Virus corona dạy ta điều gì? (Kỳ 2)
Mỗi biến cố xảy ra luôn để lại nhiều bài học đắt giá. Việc phạm sai lầm trong quá trình đầu tư là khá phổ biến. Tuy nhiên, chúng ta không được phép phạm lại những sai lầm cũ nếu muốn tiếp tục tồn tại trên thị trường.
Phải luôn có phương án B
Theo các nghiên cứu của Giáo sư Daniel Kahneman (Nobel Kinh tế năm 2002), khi có tin xấu xuất hiện một cách đột ngột thì nhà đầu tư nên ngay lập tức đi theo nó để tránh bị thua lỗ trong ngắn hạn. Giải pháp hiển nhiên nhất là nên bán ra bớt một phần lớn lượng cổ phiếu trong danh mục và xem xét mua lại sau. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư ít chịu sức ép về mặt tâm lý hơn là cứ ngoan cố giữ cổ phiếu một cách bất chấp.
Nhà đầu tư cần giữ một cái đầu lạnh và cẩn trọng trước các đợt thông tin tiêu cực bất ngờ để có thể đưa các quyết định hợp lý. Không bao giờ được phép nghĩ rằng mình quá giỏi và luôn ở “cửa trên” so với phần còn lại của thị trường. Nhà đầu tư phải luôn có phương án B bởi vì phương án ban đầu chưa chắc sẽ đi đúng hướng mà chúng ta mong muốn.
Đa dạng hóa danh mục tài sản
Nhà đầu tư, đặc biệt là những người mới, không nên quá tập trung vào một loại tài sản nhất định. Việc xây dựng một danh mục đa dạng hóa với nhiều loại tài sản (cổ phiếu, vàng, trái phiếu, bất động sản,…) là hết sức cần thiết. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư tránh được thua lỗ nặng so với việc tập trung “bỏ hết trứng vào một rổ”. Ví dụ dưới đây cho ta góc nhìn rõ nét về vấn đề này. Từ tháng 09/2018 đến tháng 02/2020, vàng đã thiết lập xu hướng tăng mạnh và vượt ngưỡng kháng cự 1,360-1,390 USD/oz (tương ứng với đỉnh cũ tháng 03/2014 và tháng 07/2016).
Hiện tại, giá vàng nhận được sự hỗ trợ từ vùng 1,530-1,560 USD/oz (đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 08/2019) và đang tiếp tục tăng trưởng. Nếu nhà đầu tư sở hữu vàng trong danh mục của mình thì trong thời gian qua đã có mức sinh lời khá là cao.
Nhà đầu tư có thể dựa vào tính cách, thế mạnh và năng lực tài chính của mình để có thể xây dựng một danh mục đầu tư phù hợp.
Gạn đục khơi trong
Trong các sự kiện bất ngờ, nhà đầu tư phải luôn chú ý đến có hai loại đối tượng: những ngành hưởng lợi và các ngành bị ảnh hưởng xấu.
Tổng Công ty cổ phần Y tế DANAMECO (HNX: DNM) là cổ phiếu ngành dược không chỉ tăng giá nhờ yếu tố tâm lý mà việc kinh doanh của doanh nghiệp này còn hưởng lợi trực tiếp từ dịch bệnh virus corona. DNM là nhà sản xuất khẩu trang, găng tay, mặt nạ thở oxy, trang phục chống dịch… nên được giới đầu tư cực kỳ chú ý. Giá cổ phiếu đã tăng gấp đôi kể từ khi dịch virus corona lan khắp toàn cầu.
Hàng không đã được giới chuyên môn xác định ngay từ đầu là một trong những ngành bị ảnh hưởng năng nề nhất từ dịch virus corona. Việc tạm tránh xa các cổ phiếu của ngành này là hết sức cần thiết. Điển hình là cổ phiếu của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (HOSE: HVN) đã mất gần 20% giá trị tính từ đầu tháng 01/2020 đến nay.
HVN test không thành công cận trên của kênh tăng dài hạn (bắt đầu từ tháng 08/2018) cùng với chỉ báo Relative Strength Index cho tín hiệu phân kỳ giá xuống trong phiên ngày 12/07/2019, HVN đã bắt đầu nhịp giảm mới và chững lại đà giảm tại cận dưới của kênh. Tại ngưỡng này, nhiều nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy và giá cổ phiếu đã có những nhịp phục hồi trở lại. Nhưng nếu nhìn rõ nét hơn thì bắt đầu từ tháng 10/2019, HVN dao động trong kênh giảm ngắn hạn.
HVN đã liên tục phá vỡ cận dưới của kênh tăng dài hạn cũng như cận dưới của kênh giảm ngắn hạn. Điều này cho thấy xu hướng giảm mới đã hình thành trên cổ phiếu. HVN cũng đã phá vỡ ngưỡng Fibonacci Projection 61.8% và đang tiến về ngưỡng Fibonacci Projection 100%. Vì vậy, tạm thời chỉ nên quan sát chứ chưa vội bắt đáy cổ phiếu này.
Nói tóm lại, nhà đầu tư cần phải tôn trọng các nguyên tắc xử lý khủng hoảng mà mình đã đặt ra và theo dõi sát sao cổ phiếu/tài sản để có thể chọn điểm ra vào hợp lý nhất có thể.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận