Xuất nhập khẩu vượt mốc 400 tỷ USD
Tính từ đầu năm đến ngày 15/7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 403 tỷ USD, tăng 56,7 tỷ USD so với cùng kỳ 2023.
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7 (từ ngày 1 đến ngày 15/7), tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 16,26 tỷ USD. Trong đó, có 4 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; hàng dệt may.
Từ đầu năm đến 15/7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 403 tỷ USD.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 7 đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến 15/7 lên con số 207,25 tỷ USD, tăng 15,19% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 27,33 tỷ USD).
Ở chiều ngược lại, nửa đầu tháng 7 tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 16,43 tỷ USD. Hai nhóm hàng nhập khẩu tỷ đô trong kỳ này là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Lũy kế từ đầu năm đến 15/7, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 195,37 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng 29,37 tỷ USD).
Như vậy, từ đầu năm đến 15/7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 403 tỷ USD, tăng 56,7 tỷ USD so với cùng kỳ 2023.
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu rau quả năm nay tiếp tục tăng trưởng 15 - 20%.
“Nếu tận dụng tốt cơ hội từ các nghị định thư, xuất khẩu rau quả có thể đạt 7 tỷ USD năm nay, tăng 0,5 - 1 tỷ USD so với kế hoạch đưa ra cuối năm ngoái của ngành nông nghiệp”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Ông Nguyễn Viết Hạnh, Giám đốc Công ty cổ phần May Thành Hưng chia sẻ so với cùng kỳ năm 2023, đơn hàng may xuất khẩu tăng trưởng từ 20-30%, giá trị đơn hàng cũng tăng từ 5 - 10%.
“Hiện tại, công ty đã đầu tư thêm một số chuyền may và thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu sản xuất, phấn đấu doanh thu năm 2024 (tương ứng 4,5 triệu USD) về đích sớm so với kế hoạch”, ông Nguyễn Viết Hạnh khẳng định.
Ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty may mặc Dony đánh giá nửa đầu năm nay, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng tích cực.
Đơn hàng nhiều ngoài sức tưởng tượng và công ty đã từ chối 2 - 3 đơn đặt hàng giá tốt dù đã cho lao động tăng ca, công suất. Mới đầu tháng 7, số đơn hàng cho quý III của công ty đã kín, đơn hàng quý IV cũng đang thương lượng.
“Nếu không biến động lớn, khả năng mục tiêu cả năm nay về đích thành công”, ông Phạm Quang Anh bày tỏ.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may đã thoát cảnh “ăn đong”. Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đa phần các công ty may của tập đoàn đủ đơn hàng đến tháng 10 và đang đàm phán đơn cho những tháng tiếp theo.
“Đặc biệt, toàn bộ lao động vẫn duy trì lực lượng, thu nhập tương đương năm 2023”, ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.
Để đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2024, ông Trần Thanh Hải, Bộ Công Thương đang nỗ lực kết thúc sớm đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE. Bên cạnh đó, triển khai đa đạng các hình thức cả trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu lợi thế, ưu đãi từ các FTA đã thực thi.
Các đơn vị của Bộ Công Thương tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.
Mặt khác, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới xúc tiến thương mại; thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp cùng sản phẩm của doanh nghiệp của Việt Nam tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ. Qua đó, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận