VNG - Chiến lược đầu tư trên thua lỗ
Dù Công ty Cổ phần VNG (HoSE: VNZ) thua lỗ liên tục và đang có kế hoạch lỗ trong năm 2023, nhưng vẫn được đánh giá cao.
Không chỉ VNG, mà nhiều kỳ lân công nghệ khác, như Grab, Uber, Didi… cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Kỳ lân thua lỗ
Trên thị trường quốc tế, các kỳ lân thường không tránh khỏi các vòng gọi vốn lớn, trong khi kinh doanh có thể lỗ ròng kéo dài. Điển hình như Grab, khởi đầu là một start up ứng dụng gọi xe ra đời năm 2012, nhảy qua các lĩnh vực giao đồ ăn, giao hàng, thanh toán số…, trở thành một kỳ lân vốn hóa khủng nhưng trải qua các kỳ lỗ ròng triệu - tỷ đô.
Tại quý 4/2021, lúc triển khai SPAC, Grab lỗ 1,06 tỷ USD khiến cổ phiếu đã bay hơi hàng chục phần trăm sau khi IPO.
Quý 4/2022, Công ty này tiếp tục lỗ 111 triệu USD và tính nguyên cả 2022, Grab ghi nhận khoản lỗ 1,7 tỷ USD, giảm 51% so với mức lỗ 3,5 tỷ USD của cả năm 2021. Tuy nhiên, điều này không hề hấn gì với định giá Grab vẫn đạt 40 tỷ USD khi lên sàn Nasdaq.
Tương tự Grab, thì Uber, Didi, Sea… đều là những gã khổng lồ công nghệ khu vực có định giá và huy động vốn khủng, bất chấp lợi nhuận âm.
Trở lại với VNG, cho đến cuối 2022, Công ty ghi nhận lỗ lũy kế 1.533,92 tỷ đồng. Quý 1/2023, VNG tiếp tục lỗ sau thuế hơn 90 tỷ đồng. Kế hoạch cả năm 2023 của VNG cũng đã xác định lỗ khoảng 530 tỷ đồng. Tức nếu “đạt kế hoạch”, VNG có thể lỗ lũy kế khoảng 2.100 tỷ đồng tại cuối năm nay.
90 tỷ đồng là khoản lỗ ròng quý 1/2023 của VNG, trong khi kế hoạch cả năm 2023 lỗ 530 tỷ đồng.
Triển vọng kém tích cực
Để có mức “lỗ kế hoạch”, tức lợi nhuận âm hơn cả nửa ngàn tỷ đồng, Lãnh đạo VNG cho biết tại kỳ ĐHĐCĐ 2023 diễn ra đầu tháng 7/2023, Công ty đã tối ưu chi phí vận hành cũng như thận trọng hơn trong các khoản đầu tư mới.
Năm 2023, cổ đông VNG thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh với doanh thu đạt 9.281 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm 378 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 572 tỷ đồng.
VNG sẽ không chia cổ tức 2022, giữ lại nguồn tiền để đáp ứng nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh chiến lược và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ.
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ cũng duyệt phương án mua lại hơn 7,1 triệu cổ phần (cổ phiếu quỹ) đã được thông qua trước đó; đồng thời thông qua việc quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của Công ty lên 49% sau khi hoàn tất thủ tục xử lý cổ phần mua lại. Tỷ lệ này khá tương ứng với sở hữu cổ phần khối ngoại cần có theo cơ cấu cổ đông trước thềm IPO sàn Mỹ mà nhiều bên cho rằng VNG đã “rậm rạp” từ hàng năm trước.
Chưa biết khi nào VNG sẽ thực sự IPO tại Mỹ nhưng trước mắt, việc xử lý cổ phần này theo dự kiến có thể mang về hơn 1.200 tỷ đồng cho kỳ lân công nghệ đang ở thời kỳ “ngốn vốn”. Ngoài ra, một nguồn tin khác từ một hãng thông tin ngoại, không được VNG xác nhận hay phủ nhận, cho rằng VNG sẽ IPO ở Singapore. Tiền IPO sẽ là vòng gọi vốn ngoại 100 triệu USD, tăng tỷ lệ góp vốn từ khối ngoại bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài nổi tiếng tại VNG trước đó gồm GIC, Temasek và Tencent.
Dù với mục đích cơ cấu lại nguồn vốn, bổ sung vốn lưu động, vốn cho đầu tư và hoạt động kinh doanh để mở rộng và phát triển thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài, VNG chỉ vừa mới ra khỏi thách thức khởi đầu là bước ra khỏi diện kiểm soát. Nhưng giai đoạn phía trước có lẽ bớt sắc hồng khi thị giá cổ phiếu đã tuột dốc khá mạnh so với đỉnh giai đoạn mới chào sàn, khiến vốn hóa thị trường của VNG cũng đang bị bốc hơi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường