9 doanh nghiệp vay gần nửa vốn Sacombank là ai?
Thanh tra Chính phủ cho biết Sacombank đã cho 9 doanh nghiệp vay với dư nợ bằng 48,52% vốn tự có của ngân hàng, lên tới 9.262 tỷ đồng (tính đến thời điểm 31/8/2018). Mục đích các đơn vị này vay vốn là nhận chuyển nhượng và đầu tư cùng một dự án.
Thanh tra Chính phủ vào ngày 15/6/2023 đã có Thông báo Kết luận thanh tra (TBKLTT) trách nhiệm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án xử lý nợ xấu giai đoạn 2013-2017.
Theo đó, TBKLTT chỉ ra Sacombank là 1 trong 5 tổ chức tín dụng (TCTD) có thiếu sót và vi phạm được phát hiện ở các bước của quy trình cấp tín dụng; một số khách hàng chậm trả gốc, lãi, phương án cơ cấu nợ không khả thi nhưng TCTD chưa chuyển nhóm nợ đúng thời điểm quy định.
“Việc cấp tín dụng có những thiếu sót, vi phạm trong việc thẩm định điều kiện vay vốn, giải ngân khi dự án chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý, số liệu báo cáo tài chính sai lệch, không kiểm soát được việc sử dụng vốn thực tế đầu tư vào dự án, dự án chậm triển khai, tiềm ẩn rủi ro”, TBKLTT cho biết.
Cơ quan thanh tra chỉ ra rằng Sacombank tại ngày 31/12/2017 ghi nhận tổng dư nợ tín dụng với 16 khách hàng là 15.372 tỷ đồng, và giảm về còn 15.218 tỷ đồng vào 31/8/2018. Trong đó, Sacombank đã cho 9 doanh nghiệp vay với dư nợ bằng 48,52% vốn tự có của ngân hàng, lên tới 9.262 tỷ đồng (tính đến thời điểm 31/8/2018).
Danh tính 9 doanh nghiệp này là CTCP Him Lam Thủ Đô, CTCP Đầu tư Hồng Bàng, CTCP Đầu tư xây dựng Bảo Lộc, CTCP Đầu tư TMDV Nam Thắng, CTCP Thương mại xây dựng Công Phúc, CTCP Hạ tầng Bảo Tín, CTCP Đầu tư xây dựng Việt Phú Mỹ, CTCP Việt Hà và CTCP Hiệp Ân. Mục đích các đơn vị này vay vốn để nhận chuyển nhượng và đầu tư cùng 1 dự án.
Theo TBKLTT, 9 doanh nghiệp này không có mối quan hệ liên quan theo quy định Luật các Tổ chức tín dụng, không trực tiếp thực hiện dự án, mà vay vốn để chuyển cho bên thứ ba qua hình thức ký hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng các phân khu thuộc dự án. Trong khi đó, ngân hàng chỉ thẩm định năng lực tài chính với khách hàng vay vốn thay vì đơn vị thực hiện dự án. Việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân hàng, do đến thời điểm thanh tra dự án đang gặp nhiều khó khăn về tính pháp lý đất đai, làm tăng chi phí lãi vay, ảnh hưởng chất lượng tín dụng, kết quả kinh doanh của Sacombank.
Kiểm tra hồ sơ vay vốn của 9 khách hàng tại Sacombank, TBKLTT cũng chỉ ra nhiều thiếu sót, vi phạm như: Một số khách hàng cung cấp số liệu BCTC có sự sai lệch giữa số liệu gửi Sacombank và cơ quan thuế; Sacombank chưa kiểm soát chặt chẽ việc một số khách hàng cùng vay vốn tại ngân hàng và các nhà băng khác để giải ngân cho hợp đồng nhận chuyển nhượng phân khu thuộc dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An của Công ty SDI. Ngoài ra, đó còn là rủi ro, bất cập trong xác định tính pháp lý của tài sản đảm bảo dùng thế chấp chung cho khoản vay của 9 khách hàng là toàn bộ các quyền tài sản/lợi ích thu được từ dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An trong điều kiện dự án chưa có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về quyền sở hữu dự án.
Bên cạnh đó, Sacombank cũng thiếu sót trong thẩm định điều kiện cho vay vốn, như phương án vay vốn không đảm bảo khả thi với Công ty TNHH Đầu tư và phát triển bất động sản Office 85; CTCP Đầu tư Long Biên, CTCP Đồng Tâm. Khả năng tài chính để trả nợ của một số khách hàng chưa được đảm bảo, như CTCP Đầu tư và phát triển Bất động sản Dấu ấn Sài Gòn, Công ty TNHH Vina Alliance, Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức.
Sacombank cũng cho Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức vay vốn để mua 62% phần vốn góp tại Công ty TNHH và thế chấp bằng chính phần vốn góp của doanh nghiệp này trong 3 năm. Bản chất việc cấp tín dụng này tương tự việc cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chỉ quy định điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu theo hình thức góp vốn, mua cổ phần của CTCP, chưa quy định đối với việc góp vốn, mua cổ phần của Công ty TNHH.
Thanh tra Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp cơ cấu lại Sacombank sau sáp nhập; điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, giải pháp thuộc thẩm quyền của NHNN hoặc trình cấp thẩm quyền xử lý khó khăn, vướng mắc của Sacombank trong quá trình thực hiện;
Yêu cầu Sacombank có giải pháp, lộ trình khắc phục các vấn đề còn tồn đọng phát hiện qua thanh tra, đảm bảo Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập thực hiện hiệu quả; thực hiện trích lập dự phòng theo đúng quy định pháp luật và hướng dẫn của NHNN đối với khoản nợ xấu chưa đủ điều kiện bán cho VAMC; nghiêm túc thực hiện các kiến nghị theo các KLTT của NHNN theo quy định….
TTCP cũng kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của Sacombank về vi phạm trong việc không giữ hồ sơ gốc tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu bán cho VAMC đối với nhóm khách hàng Diệp Mỹ Xuyên, Hứa Thụy Ngân Anh, Đoàn Lê Phát, Lưu Tuấn Khương, Công ty TNHH Ngân Thạnh và việc Sacombank bán đấu giá tài sản đảm bảo khi chưa có ủy quyền của khách hàng, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, TTCP kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của Sacombank và lãnh đạo, cán bộ Cục Thanh tra giám sát ngân hàng TP.HCM (sau này đã sáp nhập vào NHNN chi nhánh TP.HCM) có liên quan đối với các vi phạm, khuyết điểm trong việc Sacombank không trích lập bổ sung dự phòng (2.403,8 tỷ đồng) đối với 77 khoản nợ trước khi bán nợ cho VAMC.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường