹ sư nông nghiệp bảo ông, chuối hội tụ đầy đủ các chất rất tốt như tinh bột, kali, vi lượng...Thế nên số chuối loại không xuất khẩu (50%, tương đương 200.000 tấn), thay vì vứt bỏ hãy phơi khô, xay thành bột cho heo ăn. Bán tín bán nghi nhưng nghĩ ngày xưa ông bà thường lấy thân chuối thái nhỏ cho heo ăn còn được, huống hồ chi chuối quả. Thế là bầu Đức và các kỹ sư chăn nuôi, nông nghiệp bắt tay vào thí nghiệm. "Chúng tôi tự trộn thức ăn cho heo gồm bột chuối, đậu nành, vitamin và thảo dược (thay thế kháng sinh trong thức ăn công nghiệp). Heo nái thì ăn chuối chín để có sữa nhiều; heo thịt thì ăn bột chuối. Làm đi làm lại rất nhiều lần cho đến khi chỉ số FCA (hệ số chuyển đổi thức ăn thành một đơn vị sản phẩm trong ngành chăn nuôi, nghĩa là người chăn nuôi cần tiêu tốn bao nhiêu kg thức ăn để cho ra cho 1 kg tăng trọng lượng ở lợn thịt...) đạt kết quả hết sức bất ngờ mới chốt lại công thức. Cụ thể, nếu chỉ số FCA của nhiều công ty chăn nuôi heo là 2,4 - 2,6 thì heo ăn chuối của HAGL chỉ 2,0 - 2,2. Nghĩa là để có 1kg thịt heo, HAGL tiêu tốn ít thức ăn hơn. "Nói thật khi ra được kết quả đó, nhiều đêm không ngủ được tôi nghĩ, hay thời mình tới rồi. Số thức ăn thì thấp hơn, thịt đưa ra ai cũng khen, trong khi mình còn lời được 150 triệu đồng/ha/năm (chuối loại không xuất khẩu). Vậy thì một mũi tên trúng 2 con chim là thằng nông nghiệp và con heo luôn" - bầu Đức nói.

Ông vẫn thế, thẳng, thật và sảng khoái vô cùng.

(Còn tiếp)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
11.70 +0.05 (+0.43%)
5.20 -0.20 (-3.70%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả