ABBANK đạt 638 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2023
Tính đến hết ngày 30/06/2023, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) ghi nhận tăng trưởng nhẹ quy mô vốn và tổng tài sản.
Cụ thể, tổng tài sản của ABBANK tại thời điểm cuối quý II năm 2023 đạt 154.344 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2022. Cũng trong quý II, ABBANK đã hoàn thành nâng vốn điều lệ lên hơn 10.300 tỷ đồng, thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%.
Huy động từ khách hàng tại ABBANK sau 6 tháng đạt 95.754 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng đến chủ yếu từ phân khúc Khách hàng cá nhân (KHCN), giúp tỷ trọng huy động bán lẻ tăng từ 60% lên 70%. Số lượng KHCN cũng được mở rộng đáng kể, tăng 56% so với cùng kỳ 2022. Theo đó, giá trị giao dịch mỗi tháng của KHCN có sự tăng trưởng bứt phá, đạt mức gần 58.000 tỷ đồng trong tháng 6/2023, tăng trưởng gần 43% so với giá trị giao dịch bình quân trong 3 tháng đầu năm. Số lượng giao dịch của KHCN cũng có sự tăng trưởng tương ứng, đặc biệt các giao dịch trên kênh số tăng trưởng tới 33% so với bình quân 2022. Việc chuyển dịch lên kênh số diễn ra mạnh mẽ tại ABBANK là thành quả của chiến lược “lấy khách hàng làm trọng tâm”, tập trung các giải pháp thiết kế lại trải nghiệm hướng tới khách hàng.
Trong bối cảnh tín dụng toàn ngành tăng trưởng chậm trong nửa đầu năm 2023, dư nợ tín dụng của ABBANK tính đến hết 30/6/2023 đạt 90.374 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022.
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ABBANK cũng tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, đạt 715 tỷ đồng.
Hệ số an toàn vốn (CAR) của ABBANK cuối quý II đạt mức 11,37%, thể hiện khung vốn vững chắc với mức đệm vốn tốt so với yêu cầu tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ở mức 8%, đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ, giải quyết các rủi ro tín dụng và hoạt động.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ABBANK được kiểm soát ở mức 2,86%, đảm bảo tuân thủ quy định của NHNN. Mặc dù nợ xấu của ABBANK có xu hướng tăng theo diễn biến chung của toàn ngành, nhưng các khoản nợ xấu này đều có tài sản đảm bảo.
Trong 6 tháng đầu năm, ABBANK đã trích 815 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Việc tăng nợ xấu dẫn tới phải thoái lãi cho vay và tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ABBANK trong quý II, khiến lợi nhuận trước thuế luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ ghi nhận con số 638 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch năm.
Song song với nhiệm vụ kinh doanh, ABBANK tiếp tục tham gia Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của NHNN quy định về việc hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng trong đại dịch.
Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến nay, ABBANK cũng tích cực thực hiện các đợt cắt giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cung cấp các gói cho vay với lãi suất ưu đãi nhằm chia sẻ khó khăn với tất cả khách hàng, đồng thời tinh gọn, đơn giản hóa thủ tục, quy trình giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng.
Trao đổi với Người Đưa tin, bà Lê Thị Bích Phượng, Quyền Tổng Giám đốc ABBANK nhận định: “ABBANK và nhiều ngân hàng khác hiện đang trong giai đoạn chịu tác động từ khó khăn chung của thị trường, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và tình hình thực hiện kế hoạch năm 2023. ABBANK vẫn sẽ kiên định với con đường và chiến lược đã chọn tập trung thúc đẩy kinh doanh trên cơ sở đánh giá thực tế và quản trị rủi ro hiệu quả, tiếp tục tối ưu hóa chi phí hoạt động của ngân hàng, kiên trì xây dựng nền tảng số hóa và phát triển các giải pháp tài chính đáp ứng được nhu cầu không ngừng thay đổi của khách hàng từ đó từng bước tạo được nền tảng phát triển bền vững.”
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường