Agriseco Research chỉ ra cơ hội đầu tư cổ phiếu nhờ thúc đẩy đầu tư công
Theo Agriseco Research giải ngân đầu tư công được kỳ vọng trở thành trụ cột mới cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới nhờ tính dẫn dắt và lan tỏa trên nhiều nhóm ngành.
Theo báo cáo cập nhật của Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), trong năm 2023 các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu và tiêu dùng có thể chững lại khi kinh tế các nước đối tác suy thoái và tiêu dùng trong nước khó tăng mạnh như năm trước.
Giải ngân đầu tư công được kỳ vọng trở thành trụ cột mới cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới nhờ tính dẫn dắt và lan tỏa trên nhiều nhóm ngành. Với kỳ vọng tiến độ giải ngân sẽ cải thiện mạnh mẽ trong các năm tới, Agriseco Research chỉ ra 4 cổ phiếu tiềm năng được hưởng lợi từ xu hướng này.
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) có thị phần thép xây dựng đứng đầu cả nước (30 - 35% cả nước và 50% tại khu vực phía Nam) với nhiều dự án đang sử dụng thép của Hòa Phát như cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành. Đầu tư công được kỳ vọng là bệ đỡ sản lượng trước khi thị trường xây dựng và bất động sản dân dụng phục hồi.
Theo đó, trong bối cảnh nhu cầu từ ngành xây dựng và bất động sản dân dụng có rủi ro tiếp tục duy trì ở mức thấp, giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các đoạn cao tốc Bắc Nam mới khởi công sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện sản lượng bán hàng trong nửa cuối năm 2022.
Là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực khai thác đá, Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (HOSE: KSB) hiện khai thác tại các mỏ đá tại khu vực Trung Bộ và Nam Bộ. Tại khu vực Nam Bộ, KSB sở hữu 2 mỏ đá tại Bình Dương có trữ lượng khai thác lớn (mỗi mỏ có công suất khai thác trên 1 triệu m3/năm) và mỏ Thiện Tân 7 tại Vĩnh Cửu, Đồng Nai.
Công ty hiện cũng đang nắm giữ 9,5% cổ phần tại Xây dựng và Sản xuất Vật liệu Xây dựng Biên Hòa (VLB), một doanh nghiệp cùng ngành đang khai thác nhiều mỏ đá tại khu vực Đồng Nai với công suất lên tới 4 triệu m3/năm.
Các mỏ đá của KSB nằm ở vị trí tương đối thuận lợi ở khu vực Nam Bộ, giúp giảm chi phí vận chuyển tới công trường xây dựng, nâng cao khả năng cạnh tranh khi tham gia đấu thầu các dự án đầu tư công.
Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV) hiện tại đang quản lý, vận hành khoảng 15 trạm thu phí dịch vụ cùng 25 km hầm đường bộ, hơn 265 km đường cao tốc và quốc lộ.
Là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị Đầu tư – Quản lý vận hành – thi công xây lắp của Tập đoàn Đèo Cả, HHV thừa hưởng lợi thế cạnh tranh đặc biệt khi là một trong số các đơn vị đi đầu có công nghệ làm hầm đường bộ xuyên núi. Điều này cũng giúp HHV có khả năng trúng thầu thêm các dự án hạ tầng giao thông trong các năm kế tiếp. HHV mới đây trúng gói thầu XL-01 đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 3.862 tỷ đồng.
Ngoài ra, HHV hiện đang thi công đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Nghi Sơn – Diễn Châu hay Cầu Mỹ Thuận 2 thuộc dự án thành phần Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1. Các dự án này dự kiến hoàn thành trong nửa cuối năm 2023 và sẽ đem lại doanh thu đáng kể vào mảng xây lắp của HHV.
Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HOSE: VCG) mới đây trúng thầu hai gói thầu đầu tiên tại dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, bao gồm gói thầu 11- XL đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi và XL-02 đoạn Vân Phong – Nha Trang.
Nhóm phân tích kỳ vọng VCG sẽ còn tiếp tục trúng thêm các gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 khi đang tham gia 5 gói thầu thuộc cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 và vẫn bám sát các tiến độ đặt ra.
Bên cạnh mũi nhọn xây lắp, VCG có thể hạch toán một phần doanh thu từ một số dự án BĐS trọng điểm trong năm 2023 gồm dự án Green Diamond tại 93 Láng Hạ và dự án Cái Giá Cát Bà kể từ cuối năm 2022 và trọng tâm trong năm 2023.
Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận