menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Quyết

VNDirect kinh doanh ra sao sau sự cố hacker tấn công?

BCTC quý II vừa công bố cho thấy VNDirect chịu ảnh hưởng đáng kể từ sự cố hacker tấn công. Chi phí tăng cao làm lợi nhuận giảm, quy mô tài sản khách hàng quản lý sụt giảm, song thị phần môi giới cổ phiếu vẫn tăng.

Ngày 25/3, thị trường chứng khoán rúng động trước thông tin VNDirect (mã: VND) – công ty chứng khoán thuộc top 3 vốn điều lệ ngành bị hacker tấn công. Sự việc hết sức nghiêm trọng khi phải 1 tuần sau đó công ty mới có thể mở lại hệ thống cho nhà đầu tư giao dịch.

Điều này không chỉ làm chậm trễ kế hoạch giao dịch tổn thất cho nhà đầu tư mà VNDirect còn đối diện với khủng hoảng niềm tin, mất khách hàng vào tay các công ty chứng khoán khác. Để khắc phục phần nào tổn thất cho khách hàng, công ty đã đưa ra chính sách ưu đãi trong quý II như miễn phí giao dịch, miễn lãi suất cho vay ký quỹ từ ngày 25/3 đến ngày hệ thống giao dịch trở lại…

Chi phí tăng làm lợi nhuận giảm

BCTC quý II cho thấy kết quả kinh doanh của công ty đi xuống sau sự cố. Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động của VNDirect giảm 8% xuống 1.458 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL ghi nhận thông qua lãi/lỗ giảm từ 948 tỷ đồng về 810 tỷ đồng, lãi các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm từ 122 tỷ về 116 tỷ đồng, doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán giảm từ 203,7 tỷ về 182 tỷ đồng.

Ngược lại, chi phí hoạt động tăng mạnh 41,6% lên 803 tỷ đồng; riêng lỗ bán các tài sản tài chính FVTPL là 538 tỷ đồng, tăng 35,5%. Chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi, lỗ suy giảm tài sản tài chính và chi phí đi vay của các khoản cho vay đột biến từ 2 tỷ lên 99 tỷ đồng.

Qua đó, công ty báo lợi nhuận sau thuế 345 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước dù chi chí lãi vay giảm mạnh từ 412 tỷ về 154 tỷ đồng nhờ mặt bằng lãi suất giảm. Lũy kế nửa năm, công ty lãi sau thuế 961 tỷ, tăng 71,5%.

Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Long tiết lộ trong tháng 4 công ty bị lỗ do bù chi phí cho khách hàng sau sự cố hacker tấn công hệ thống. Thời gian qua, VNDirect dành thời gian hồi phục, đảm bảo hệ thống an toàn hơn.

Năm nay, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận 2.020 tỷ đồng. Sau nửa năm, VNDirect thực hiện được gần 48 mục tiêu lợi nhuận. Ông Nguyễn Vũ Long đánh giá còn nhiều biến số thách thức, song công ty đã chuẩn bị các kịch bản và tự tin hoàn thành chỉ tiêu.

Tại cuối quý II, tổng tài sản doanh nghiệp đạt 45.153 tỷ đồng, tăng thêm 3.411 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty tăng 26% danh mục tài sản tài chính lên 21.114 tỷ đồng, tăng các khoản cho vay gần 1.000 tỷ lên 11.246 tỷ đồng.

Thị phần tăng nhưng quy mô tài sản quản lý giảm

Xét về thị phần môi giới, VNDirect duy trì vị trí thứ 4 trên HoSE với 6,46% sau VPS, SSI và TCBS; cải thiện so với mức 6,01% của quý II. Tại HNX, công ty ghi nhận thị phần tăng từ 7,51% quý I lên 7,77% trong quý II và giữ vững vị trí thứ 3 sau VPS, TCBS.

Tuy nhiên, trong khi nhiều đơn vị như SSI, VCI, HCM, VPBankS tăng đáng kể tài sản tài chính niêm yết/đăng ký giao dịch tại VSD của nhà đầu tư thuộc quản lý thì VNDirect giảm. Tại cuối quý II, tài sản tài chính của nhà đầu tư do công ty quản lý đạt 83.060 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ so với đầu năm và 1.000 tỷ đồng so với cuối quý I; chủ yếu giảm trong tài sản tài chính giao dịch tự do chuyển nhượng, hụt 880 tỷ so với đầu năm và hụt 2.469 tỷ so với cuối quý I.

Tại cuối kỳ, danh mục FVTPL của VNDirect đạt 21.067 tỷ đồng (theo giá gốc), tăng thêm 4.428 tỷ đồng so với đầu năm; chủ yếu tăng trong trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi. Danh mục cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết đạt 1.284 tỷ đồng, phân bổ vào 3 cổ phiếu chính VPB, HSG và ACB; danh mục cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chưa niêm yết 1.341 tỷ đồng với cổ phiếu nổi bật C4G và LTG. Trái phiếu niêm yết 2.177 tỷ, trái phiếu chưa niêm yết 8.599 tỷ và chứng chỉ tiền gửi 7.390 tỷ đồng.

Đáng chú ý, giao dịch danh mục FVTPL khá đột biến so với quý I ở cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết. Cụ thể, số lượng bán cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết có lãi là 40,7 triệu đơn vị, giá trị 1.503 tỷ đồng; trong khi con số báo cáo trong quý I lần lượt là 15 triệu và 498 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết lỗ bán cũng nhảy vọt từ 4,9 triệu đơn vị lên 23 triệu đơn vị, giá trị từ 386 tỷ lên 851 tỷ đồng.

Kể từ khi bị hacker tấn công, cổ phiếu VND ghi nhận đà giảm giá mạnh từ vùng 21.400 đồng/cp xuống 16.278 đồng/cp trong vòng gần 1 tháng. Sau đó, mã chứng khoán VND có sự phục hồi nhưng không đáng kể và hiện rớt về vùng 15.850 đồng/cp, vùng giá tháng 7/2023.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

15.70

-0.15 (-0.95%)

Biểu đồ mã VND
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả