Bánh bao Thọ Phát nâng mạnh vốn điều lệ trước khi bán cho KIDO?
Theo kế hoạch đã được thông qua, CTCP Tập đoàn KIDO (HOSE: KDC) dự kiến sẽ tiến hành mua và nắm quyền chi phối thương hiệu bánh bao nổi tiếng Thọ Phát trong năm 2023. Nhưng khi nhìn vào các thay đổi trong cơ cấu nắm giữ của Thọ Phát, xuất hiện một số điểm đáng chú ý.
Nửa cuối tháng 04/2023, Tập đoàn KIDO công bố kế hoạch hâu tóm thương hiệu bánh bao nổi tiếng Thọ Phát, được chia thành hai giai đoạn. Sau khoảng hơn 1 tháng, đến đầu tháng 6, KIDO công bố đã hoàn tất giai đoạn 1, mua lại 25% cổ phần từ Thọ Phát. Dự kiến, KIDO sẽ nâng sở hữu lên 51% Thọ Phát vào cuối tháng 7, và nâng sở hữu lên hơn 70% trong quý 3/2023.
KIDO cho biết, kế hoạch sẽ sử dụng Thọ Phát kết hợp cùng mảng bánh hiện tại của Tập đoàn, dự kiến mang về doanh thu khoảng 2,000 tỷ đồng và lợi nhuận kế hoạch là 200 tỷ đồng năm 2023.
Nhìn chung, việc thâu tóm Thọ Phát là một nước đi đáng kỳ vọng dành cho KIDO. Tuy vậy khi tìm hiểu sâu hơn về Thọ Phát, có một số điểm cần được ghi nhận.
Nâng vốn điều lệ gấp 36 lần trong 4 tháng?
Theo BCTC quý 2/2023 của KIDO, xuất hiện cái tên mới trong hạng mục công ty liên kết, là CTCP Thọ Phát Quốc Tế với tỷ lệ sở hữu 25%. Như vậy, lượng cổ phần mà KIDO mua từ Thọ Phát chính là từ pháp nhân này.
KIDO mua lại 25% cổ phần từ Thọ Phát Quốc Tế
Được biết, bà Lê Thị Ngọc Mai là Phó Giám đốc công ty Thọ Phát. Bà Vũ Lê Hoàng Trúc từng là đồng sáng lập của trang web chuyên về ẩm thực diadiemanuong.
Thọ Phát Quốc Tế chỉ mới được thành lập vào ngày 23/05/2023, với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm 6 người, trong đó nắm phần lớn là ông Vũ Phước Thọ với 62%, tương đương 62,000 cổ phần. Ông Thọ là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Doanh nghiệp.
Bà Lê Thị Ngọc Mai là cổ đông nắm vốn lớn thứ hai với 31%. Ba cá nhân Vũ Trần Thanh Thảo, Vũ Phước Thắng và Vũ Lê Hoàng Trúc mỗi người nắm 2%. Cá nhân còn lại là Nguyễn Quốc Lâm nắm 1% cổ phần.
Đến ngày 28/06, chỉ sau hơn 1 tháng thành lập, Thọ Phát Quốc Tế tăng vọt vốn điều lệ lên 585 tỷ đồng. Số lượng cổ phần mà các cổ đông sáng lập nắm vẫn giữ nguyên, nhưng tỷ lệ đã thay đổi, khi ông Thọ chỉ còn nắm 0.106%. Tổng cộng, các cổ đông sáng lập chỉ còn nắm giữ 0.17% cổ phần.
Trước khi có Thọ Phát Quốc Tế, thương hiệu bánh bao 36 năm tuổi (ra đời năm 1987) nằm dưới quyền kiểm soát của pháp nhân là Công ty TNHH MTV Chế biến Thực phẩm Thọ Phát (Thọ Phát), được ông Vũ Phước Thọ thành lập từ tháng 09/2011. Năm 2022, Công ty tăng vốn điều lệ từ 9 tỷ đồng lên 18 tỷ đồng, ông Thọ chuyển từ Giám đốc lên thành Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật cho Thọ Phát.
Năm 2023, vốn điều lệ của Thọ Phát đột ngột tăng mạnh.Theo ghi nhận, ngày 27/02, Thọ Phát nâng vốn điều lệ lên gấp ba lần, từ 18 tỷ đồng lên 72 tỷ đồng. Ngày 13/06, số vốn này tiếp tục tăng lên 650 tỷ đồng, toàn bộ đều là vốn tư nhân.
Ngày 26/06, Thọ Phát đăng ký “tách doanh nghiệp”, giảm vốn điều lệ còn 581 tỷ đồng, tức giảm 69 tỷ đồng. Đến ngày 29/06, thông tin về “Chủ doanh nghiệp” ghi nhận cái tên CTCP Thọ Phát Quốc Tế, có cùng địa chỉ trụ sở kinh doanh. Như vậy, có thể hiểu Thọ Phát Quốc Tế đã trở thành công ty mẹ của Thọ Phát, và việc lập ra pháp nhân này có lẽ phục vụ cho việc bán cổ phần cho KIDO (do công ty TNHH MTV không chia nhỏ được cổ phần để bán).
Thọ Phát hiện có hơn 4,000 điểm bán hàng trên các kênh GT, MT và CVS tại Việt Nam. Các dòng sản phẩm của Thọ Phát bao gồm bánh bao (bánh bao ngọt, bánh bao mặn, bánh bao chay, bánh bao không nhân, bánh bao tạo hình…); bánh giò – xôi; bánh nướng – bánh chiên (bánh Dorayaki); dimsum (há cảo, hoành thánh, xíu mại)…
Nhà máy sản xuất Thọ Phát tại TPHCM rộng hơn 22,000 m2 và có công suất 10,000 tấn sản phẩm cung cấp ra thị trường mỗi năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận