Vượt mức kỷ lục, tăng giá chục lần chờ 2020 thu lợi lớn
Cơ hội đầu tư sinh lời “ăn bằng lần” luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý của giới đầu tư ở bất kỳ thời điểm nào. Trong năm tới, có nhiều kênh đầu tư hấp dẫn những cũng có kênh tiềm ẩn rủi ro.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC - vừa có buổi giới thiệu các thương hiệu mới trong hệ sinh thái của tập đoàn. Trong đó, FLCHomes là thương hiệu mới nhất với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là bất động sản trong cả 3 vai trò là: Chủ đầu tư dự án, phân phối dự án và vận hành dự án.
Bên cạnh đó, cổ phiếu BAV của hãng hàng không Bamboo Airways dự kiến cũng sẽ chào sàn trong năm 2020.
Trước hơn 700 chuyên gia bất động sản, chuyên gia tài chính, đại diện các đối tác chiến lược và nhà đầu tư cá nhân, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng, giá cổ phiếu FLCHomes (FHH) có thể đạt ba chữ số, tức là hơn 100.000 đồng/cp, so với mức giá chào sàn 35.000 đồng/cp mà tập đoàn đã xác định.
Nếu tất cả những gì ông Quyết dự tính là đúng thì mức lợi nhuận cho những ai có thể nắm giữ cả 3 cổ phiếu này là rất lớn.Cổ phiếu Bamboo Airways trong khi đó chưa được bán ra bên ngoài cho cả đối tác trong nước và đối tác nước ngoài vào thời điểm này. Giá khi chào bán cho nước ngoài, theo ông Quyết, ít nhất phải ở mức 150.000 đồng/cp. Còn cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC một lần nữa cũng được dự báo sẽ vượt lên trên mệnh giá, tức tăng vài lần so với hiện tại.
Trên thị trường chứng khoán, những cơ hội “ăn bằng lần” cũng thường xuyên xuất hiện. Trong 3/4 quãng thời gian trong năm 2019, nhiều cổ phiếu tăng giá rất mạnh, như nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp như SIP, VRG, NTC, TIP,... hay những mã như BOT, VCR. Cổ phiếu họ Viettel CTR, VGI cũng tăng mạnh vài lần.
Cổ phiếu VNX của CTCP Quảng cáo và Hội chợ thương mại (Vinaxad) thậm chí tăng vài chục lần từ mức dưới 1.000 đồng/cp lên hàng chục ngàn đồng/cp.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng không ít cổ phiếu tăng mạnh sau đó giảm sâu như trường hợp QCG, CCL, KHD,... Nhiều cổ phiếu lên sàn tăng giá dữ dội rồi giảm đáng kể như trường hợp TCB, VPB...
Tiếp tục xu hướng năm nay, trong năm 2020, một số nhóm ngành được dự báo vẫn có triển vọng tốt như nhóm ngân hàng, nhóm bán lẻ và nhóm bất động sản công nghiệp,... Nhóm ngân hàng được cho là có thể tiếp tục bứt phá nhờ nợ xấu ở mức thấp, tăng trưởng tín dụng nhờ quy mô tăng lên và lợi nhuận mảng dịch vụ phát triển nhanh. Nhóm bán lẻ trong khi đó thu hút dòng vốn ngoại, còn nhóm bất động sản công nghiệp hưởng lợi từ dòng vốn FDI lớn.
TS Trần Đình Thiên
Không chỉ chứng khoán, nhiều kênh đầu tư khác cũng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư như bất động, vàng, gửi tiết kiệm... Tuy nhiên, một số kênh cũng được dự báo có triển vọng không còn được như các năm trước đây.
Thị trường vàng đang chịu sức ép lớn từ một thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đang hừng hực và gần đây liên tục lập kỷ lục cao mới. Nhu cầu mua vàng tại thị trường tiêu thụ lớn thứ hai thế giới là Ấn Độ có dấu hiệu giảm. Trong khi Trung Quốc có dấu hiệu không còn đẩy mạnh mua vàng.
Trong nước, thị trường bất động sản có dấu hiệu trầm lắng ở mảng căn hộ do nguồn cung lớn. Mảng đất nền có dấu hiệu chững lại do đã tăng khá mạnh trên nhiều địa phương trong một vài năm qua và tác động tiêu cực từ những cú lừa đảo như trường hợp BĐS Alibaba.
Với kênh gửi ngân hàng, tính hấp dẫn có dấu hiệu suy giảm sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phát đi thông báo về việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất huy động tối đa và lãi suất cho vay ngắn hạn.
Theo quyết định mới của NHNN, từ ngày 19/11/2019 lãi suất huy động tối đa tại các ngân hàng giảm khá mạnh. Với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.
Tuy nhiên, nhìn chung các kênh đầu tư ở Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn đáng kể so với ở các nước khác nhờ kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, kinh tế tăng trưởng cao.
Theo TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ bởi những điều kiện khách quan rất thuận lợi: từ nền kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng tốt, quyết tâm cải cách của Chính phủ và định hướng coi doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận