menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hải Vân

Vướng nợ, Vinaconex mua 44 triệu cổ phiếu làm gì?

Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG) vừa có quyết nghị mua lại 10% tổng số cổ phần phổ thông, tối đa 44 triệu cổ phiếu. Với khối lượng cổ phiếu VCG đang giao dịch trên sàn tương đối thấp, cơ cấu cổ đông cô đặc, Vinaconex mua lại cổ phiếu để làm gì? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Một chiêu thức đẩy giá?

Hiện VCG đang có 441,7 triệu cổ phiếu niêm yết. Trong cơ cấu cổ đông, ghi nhận cổ đông lớn nhất của VCG là Công ty TNHH An Quý Hưng nắm giữ 254,9 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ sở hữu 57,71%.

Trước đó, VCG có hai cổ đông lớn là Công ty Bất động sản Cường Vũ nắm giữ 94.010.175 cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 21,28%) và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest nắm giữ 33.455.400 cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 7,57%), đã thoái toàn bộ cổ phần tại VCG vào ngày 14/8/2020.

Sau khi hai cổ đông trên thoái toàn bộ, VCG không xuất hiện thêm cổ đông lớn nào khác ngoài An Quý Hưng.

Tổng lượng cổ phiếu mà các cổ đông lớn đang nắm giữ là 255 triệu cổ phiếu. Như vậy, ước tính có khoảng 186 triệu cổ phiếu VCG đang được giao dịch trên sàn. Trong không gian này, VCG đăng ký mua thêm 44,1 triệu cổ phiếu. Nếu giao dịch thành công, sẽ khiến cơ cấu cổ đông VCG thêm cô đặc.

VCG cho biết dự kiến sẽ sử dụng nguồn thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để mua cổ phiếu quỹ. Thời gian mua dự kiến trong quý IV năm nay.

Cổ phiếu VCG đang ở vùng giá hơn 40.000 đồng/cổ phiếu. Giới quan sát nhận định, nhà đầu tư cần thận trọng tránh mắc bẫy làm giá cổ phiếu ở thời điểm này.

Với giá cổ phiếu VCG ngày 30/10 là 40.000 đồng, ước tính VCG cần phải chi 1.764 tỷ đồng để mua 44,1 triệu cổ phiếu quỹ. VCG chưa công bố sẽ mua theo hình thức nào, giao dịch khớp lệnh hay thỏa thuận, nhưng các vấn đề về tài chính của VCG đang được nhà đầu tư rất quan tâm khi VCG ở tình trạng mắc kẹt trong các khoản nợ.

Tại thời điểm cuối tháng 9/2020, nợ ngắn hạn phải thu của Tổng công ty chiếm 35% tổng tài sản.

Đáng chú ý, VCG đang trích lập dự phòng rủi ro các khoản nợ ngắn hạn khó đòi lên đến 1.230 tỷ đồng trong quý III, nâng trích lập dự phòng tại thời điểm 30/9 lên 1.582 tỷ đồng. Phải chăng VCG đang mắc kẹt với các khoản nợ và thấy trước khả năng khó thu hồi?

Đặt câu hỏi này với VCG để tìm hiểu các thông tin liên quan, nhưng chúng tôi chưa nhận được câu trả lời.

Thông báo của Hội đồng quản trị cho biết, VCG quyết nghị mua thêm tối đa 44 triệu cổ phiếu - một cách thông tin rất khó đánh giá bởi mua bao nhiêu cũng đúng mục tiêu này, nhưng lại có thể khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng về hiệu ứng giá do thông tin mua lại từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, để giảm thua lỗ, điều cần nhất là phải hiểu sức khỏe tài chính của doanh nghiệp và hạn chế việc mua đuổi theo tâm lý, đến từ các thông tin thiếu rõ ràng.

Gọi tên những khoản nợ khó đòi

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 của VCG cho thấy, tổng tài sản là 19.356 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu là 4.417 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2.048 tỷ đồng.

Hiện VCG đang tồn kho hơn 1.984 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn là 6.798 tỷ đồng, trong đó dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tính đến ngày 30/9 là 1.582 tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ phải trả của VCG tính đến ngày 30/9 là 10.559 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 6.832 tỷ đồng, nợ dài hạn là 3.727 tỷ đồng.

Nợ ngắn hạn phải thu tăng, nợ phải trả rất lớn. Bài toán cân đối tài chính của Công ty không dễ giải trong bối cảnh này.

Báo cáo hợp nhất của VCG trong 9 tháng đầu năm nay chỉ ra, phải thu ngắn hạn của khách hàng là 3.157 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh là 702 tỷ đồng, Công ty cổ phần ADG Holding gần 149 tỷ đồng, Công ty TNHH Nhân Đạt Tiến 99,7 tỷ đồng, Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội 88,5 tỷ đồng, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc 20,3 tỷ đồng, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam 58 tỷ đồng, Ban quản lý dự án y tế trọng điểm gần 82 tỷ đồng, Ban quản lý dự án 2 Bộ Giao thông Vận tải 68,9 tỷ đồng (gói thầu PK1B dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới về mạng lưới đường bộ đoạn Hà Nội - Thái Nguyên); Công ty cổ phần Xây dựng IDG Việt Nam 96,4 tỷ đồng, Công ty cổ phần Bất động sản Hanovid là 67,6 tỷ đồng và các khách hàng khác 1.723 tỷ đồng.

Phải thu dài hạn là Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả - một trong những con nợ lớn mà VCG đang bị mắc kẹt mãi chưa thoát ra.

Dự án Xi măng Cẩm Phả do VCG làm chủ đầu tư có công suất thiết kế 2,3 triệu tấn xi măng/năm. Đến cuối 2008 đã hoàn thành xây dựng và bàn giao cho Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả vận hành sản xuất với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, trong đó VCG chiếm 99,63% vốn điều lệ. Vài năm đầu hoạt động, Xi măng Cẩm Phả lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng, đồng thời tạo ra áp lực trả nợ rất lớn cho VCG.

Tính đến ngày 30/9/2020, khoản nợ vay ngắn hạn phải trả VCG của Xi măng Cẩm Phả là 144 tỷ đồng, nợ vay dài hạn là hơn 830 tỷ đổng.

Tổng cổng hơn 974 tỷ đồng. Điều đáng nói là Xi măng Cẩm Phả vay không có tài sản đảm bảo theo hợp đồng vay VCG số 1 ngày 24/10/2013 và kết thúc hợp đồng là ngày 29/11/2021. Số dư gốc của khoản vay bằng ngoại tệ tại ngày 30/9/2020 là 35.971.010,66 USD. Lãi suất cho vay 1,5%/năm.

VCG còn có một khoản cho vay ngắn hạn đột biến trong kỳ là Công ty TNHH MTV Vinaconex Xây dựng, vay 595 tỷ đồng. Vinaconex Xây dựng là một công ty con của VCG, VCG góp vốn đầu tư 200 tỷ đồng.

Ngoài ra, VCG còn các khoản phải thu ngắn hạn tại các công ty con, công ty liên kết khác. Một số công ty con của VCG, chẳng hạn Công ty cổ phần Đầu tư phát triển du lịch Vinaconex (VCR - VCG nắm giữ 53,6%) lại đang mắc kẹt với dự án bất động sản, khiến khả năng thu hồi nợ trở nên chưa rõ ràng.

Hoạt động sản xuất - kinh doanh chính đều giảm

Quý III/2020, VCG lãi đột biến 1.037 tỷ đồng sau thuế, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước nhờ thoái vốn toàn bộ tại 3 công ty gồm Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới Bắc An Khánh, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Vinaconex (VCP), Công ty TNHH MTV giáo dục Phúc Yên.

Tuy nhiên, các mảng hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của VCG đều giảm mạnh hiệu quả trong kỳ. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý III giảm gần 45% cùng kỳ năm trước, đạt 1.270 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng đạt hơn 3.800 tỷ đồng, giảm 39% cùng kỳ 2019.

Khoản lãi đột biến đến chủ yếu từ việc bán một loạt dự án trong kỳ, đặc biệt là khoản thu từ chuyển nhượng 50% cổ phần tại liên doanh An Khánh. Tính chung, trong 9 tháng đầu năm, VCG ghi nhận khoản thu gần 3.000 tỷ đồng từ thoái vốn các công ty con, công ty liên kết.

VCG cũng đã có quyết định không tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Vinaconex Xây dựng và Vinaconex Đầu tư - hai công ty con - vì lý do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Trước đó, VCG từng phê duyệt tăng vốn điều lệ Công ty TNHH MTV Vinaconex Xây dựng từ 200 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng và tăng vốn điều lệ Công ty TNHH MTV Vinaconex Đầu tư từ 850 tỷ đồng lên 1.850 tỷ đồng trong quý III/2020. Như vậy, dòng tiền VCG dự tính dành 2.000 tỷ để đầu tư cho hai công ty con kể trên đã tạm dừng.

Hiện nay, VCG đã chuyển từ mảng kinh doanh cốt lõi là chủ đầu tư xây dựng sang làm nhà thầu xây lắp, tham gia phát triển hạ tầng giao thông.

Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu từ kinh doanh bất động sản chỉ ghi nhận hơn 176 tỷ đồng, trong khi hoạt động xây lắp mang về 1.927 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi mảng kinh doanh của VCG chưa đủ để nhà đầu tư yên tâm khi doanh thu chủ yếu của VCG hiện lại là doanh thu tài chính và lợi nhuận có được nhờ bán dự án, thoái vốn công ty con, trong khi các mảng kinh doanh đang ghi nhận doanh thu sụt giảm.

Vướng nợ, Vinaconex mua 44 triệu cổ phiếu làm gì?

Trong tháng 10, cổ phiếu VCG có nhiều phiên chìm trong sắc đỏ, giao dịch phổ biến trong khoảng 40.000 - 43.000 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình hơn 500.000 đơn vị/phiên.

Mức giá này và niềm tin vào VCG sẽ vững chắc hơn, nếu như các con số tài chính cho thấy, VCG có sự tăng trưởng ở ngành nghề kinh doanh cốt lõi và Tổng công ty xây nên những kế hoạch, dự án đáng để kỳ vọng trong tương lai.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại