Vụ doanh nghiệp nguy cơ mất hơn trăm tỷ tiền hàng xuất khẩu: Xuất hiện bộ chứng từ gốc trong tay người lạ
Trong khi doanh nghiệp Việt Nam và các ngân hàng không rõ bộ hồ sơ gốc đang ở đâu thì bất ngờ có người nước ngoài mang chứng từ gốc tới nhận nhưng hãng tàu chưa giao hàng.
Tham tán Việt Nam bên Italy sau khi nhận được công văn hỏa tốc của Vinacas đã trực tiếp làm việc với chính quyền địa phương khu vực cảng và Ban quản lý cảng cũng như hãng tàu tạm thời giữ hàng lại chưa giao nên tạm thời container hàng này chưa được lấy ra!’. Đó là thông tin đặc biệt đáng chú ý được đại diện Vinacas công bố mới đây.
Theo phương thức thanh toán D/B trong thương mại quốc tế mà 5 doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam áp dụng trong thương vụ này thì chỉ khi giao tiền ngay cho phía ngân hàng nhập khẩu (để chuyển giao cho các ngân hàng Việt Nam chi trả cho nhà xuất khẩu), khách hàng mới được giao chứng từ gốc để đi nhận hàng từ hãng vận chuyển.
Nhưng các ngân hàng Việt Nam chưa hề nhận được tiền chuyển. Còn ngân hàng của người mua tại Thổ Nhĩ Kỳ thì thông báo người mua không phải khách hàng của họ và họ đã trả lại bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào, không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam; ngân hàng tại Italy thì thông báo cho ngân hàng Việt Nam rằng họ đã nhận được bộ chứng từ nhưng là các bản copy không phải bản gốc.
Như vậy bộ chứng từ gốc đã lọt vào tay kẻ lạ. Điều đó chứng tỏ vụ lừa đảo không còn là…nghi án!
Việc xuất hiện người cầm chứng từ gốc đến nhận hàng tưởng là tia sáng cuối đường hầm cho doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam, để giữ được hàng? Ông Bạch Nhựt Khang (Phó chủ tịch thường trực Vinacas) lắc đầu: “Tạm thời container này chưa được lấy ra, nhưng về nguyên tắc, người nào đang nắm bộ chứng từ gốc đó sẽ lấy được hàng ra!”.
Điều này, theo đại diện hãng tàu Cosco (một trong 4 hãng tàu quốc tế vận chuyển đơn hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam) khi hàng đến cảng và theo thông lệ quốc tế, ai có bộ chứng từ gốc đến nhận hãng tàu sẽ phải giao hàng, nếu không giao có thể bị đưa ra tòa và hãng tàu sẽ thua kiện. Văn phòng chính hãng tàu Cosco, các chi nhánh kể cả chi nhánh tại Việt Nam và Italy đều phải làm theo thông lệ quốc tế.
Vì vậy Cosco có tư vấn cho các doanh nghiệp cần đưa vụ việc này lên tòa án hoặc các trung tâm trọng tài quốc tế áp dụng biện pháp khẩn cấp. Tuy nhiên theo ông Bạch Nhựt Khang, trong tháng 3 này, container hạt điều của doanh nghiệp Việt sẽ “tràn ngập các cảng”. Tức thời giá quá gấp, ngắn không đủ cho tất cả các bên hoàn thành các thủ tục, hồ sơ xử lý để ngăn chặn kịp thời.
Việc mua bán thực hiện theo phương thức: các doanh nghiệp xuất khẩu điều tại Việt Nam đã ủy nhiệm thu cho 5 ngân hàng Việt Nam thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment - D/P).
Lô hàng do các hãng tàu quốc tế là Cosco, YANGMING, HMM, ONE vận chuyển; điểm đến là cảng Genoa, cảng La Spezia (Italy). Tới thời điểm hiện nay, một số lô hàng đã đến cảng nước ngoài, một số đang trên đường tới.
Oái oăm, trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua tại Thổ Nhĩ Kỳ đều có sự thay đổi về số SWIFT (mã số định danh ngân hàng được cung cấp bởi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu).
Sau khi ngân hàng của người mua tại Thổ Nhĩ Kỳ nhận được bộ chứng từ thì họ thông báo người mua không phải khách hàng của họ và họ đã trả lại bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào, không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam cho dù ngân hàng Việt Nam đã gửi rất nhiều điện liên hệ nhưng vẫn không trả lời.
Còn ngân hàng tại Italy thì thông báo cho ngân hàng Việt Nam rằng họ đã nhận được bộ chứng từ nhưng là các bản copy không phải bản gốc.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam và cả ngân hàng Việt Nam được ủy nhiệm cũng không biết chứng từ gốc đang ở đâu. Trong khi đó, bất cứ ai có bộ chứng từ đều có thể đến gặp hãng vận chuyển để nhận hàng. Và như vậy rủi ro đến với doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn.
Theo công bố của Vinacas, trong 100 container hạtr điều doanh nghiệp Việt Nam ký xuất cho khách bên Italy, tới thời điểm này các doanh nghiệp và ngân hàng mất quyền kiểm soát 36 container hạt điều, trị giá hơn 7 triệu USD, tương đương hơn 160 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường