WTO hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu 2023 xuống 0,8%
WTO hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu xuống còn 0,8% trong năm 2023, giảm mạnh so với mức 1,7% đưa ra hồi tháng 4.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) giảm dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm nay xuống còn một nửa do các vấn đề như lạm phát dai dẳng, lãi suất tăng, thị trường bất động sản của Trung Quốc đầy căng thẳng và xung đột ở Ukraine.
Theo Hãng tin Reuters, WTO ước tính khối lượng thương mại hàng hóa sẽ tăng 0,8% trong năm 2023, thấp hơn dự báo trước đó. Hồi tháng 4, tổ chức này đưa ra con số dự báo là 1,7%.
Trong khi đó, WTO dự đoán khối lượng thương mại hàng hóa năm 2024 sẽ tăng thêm 3,3%. Dự đoán này không có nhiều thay đổi so với con số 3,2% được đưa ra hồi tháng 4.
WTO dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của thế giới sẽ tăng 2,6% (theo tỉ giá hối đoái thị trường) trong năm nay và 2,5% vào năm 2024.
Các lĩnh vực nhạy cảm hơn với chu kỳ kinh doanh dự kiến sẽ ổn định và hồi phục khi lạm phát ở mức độ vừa phải và lãi suất bắt đầu giảm.
Dự báo của WTO không bao gồm thương mại dịch vụ, nhưng dữ liệu sơ bộ cho thấy tăng trưởng trong mảng này có thể khiêm tốn hơn sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực vận tải và lữ hành hồi năm ngoái.
Bên cạnh đó, WTO nhận định tình trạng suy giảm thương mại đã diễn ra trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia và nhiều mặt hàng, đặc biệt là sắt và thép, thiết bị văn phòng và viễn thông cũng như các sản phẩm ngành dệt may. Trái lại, ô tô là một ngoại lệ đáng chú ý với doanh số bán hàng trong năm nay vẫn tăng.
Trong báo cáo mới nhất, WTO cho hay sự sụt giảm liên tục trong thương mại hàng hóa bắt đầu từ quý 4/2022 đã khiến các nhà kinh tế của tổ chức này phải hạ dự báo thương mại cho năm nay.
Nhà kinh tế trưởng của WTO, ông Ralph Ossa cho biết xu hướng tăng trưởng dương về khối lượng xuất-nhập khẩu vẫn kéo dài sang năm 2024, nhưng thế giới phải tiếp tục cảnh giác.
Báo cáo thừa nhận nguyên nhân chính xác của sự giảm tốc thương mại hiện chưa rõ ràng, nhưng lạm phát phi mã, lãi suất cao, đồng USD tăng giá và căng thẳng địa chính trị đều là những yếu tố góp phần vào tình trạng trên.
WTO tiếp tục cảnh báo rằng đã xuất hiện một số dấu hiệu về tình trạng "phân mảnh thương mại", có liên quan đến căng thẳng toàn cầu. Tuy nhiên, theo WTO, không có bằng chứng nào cho thấy tình trạng "phi toàn cầu hóa" - vốn có thể ảnh hưởng đến dự báo năm 2024 của họ - đang lan rộng.
Một dấu hiệu khác là tỉ trọng hàng hóa trung gian trong thương mại thế giới (chỉ số về hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu) đã giảm xuống còn 48% trong vòng nửa đầu năm 2023, thấp hơn so với mức trung bình 51% của 3 năm trước đó. WTO cho biết họ không rõ sự sụt giảm này là do căng thẳng về địa chính trị hay do suy thoái kinh tế chung.
Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala dự báo sự sụt giảm về thương mại sẽ gây ra nhiều lo ngại, bởi tình trạng này có thể làm giảm mức sống của người dân trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước nghèo.
"Tình trạng phân mảnh kinh tế toàn cầu sẽ chỉ làm cho những thách thức này trở nên tồi tệ hơn", bà Okonjo-Iweala nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận