Vốn chảy mạnh vào bất động sản công nghiệp
Bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong nửa đầu năm 2024. Đây cũng là phân khúc hút mạnh dòng vốn trong bối cảnh thị trường chung còn khó khăn.
Nhà băng ưu ái
So với các phân khúc khác, bất động sản công nghiệp được đánh giá là dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhất là kể từ ngày 1/7, hệ số rủi ro tín dụng bất động sản công nghiệp giảm từ 200% xuống 160%, theo Thông tư số 22/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Điều này sẽ khuyến khích các ngân hàng thương mại tích cực cho vay những dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Nguyện, Phó trưởng phòng tổng hợp kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh TP.HCM đánh giá, trong bối cảnh hấp thụ vốn trong nền kinh tế còn thấp, sự tăng trưởng của thị trường này sẽ có tác động tích cực và hiệu ứng đến những ngành, lĩnh vực khác, trong đó có hoạt động tín dụng ngân hàng.
“Tín dụng bất động sản để phát triển hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp văn phòng cho thuê tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng và tăng trưởng cao nhất so với lĩnh vực khác”, ông Nguyện nói.
Trong đó, tín dụng khu chế xuất, khu công nghiệp tăng 9,47%; tín dụng văn phòng, cao ốc tăng 11,2% so với cuối năm 2023. “Mặc dù tỷ trọng dư nợ đối với lĩnh vực này thấp so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản, nhưng tín dụng tăng đã phản ánh xu hướng phát triển của bất động sản công nghiệp và là yếu tố tích cực tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế”, ông Nguyện đánh giá.
Việc ngân hàng tích cực cho vay với bất động sản công nghiệp cũng là điều dễ hiểu, nhất là trong bối cảnh các nhà phát triển bất động sản công nghiệp vẫn duy trì được kết quả kinh doanh đầy tích cực trong bối cảnh khó khăn chung. Khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong quý đầu năm, chỉ một đơn vị báo lỗ do chưa kịp bàn giao đất và ghi nhận doanh thu.
Một số doanh nghiệp có lãi lớn như Tổng công ty IDICO (797 tỷ đồng), Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp Sonadezi (362 tỷ đồng), Tổng công ty Viglacera (237 tỷ đồng), Becamex IDC (119 tỷ đồng)… Phần lớn lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh chính, tức là cho thuê hạ tầng công nghiệp. Đây cũng là những doanh nghiệp được dự báo có nhiều triển vọng tăng trưởng trong năm nay.
Trong báo cáo thị trường nửa đầu năm 2024, Dat Xanh Services đánh giá, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam ghi nhận sự ổn định về nguồn cung, trong khi nhu cầu thuê tăng trưởng đều đặn và giá thuê có xu hướng tăng nhẹ.
Tổng nguồn cung tại miền Bắc và miền Nam duy trì ổn định so với quý trước, đạt lần lượt 14.500 ha và 27.700 ha. Dù không có nhiều biến động so với cuối năm 2023, thị trường vẫn chứng kiến sự phát triển của các dự án mới tại một số địa phương, thể hiện sự quan tâm và đầu tư ngày càng tăng vào lĩnh vực này.
Nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp tăng ổn định nhờ xu hướng dịch chuyển cơ cấu sản xuất sang ngành công nghiệp. Hoạt động sản xuất phục hồi trong quý II/2024 cũng góp phần cải thiện tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp.
Thị trường tiếp đà tăng trưởng
Không chỉ các nhà băng ưu tiên rót vốn vào phân khúc này, mà từ đầu năm đến nay, nhiều chủ đầu tư mạnh về xây dựng khu đô thị, nhà ở, cũng tận dụng cơ hội để xoay trục về bất động sản công nghiệp - cửa sáng hiếm hoi trên thị trường.
Điển hình như Taseco Land (TAL) đặt mục tiêu phát triển 5 khu công nghiệp mới, với quy mô hơn 1.000 ha trong 5 năm tới. Khang Điền cũng góp phần làm nóng đường đua với Dự án Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (TP.HCM). Đại diện doanh nghiệp cho biết, đang hoàn tất bồi thường, giải phóng mặt bằng để khu công nghiệp này đủ điều kiện đưa vào kinh doanh từ năm sau.
Ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Đất Xanh Services đánh giá, nguồn cung phân khúc bất động sản công nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2024 sẽ tăng nhẹ trong ngắn hạn và gia tăng đáng kể trong dài hạn khi nhiều diện tích đất công nghiệp mới được quy hoạch. Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang tăng liên tục, thúc đẩy nhu cầu sử dụng đất công nghiệp và khu công nghiệp gia tăng.
“Do nguồn cung và cầu đều có xu hướng tích cực, giá thuê đất công nghiệp dự kiến ổn định hoặc tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2024, dự báo tỷ lệ lấp đầy sẽ tăng nhẹ ở cả khu vực miền Nam và miền Bắc. Điều này có được một phần từ chính sách ngoại giao linh hoạt để thu hút đầu tư của Chính phủ và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nên bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục là điểm sáng của thị trường trong trung và dài hạn”, ông Khôi tin tưởng.
Đồng quan điểm, ông Trương Khắc Nguyên Minh, Phó tổng giám đốc KCN Việt Nam đánh giá, dòng vốn tiếp tục diễn biến tích cực trong bối cảnh Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút đầu tư. Ngoài yếu tố khách quan như xu hướng chuyển dịch sản xuất, cũng cần ghi nhận sự tích cực đến từ chính sách của Chính phủ giúp thu hút đầu tư, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, để thu hút được các dòng vốn lớn, ông Minh cho rằng, phải luôn theo dõi thị trường và diễn biến hàng ngày, nắm bắt nhu cầu để điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ cho nhà đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận