7 năm ôm 'bom cảm tử' mang tên cổ phiếu ROS, nhà đầu tư có nguy cơ 'trắng tay'
Nắm giữ hàng trăm nghìn cổ phiếu, đồng hành cùng Faros đến nay đã 7 năm, nhiều nhà đầu tư đến phiên tòa với kỳ vọng "được đền bù thiệt hại".
Sáng 22/7, phiên tòa sơ thẩm xét xử Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các bên liên quan đã diễn ra tại TAND thành phố Hà Nội.
Bên lề phiên tòa, một số nhà đầu tư đã có mặt để nghe tòa phán xét, kỳ vọng lấy lại được một phần tiền đã mất do cổ phiếu bị hủy niêm yết.
Hòa trong dòng người ngồi nghe xử án tại tòa, ông Lê Ngọc Nông khá nổi bật với chất giọng miền Trung. Ông Nông chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi ra Hà Nội, chưa biết đường sá, không quen ai. Tôi vừa ngồi tàu 17 tiếng đồng hồ, từ Đà Nẵng ra đến đây".
Khá cởi mở với những người xung quanh, ông Nông cho hay, hiện ông đang có trong tay 600.000 cổ phiếu ROS sau nhiều lần bình quân giá; số cổ phiếu ROS này được mua bắt đáy từ năm 2017.
Ông Nông cho biết thêm, ông cũng có mua bán các cổ phiếu khác như FLC, nhưng đã bán hết. Riêng ROS, ông có ý muốn giữ lâu dài. Ban đầu "vào lệnh" ở giá khoảng 120.000 đồng/cổ phiếu, với khối lượng chưa nhiều. Khi ROS phá đỉnh 200.000 đồng/cổ phiếu, ông chưa bán vội. Thế nhưng, ngay sau đó ROS lao dốc, ông phải liên tục mua vào để quân bình giá. Mãi vẫn chưa "về bờ", và đến nay, cổ phiếu ROS bị đình chỉ giao dịch khiến ông mất trắng tiền dành dụm bấy lâu.
Tính đến ngày vụ án bị khởi tố, cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch, ông Nông đã có 5 năm đồng hành cùng Faros, thêm 2 năm chờ đợi ngày xử án, hiện ông Nông đã có 7 năm nắm giữ cổ phiếu ROS. "Hàng chục tỷ đồng trong đó, tôi xin nghỉ phép 3 ngày để ra đây, những mong có thể được đền bù thiệt hại", ông Nông chia sẻ.
Ảnh: Người bị hại Lê Ngọc Nông tại TAND thành phố Hà Nội
Anh Trường Giang (Đông Anh, Hà Nội) cũng đến toà rất sớm với hy vọng được đền bù thiệt hại.
"Chơi chứng" khá nhiều năm, anh Giang cho biết, cũng từng mua, bán các cổ phiếu khác như AMD, FLC. Hiện tại, anh chỉ giữ riêng cổ phiếu ROS với số lượng 38.000 đơn vị.
ROS bị đình chỉ giao dịch, anh Giang cho biết, hiện anh gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế do tiền bị "ngâm" trong tài khoản chứng khoán đã lâu.
Ảnh: Người bị hại Trường Giang tại TAND thành phố Hà Nội
Theo cáo trạng, với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, Trịnh Văn Quyết đã dùng công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo Doãn Văn Phương và Trịnh Thị Minh Huế thực hiện hành vi gian dối, tăng khống vốn chủ sở hữu tại công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định, Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo mua, nâng khống vốn điều lệ của Faros và đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HoSE, bán hơn 391,15 triệu cổ phiếu ROS hình thành từ vốn góp khống cho 30.403 nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng.
Trịnh Văn Quyết cũng là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo việc mở, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán, nâng khống tiền cho các tài khoản để thao túng 5 mã chứng khoán. Theo đó, Quyết đã chỉ đạo Huế mượn giấy tờ của 45 cá nhân là người thân, nhân viên Tập đoàn FLC và các cá nhân khác để lập 20 doanh nghiệp, mở 500 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán, giao Huế quản lý. Bằng cách liên tục mua bán cùng loại chứng khoán với 5 mã HAI, GAB, ART, FLC và ROS (chỉ khớp nội nhóm, không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu), tạo cung cầu giả nhằm thu lợi bất chính số tiền hơn 723 tỷ đồng, trong đó phải chịu trách nhiệm hình sự với 4 mã chứng khoán HAI, GAB, ART và FLC, với số tiền thu lợi bất chính là 684 tỷ đồng.
Giúp sức cho Quyết có 3 bị can thuộc Công ty TNHH Kế toán và Kiểm toán Hà Nội và Công ty TNHH Kiểm toán ASC. Các bị can này biết rõ thủ tục kiểm toán và các bằng chứng kiểm toán chưa đầy đủ để làm cơ sở đưa ra ý kiến chấp thuận toàn phần với các báo cáo tài chính của Faros nhưng vẫn chấp thuận toàn phần BCTC kiểm toán trái pháp luật, giúp Trịnh Văn Quyết hoàn thiện thủ tục niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán.
3 bị can thuộc Vụ Giám sát công ty đại chúng và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam là những người có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc công nhận công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán cho công ty Faros. Các bị can này biết rõ hồ sơ của Faros chưa đầy đủ cơ sở vốn thực góp là 4.300 tỷ đồng nhưng vẫn đồng ý chấp thuận cho Faros là công ty đại chúng, đăng ký 430 triệu cổ phiếu ROS, đăng thông tin sai lệch này trên thị trường chứng khoán. Số cổ phiếu này đã được bán cho 30.304 nhà đầu tư trên sàn HoSE.
Có 4 bị can thuộc sàn HoSE, là những người có chức vụ, quyền hạn, biết rõ chưa đủ cơ sở xác định số vốn thực góp của công ty Faros là 4.300 tỷ đồng theo BCTC kiểm toán. Tuy vậy, bị can Trần Đắc Sinh có quan hệ với Quyết nên đã nhận lời làm nhanh hồ sơ niêm yết của Faros, đồng ý niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên HoSE trái pháp luật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận