menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quang Long

Xuất khẩu ngày 6-10/12: Đại sứ "mách nước" cho doanh nghiệp xuất khẩu; ngành dệt may "cán đích" 39 tỷ USD

Báo TG&VN điểm lại những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 6-10/12.

Thúc đẩy ngoại giao kinh tế, tạo nhịp cầu cho hàng Việt ra nước ngoài

Tại Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp với chủ đề “Triển khai Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ - Giải pháp và hành động”, do Bộ Ngoại giao tổ chức sáng 10/12, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở một số nước đã chia sẻ các xu hướng mới cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, phát triển kinh tế với các nước sở tại; nhấn mạnh lợi thế của các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cũng như những cơ hội xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng.

Theo Đại sứ Trung Quốc Phạm Sao Mai, ít nhất trong vài thập niên tới, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, quan trọng của Việt Nam. Trung Quốc có ưu thế về vị trí địa lý với Việt Nam, có thị trường nội địa rộng lớn cùng sức mạnh kinh tế lớn. Vì thế, thị trường này rất tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt.

Tuy nhiên, để biến những cơ hội đó thành những hiệu quả đầu tư cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam cần sớm tìm cách khắc phục một số điểm yếu còn tồn tại. Thứ nhất, là phần giá trị của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc còn thấp.

Thứ hai, dù Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, song sau 30 năm, sản phẩm của nước ta xuất khẩu sang thị trường này không có hệ thống phân phối riêng và phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp sở tại. Thứ ba, hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn dựa nhiều vào tiểu ngạch, trong khi Trung Quốc đang chuẩn bị thay đổi chính sách quản lý trong lĩnh vực này. Cuối cùng, Đại sứ nói, đầu tư của Việt Nam vào Trung Quốc cũng còn khó khăn.

Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long cho rằng, Anh đang phải đẩy mạnh hợp tác thương mại với rất nhiều thị trường khác, sau khi rời khỏi EU, nước này sẽ phải đẩy mạnh hợp tác thương mại với rất nhiều thị trường khác, đặc biệt các thị trường mới nổi để giúp các sản phẩm của Anh trở nên cạnh tranh hơn, các doanh nghiệp vươn xa, từ đó dư địa tăng trưởng lớn hơn.

“Đó là mục đích của Anh, nhưng cũng là cơ hội với các đối tác như Việt Nam. Khi Anh tăng cường hợp tác với các thị trường mới như chúng ta, họ cũng sẽ mở cửa thị trường của họ với các sản phẩm của chúng ta, là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, muốn tăng cường hợp tác, xuất khẩu hàng hóa sang Anh, quan trọng nhất vẫn là chất lượng, bởi đây là một trong những thị trường khó tính. Việc mở cửa thị trường với chúng ta chỉ là điều kiện cần, nhưng chúng ta phải đáp ứng được các yêu cầu của phía Anh - đó là điều kiện đủ”, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.

Còn theo Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, nhiều doanh nghiệp đã chớp lấy cơ hội, tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (Hiệp định EVFTA) về thuế và các điều kiện kiểm soát để đưa hàng hóa vào châu Âu.

“Cùng với các sản phẩm gia công, Đại sứ quán Việt Nam tại Áo luôn tập trung ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp như cafe, gạo, dừa…, bởi nông phẩm mang lại giá trị nhiều nhất cho người Việt, được sản xuất ở Việt Nam, nguồn nguyên liệu Việt Nam. Với Hiệp định EVFTA, nông phẩm luôn có lợi thế”, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh.

Đại sứ Nguyễn rong bối cảnh chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, việc giao thương trực tuyến có thể tiến hành nhưng chỉ nên dừng lại ở việc cung cấp thông tin về sản phẩm, không thể đàm phán qua hình thức này. Nhiều doanh nghiệp Áo muốn vào Việt Nam hợp tác đều quan tâm đến điều kiện cách ly và quay trở lại, quy trình thăm nhà xưởng, tìm hiểu nguyên liệu, đầu mối liên lạc… Trên thực tế, nếu không nhập cảnh được vào Việt Nam thì không thể hợp tác phát triển kinh tế được”.

Xuất khẩu dệt may "cán đích" doanh thu 39 tỷ USD

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may đã vượt lên khó khăn, duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021, ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020. Con số này còn cao hơn năm 2019 khi chưa có dịch Covid-19 (tăng 0,3% so với năm 2019).

Thông tin trên được ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đưa ra tại buổi họp báo về Hội nghị tổng kết của Hiệp hội năm 2021 diễn ra ngày 7/12.

"Năm 2021 là năm cực kỳ khó khăn của ngành dệt may Việt Nam. Tiền đề tăng trưởng âm 9,8% của năm 2020 khiến dệt may bước vào năm 2021 với nhiều nỗi lo", ông Trương Văn Cẩm chia sẻ.

Nếu như quý I/2021, doanh nghiệp trong ngành dệt may phấn khởi bởi ngay từ đầu năm đã ký được hợp đồng đến hết quý III, thậm chí hết năm thì sang quý II/2021, dịch bùng phát ở khu vực phía Bắc và bùng phát ở TP. Hồ Chí Minh, lan rộng ra các tỉnh khu vực phía Nam khiến sản xuất của các doanh nghiệp dệt may gần như đóng băng.

"Xuất khẩu dệt may tháng 7, 8, 9 liên tục giảm. Đơn hàng không thể trả cho đối tác. Tình hình này chỉ chấm dứt khi sang tháng 10, Nghị quyết 128/NQ-CP được Chính phủ ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 thì sản xuất của doanh nghiệp mới bắt đầu hồi phục, đã có thể 'trả nợ' các đơn hàng", ông Cẩm cho biết.

Theo đại diện VITAS, việc sản xuất của doanh nghiệp được khôi phục vào cuối năm 2021 đã giúp ngành dệt may đạt 39 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tương đương với năm 2019. Trong đó, hàng may mặc đạt 28,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020; xơ, sợi dự kiến đạt 5,5 tỷ, tăng trên 49% chủ yếu xuất khẩu sang Trung/ Quốc...

Thiếu nguyên liệu, xuất khẩu cá tra có nguy cơ bị đứt gãy

Tại Hội nghị trực tuyến Giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức chiều 9/12, Tổng cục Thủy sản lo ngại những tháng đầu năm 2022 có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến, do từ tháng 7 đến tháng 92021 diện tích nuôi thả cá tra giảm mạnh.

Bên cạnh đó, Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 có thể gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản đông lạnh, trong đó có cá tra.

Bà Lê Hằng - Phó giám đốc Trung tâm VASEPPRO - cho biết tháng 9 và 10-2021, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt lần lượt 82 và 136 triệu USD, bước sang tháng 11 đã "bứt tốc" đạt 227 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ 2020.

Xuất khẩu ngày 6-10/12: Đại sứ "mách nước" cho doanh nghiệp xuất khẩu; ngành dệt may "cán đích" 39 tỷ USD
Xuất khẩu cá tra có nguy cơ bị đứt gãy. (Nguồn: Người lao động)

Trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm 22% và Trung Quốc chiếm 28% tỉ trọng xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Bên cạnh đó, Brazil và Mexico là những thị trường có tăng trưởng tích cực, bù đắp sụt giảm những thị trường chủ lực. Với những tín hiệu tích cực trên, bà Hằng dự báo xuất khẩu cá tra năm 2021 sẽ cán đích khoảng 1,54 tỉ USD, tăng nhẹ 3% so với năm 2020.

Dự báo năm 2022, bà Hằng cho biết giá trung bình xuất khẩu cá tra có thể sẽ tăng, tuy nhiên khó bù đắp được các chi phí đầu vào quá cao.

"Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tiếp tục tăng vì nhu cầu thị trường này lớn, xuất khẩu sang Trung Quốc khó đoán định vì nước này vẫn kiểm soát chặt thủy sản nhập khẩu, còn thị trường EU có thể phục hồi nhưng không mạnh", bà Hằng dự báo.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam

Tại Diễn đàn thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2021 với chủ đề “Nắm bắt cơ hội, thích ứng phát triển trong tình hình mới” diễn ra ngày 7/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá trong thời gian qua, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt tốc độ phát triển hết sức ấn tượng.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2021, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương hai nước đạt 89,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 76,7 tỷ USD (tăng 22,9% so với cùng kỳ 2020; chiếm tỷ trọng 28,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước); nhập khẩu từ Hoa Kỳ 12,9 tỷ USD (tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020, chiếm tỷ trọng 4,8% tổng kim ngạch nhập khẩu).

Đồng thuận với quan điểm nêu trên, tại Diễn đàn, bà Marie Damour, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng cho rằng, trong dịch Covid-19, Việt Nam đã nắm bắt được cơ hội, gia tăng xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

“Hoa Kỳ tiếp tục có chính sách ưu tiên nhập khẩu hàng hóa Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề phát triển năng lượng; phát triển công nghệ số, thanh toán điện tử; ký kết hiệp định mua bán năng lượng gió, năng lượng mặt trời với Việt Nam. Đẩy mạnh hỗ trợ trong lĩnh vực y tế, việc phủ sóng tiêm vắc-xin để Việt Nam nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh…” - bà Marie Damour khẳng định.

Ông Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ là đặc điểm quan trọng giúp Việt Nam định hình chính sách kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ theo hướng hài hòa và bền vững, đảm bảo các nền tảng quan trọng và duy trì lợi ích quốc gia trong hợp tác song phương, từ đó đưa Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Bà Virginia Foote - Phó Chủ tịch Amcham Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cũng đặt ra thách thức phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại. Do đó, các bộ, ngành, doanh nghiệp cần quan tâm đến các biện pháp ứng phó với phòng vệ thương mại.

Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, trong những năm tới, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam, kim ngạch tăng trưởng trung bình 20%/năm. Do đó, khả năng có thể gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đã hỗ trợ nhiều ngành hàng Việt Nam thực hiện đấu tranh với các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các thị trường lớn, trong đó có thị trường Hoa Kỳ. “Khi có hiện tượng và nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần chủ động liên hệ thu thập thông tin để cơ quan thương mại, ngoại giao Việt Nam thực hiện các cuộc đàm phán với nước nhập khẩu để có phán quyết phù hợp đối với hàng hóa Việt Nam”- bà Phạm Châu Giang nhấn mạnh.

Cơ hội cho bơ sữa Việt Nam vào thị trường Israel

Bộ Công Thương cho biết, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp Israel vừa nhất trí bãi bỏ các hạn ngạch nhập khẩu đối với một loạt các sản phẩm bơ sữa, bao gồm sữa chua, pho mát có ít chất béo (cao nhất là 5%) và các sản phẩm từ sữa. Hạn ngạch nhập khẩu đối với một số loại pho mát cứng đã được tăng lên.

“Việc Israel bãi bỏ hạn ngạch nhập khẩu và mở cửa thị trường bơ sữa là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ tiếp cận các nhà nhập khẩu Israel và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm này sang thị trường Israel trong thời gian tới”, Bộ Công Thương cho hay.

Cụ thể, phía Israel đã nới lỏng các hạn ngạch, với hi vọng biện pháp này sẽ làm giảm giá cả các sản phẩm bơ sữa đối với người tiêu dùng Israel. Động thái nói trên sẽ cho phép mở cửa thị trường để tự do nhập khẩu các sản phẩm này từ các nước châu Âu, theo đó giá cả đối với mỗi kg sữa chua tiêu dùng ở Israel trung bình sẽ giảm xuống còn 8,5 NIS/kg so với mức 17 NIS/kg trước đây.

(tổng hợp)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại